fbpx
  • No products in the cart.

  • LOGIN

Lịch sử hội họa – Part 9: Ảnh hưởng của kiến trúc Gothic

Thuật ngữ Gothic để chỉ một giai đoạn hơn là để mô tả những đặc điểm của nó. Mặc dù có một số đặc tính được công nhận là phong cách của Gothic, nhưng nhiều biểu thị của nghệ thuật Gothic có ý nghĩa hơn nếu chúng ta nhớ giai đoạn này kéo dài trên 200 năm và ảnh hưởng của nó lan khắp châu Âu. Đầu tiên người Ý sử dụng thuật ngữ Gothic để chỉ tác phẩm xuất hiện trong thời Trung cổ. Nó liên quan đến quá khứ man rợ là giống người Gothic ở phía Bắc (gốc Đức) thời xưa, quân đội họ đã xâm lược nước Ý và cướp phá thành Rôma vào năm 410. Thực ra “Gothic” đã mất đi tính cách miệt thị và được hiểu là một từ ngữ nói về phong cách mới của kiến trúc và nghệ thuật, nổi lên sau thời kỳ Rôma và trước thời Phục Hưng.

Cuộc cách tân tách giáo hội thời Gothic khỏi lối kiến trúc Roman là cấu trúc mới kiểu mái vòm, có sườn nâng đỡ, không cần phải xây tường dày cộm để chịu lực đè của mái nữa. Trụ tường xây cao được chạm hình họa, hoa văn trang trí phía ngoài cũng chịu tải trọng của mái để cột và tường giảm bớt sức chịu lực. Do đó tường có thể xây mỏng hơn và chứa nhiều chỗ để ốp kính cho ánh sáng tràn vào…

Quan niệm sai lầm và phổ biến nhất về kiến trúc Gothic cho rằng kiểu khung vòm nhọn là một trong sự cách tân. Thật ra, những khung vòm như thế không mới, nhưng nó rất phổ biến và được yêu thích theo thiết kế Gothic hơn trước kia. Nó có nhiều hình dạng đẹp và phong phú hơn loại khung vòm hình bán nguyệt, lại giúp kiến trúc sư dễ chọn lựa hơn.

Những nhà thờ đầu tiên xây dựng theo kiến trúc Gothic ở Pháp, nổi tiếng nhất là đại thánh đường Notre Dame ở Paris, nhà thờ Thánh Denis ở Paris và ở Chartres. Ít trau chuốt hơn nhưng cũng tương tự phong cách xuất hiện ở Anh, chẳng hạn tại Salisbury và các nhà thờ theo kiến trúc Gothic cũng được xây dựng ở Đức, Ý, Tây Ban Nha và Hà Lan. Trong tất cả các nhà thờ đó có một điều rất lạ và sự thay đổi lớn là việc ốp cửa kính màu, đón ánh sáng rực rỡ tràn ngập vào trong, bày ra một không gian mới mẻ huyền ảo. Trong khi trước đây mỗi mảnh màu, họ phải xây kèm bờ đá. Những thợ thủ công Gothic đã học cách gắn kính màu thành một mạng lưới bằng chì để giữ kính yên chỗ. Nghệ thuật làm cửa kiếng màu đã đạt tới cao độ ở nhà thờ Sainte Chapelle, Paris tại đó, các cửa sổ chiếm ba phần tư cánh tường

Bên trong nhà thờ Sainte Chapelle ở Paris - @thousandwonders.net

Bên trong nhà thờ Sainte Chapelle ở Paris – @thousandwonders.net

NỀN HỘI HỌA GOTHIC LÊN NGÔI

Hội họa thời Gothic bắt nguồn từ Ý. Vào thế kỷ 13 nền hội họa ở Ý vẫn còn bị chi phối bởi nghệ thuật Byzantine, mà ở  Ý người ta gọi nó là “kiểu Hy Lạp”. Hội họa chịu ảnh hưởng phong cách Gothic chậm hơn so với kiến trúc và điêu khắc. Mãi tới cuối thế kỷ 13 thì phong cách Gothic mới xuất hiện trong hội họa, vẽ trên gỗ thật huy hoàng ở Florence và Siena. Những bức họa Gothic ban đầu bộc lộ đường nét hiện thực nhiều hơn những bức vẽ theo kiểu Romanesque và Byzantine. Các họa phẩm rất quyến rũ nhờ thuật vẽ phối cảnh nên đã tạo không gian ảo giác trông như thật.

XOAY LƯNG VỚI NGHỆ THUẬT BYZANTINE

Nghệ sĩ xuất sắc nhất ở Florence vào cuối thế kỷ 13 là Cimabue (tên họ Centi di Peppi – 1240-1302) được công nhận là thầy của họa sư Giotto. Nhiều tác phẩm đã được qui về nhóm họa sĩ có cùng một tôn chỉ như của Giotto.

Dù Cimabue là họa sĩ theo phong cách Byzantine, ông đã vượt qua đoạn đường dài tự bứt phá khỏi cách vẽ tượng thánh “phẳng là” để đạt đích bước đầu truy lùng hiện thực. Ông là người góp công lớn cho nền tảng hội họa Âu Tây.

Chúng ta biết Cimabue đã đến La Mã năm 1272, nơi mà sau này là trung tâm trường phái Bích họa. Các họa sĩ vẽ trên tường và khảm màu vào thời đó rất thích vẽ sao cho thật tự nhiên.

Bức “Maestà”, do Cimabue vẽ năm 1280-1282, khổ 225 x 386cm - @noteartistiche.it

Bức “Maestà”, do Cimabue vẽ năm 1280-1282, khổ 225 x 386cm – @noteartistiche.it

Họa sĩ Cimabue cũng cộng tác mật thiết với các nghệ sĩ đương thời. Ông được nổi tiếng nhờ vẽ bức Maestà , nguyên bày trên bàn thánh ở nhà thờ Santa Trinità, Florence. Chữ Maestà nghĩa là “uy nghi”, để vẽ Đức Mẹ và Chúa Con, Đức Mẹ ngồi trên ngai, các thánh đứng vây quanh. Bức Maestà, Cimabue đã vượt xa phong cách tạo hình cứng cỏi theo hình họa tượng thánh Byzantine. Sắp xếp nét trang phục nhân vật cho mềm mại, kèm theo sự áp dụng không gian mở ba chiều khi khảm vào ngai Đức Mẹ và Chúa Con ngồi. Đó là những điều mới mẻ và hấp dẫn.

DUCCIO VÀ TRƯỜNG PHÁI SIENA

Không kể những phát triển ông đã thực hiện, tranh của Cimabue vẫn còn “phẳng” khác với lối tạo hình khối trong các tác phẩm vĩ đại đương thời ở Siena của bậc thầy Duccio (tên họ Duccio di Buoninsegna, hoạt động từ 1278-1318/19).

Suốt thế kỷ 13 và 14, thành phố Siena thi đua với Florence về phong cách nghệ thuật. Nếu Giotto thúc đẩy cuộc cách mạng nghệ thuật ở Florence, thì bậc thầy Duccio và đệ tử đã góp công sức, tuy nhỏ nhưng rất đáng kể trong cuộc cách mạng nghệ thuật ở phương Nam. Duccio có sức sáng tác mạnh mẽ. Họa phẩm vĩ đại nhất của ông là Maestà, dành cho Đại thánh đường Siena năm 1308, bức tranh này triển lãm năm 1311, với lễ khai mạc rất trọng thể: “Thánh đường trước bức họa tới Siena ngày 9 tháng 6 rất trọng thể… chuông trống đồng loạt gióng lên rộn rã. Các cửa hàng trong thành phố đều đóng cửa ăn mừng”. Có điều khác thường là một tác phẩm vĩ đại như vậy mà sau này bị người ta cắt ra từng phần đem bán vì nó không còn được trân trọng nữa. Việc làm điên rồ đó, xét ra lại có cái hay, vì nhờ đó mà các viện bảo tàng trên thế giới mỗi nơi dành được một vài mảnh!

Họa phẩm Maestà của Duccio được vẽ cả hai mặt, mặt trước gồm ba phần. Phần chính về Đức Mẹ và Chúa Con Đăng Quang, có thần thánh vây quanh. Viền dưới tranh, minh họa cuộc đời thơ ấu của Đấng Cứu Thế. Viền trên tranh vẽ cảnh tượng những năm cuối của Mẹ Đồng Trinh. Hai viền trên, dưới, nay đã thất lạc. Mặt sau, vẽ cảnh tượng đời Chúa.

“Các nữ thánh bên mộ Chúa", Duccio vẽ năm 1308-1311, khổ 53 x 102cm - @fineartamerica.com

“Các nữ thánh bên mộ Chúa”, Duccio vẽ năm 1308-1311, khổ 53 x 102cm – @fineartamerica.com

Trong những cảnh vẽ ở mặt sau bức Maestà, nay Vẫn Còn ở Siena, có bức “Các nữ thánh bên mộ Chúa” (hình 53). Khi ba nữ thánh thấy mộ Chúa trống trơn, và được Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel báo rằng: “Ngài đã sống lại”. Bức họa được vẽ một cách giản dị, chân phương mà duyên dáng, diễm lệ khiến chúng ta thấy được sự cấp bách của bức thông điệp từ trời cao truyền xuống loài người.

Không như Giotto, họa sĩ Duccio không quan sát, miêu tả tỉ mỉ tâm lý trên vẻ mặt các nữ thánh. Nhưng có một sợi dây vô hình nối kết tâm hồn của họ với nhau. Sự khổ nạn của Chúa và nhân vật trong họa phẩm có mối tương giao với nhau. Hé mở cho ta thấy một thế giới nội tâm sâu kín, bí ẩn mà ngay tác giả cũng không thể nắm bắt hết. Thái độ khách quan và cẩn trọng là một tính cách nổi bật nhất trong phong cách sáng tác của họa sĩ Duccio.

CHÚA KÊU GỌI MÔN ĐỒ

Một bức tranh nhỏ khác, vẽ trên viền tranh mặt bên kia trong danh tác của Duccio là bức Kêu gọi môn đồ Peter và Andrew (hình 54): hình ảnh sáng rỡ, trần trụi, toát lên sức mạnh lạ lùng.

Duccio chia tranh làm ba khoảng: bầu trời vàng rực vĩ đại, biển xanh vàng và bờ núi đá, Chúa Giêsu đứng trên hốc bờ đá. Khoảng giữa là hai anh em Andrew và Peter, sửng sốt vì phép lạ xảy ra trong công việc kiếm sống của họ! Họ đã buông lưới suốt đêm mà chẳng bắt được con cá nào. Khi Chúa Giêsu bảo họ thả lưới bên này, họ nghe theo. Và khi họ kéo lưới lên thì lạ thay, bắt được mẻ cá đầy. Nhưng họ khó thấy nó ngay. Peter quay sang như muốn hỏi Chúa Giêsu, trong khi Andrew đứng lặng nhìn ra!

Bức “Kêu gọi Môn đồ Peter và Andrew” (trong bộ tranh Maestà) của Duccio, vẽ năm 1308-1311, khổ 46 x 43cm - @fineartamerica.com

Bức “Kêu gọi Môn đồ Peter và Andrew” (trong bộ tranh Maestà) của Duccio, vẽ năm 1308-1311, khổ 46 x 43cm – @fineartamerica.com

Hai môn đệ mặc quần áo bạc màu, trong khi Chúa mặc áo đỏ sậm tượng trưng tình thương, để tỏ lòng trung kiên, màu vàng viền áo và nét mặt để tách với ánh vàng ở phía sau.

  • MÔN ĐỒ ANDREW: Môn đồ này được vẽ lúc được “ơn kêu gọi” trong khi Peter, anh ông, theo Kinh thánh là một người luôn hoạt động, đối chất với Chúa Giêsu, còn Andrew tỏ vẻ nghe ngóng, không thấy sự đối thoại khi ông tạm dừng kéo chiếc lưới đầy cá, đứng đờ đẫn, nét mặt tỏ vẻ chần chừ ..
  • HÀO QUANG CỦA CHÚA: Vòng hào quang là biểu tượng linh thiêng tuyệt hảo. Mới đầu, thần mặt trời, Mithras và Helios đội vầng hào quang để tượng trưng ánh sáng và sức mạnh. Lần đầu tiên nghệ thuật công giáo áp dụng nó vào thế kỷ thứ 4. Trong tranh này, hào quang của Chúa được khắc vào bản gỗ. Đường nét Gothic vẽ thường cẩn thêm đá quí lấp lánh, để phân biệt với chỗ không phải hào quang.
  • CHÚA KÊU GỌI: Duccio mô tả Chúa như vua chúa, Ngài chìa tay về phía hai người đánh cá, không hẳn mời mọc, nhưng nhẹ nhàng ra lệnh. Ngài đứng chân trần trên bờ đá, tượng trưng giáo hội, và cảm thông với Peter (Peter nghĩa là “đá”) đã được Chúa chọn.
  • LƯỚI CÁ: Lưới kéo lên đầy cá, nói lên việc truyền giáo sẽ đạt kết quả to lớn. Lưới cá kéo lên lưng chừng giữa làn nước biển trong veo (sinh động với lớp màu vàng ấm phía dưới). Ở đây Duccio ít quan tâm tới không gian ba chiều – chiếc tàu gỗ trông như “cái bao” thả xuống nước, vừa đủ chứa hai người đánh cá.

GIOTTO

Giotto là người tái phiên dịch và chuyển thể nền nghệ thuật Byzantine. Ông là nghệ sĩ vĩ đại ở Florentine thời ấy, tên họ ông là Giotto di Bondone, sinh năm 1267, mất năm 1337. Cuộc cách mạng của ông nhắm vào hình thể và cách vẽ hiện thực, theo không gian “kiến trúc” (cho nên hình họa của ông hòa hợp tỉ lệ với kiến trúc và cảnh vật xung quanh), đánh dấu một bước nhảy vọt trong lịch sử hội họa.

Hội họa Gothic bắt kịp với đỉnh cao của Giotto. Nghệ thuật của ông nảy nở rực rỡ, đã thu tóm và bơm nguồn sinh lực mạnh mẽ vào mọi ngóc ngách nghệ thuật xưa cũ đã khô héo… lần đầu tiên, nền hội họa Âu châu được sử gia Michael Levey gọi là: “cá thể sáng tạo vĩ đại”. Tuy nhiên Phục hưng mới là thời “cá thể”. Các nhà viết về thời Phục hưng nào, cũng phải mở đầu bằng Giotto. Ông là một nhân vật vĩ đại, một chân ông đứng ở thời trước, chân nữa bước sang đời hiện tiến. Tuy nhiên, đời ông gắn liền với thời Gothic, nó đi kèm với không khí tinh thần hòa dịu, dùng màu sắc tươi mát và đẹp đẽ trước cuộc đời sinh động. Các nghệ sĩ Gothic học vẽ theo hình họa vững chắc, trong khi các họa sĩ trước kia đã vẽ tranh bằng những đường nét đều đặn, nhàm chán, thiểu vẻ đồ sộ, chắc chắn, chất liệu mong manh, dù tinh thần mạnh mẽ.

ẢNH HƯỞNG GIOTTO

Chúng ta biết Giotto đến La Mã năm 1300, vẽ một bức bích họa ở lâu dài Lateran. Ông đã hiểu sự đổi mới của Pietro Cavallini. Các họa sĩ ở La Mã vẽ bích họa tươi đẹp, đầy sức sống, tranh khảm màu, nắm bắt được hình ảnh tự nhiên một cách lạ lùng. Tranh bích họa của Giotto không đồng hóa theo phong cách Byzantine như trường hợp của Cimabue đã vướng vào, mà nó đã vượt lên. Mô tả thế giới như thật là điều chính của Giotto. Ông đã sống thực với vóc dáng thiên nhiên, với một nhân cách bất động, đã làm biến đổi cả một dòng nghệ thuật sang xu hướng mới mẻ…

Nhân vật tương đương tầm vóc với đại gia Giotto về mặt đổi mới trong cái nhìn sự vật là điêu khắc gia vĩ đại ở Ý vào thời đó là Nicola Pisano (mất năm 1278) và con trai ông là Giovanni (sinh năm 1250 mất 1314).

Năm 1250, Nicola Pisano đến sống ở Tuscany, cùng tỉnh với họa sư Giotto. Ông đến học điêu khắc cổ điển La Mã, nhưng quan trọng ở chỗ ông đem theo ảnh hưởng mới mẻ và sống động của nghệ thuật Gothic Bắc Âu vào Ý. Người Pháp tự lập triều đình Anjou ở Naples vào năm 1260, nên đã gây ảnh hưởng mới vào nền điêu khắc của Pisano có tính thuyết phục nhờ hình thể nhân dạng vững chắc (xem cột chữ phải), vượt xa điêu khắc gỗ, và các phong cách tự nhiên vẫn có tại Tuscany trong thời đó (xem cột trái).

Nếu chúng ta so họa phẩm của Giotto trong tương quan điêu khắc với Pisano, thì hình họa của Giotto như “nảy” lên, theo suy luận, nó có thể dạng điêu khắc, đem theo không gian vào tranh, cho nó có “chỗ thở”, đã tính bỏ hết tính cách cứng ngắc của hội họa Byzantine.

“Đức Mẹ và Chúa Con", do Giotto về khoảng năm 1320-1330, khổ 62 x 85cm - @wikimedia.org

“Đức Mẹ và Chúa Con”, do Giotto về khoảng năm 1320-1330, khổ 62 x 85cm – @wikimedia.org

Cỡ tranh của Giotto cần nhỏ hơn bích họa, nhưng nhân vật trong đó xem ra lớn hơn. Trong bức Đức MẹChúa Con  đặc biệt nhân dáng có nét nặng, tạo dáng “to hơn”. Bà nhìn ra một cách hiền từ, đáng kính, còn Chúa Con, dáng vẻ uy quyền, được Mẹ ẵm chắc như ngồi trên ngai. Tuy nhiên, người chiêm ngưỡng không cảm thấy “Kính nhi viễn chi”, trái lại, chúng ta thấy gần gũi.

giotto-the-lamentation-1305

Bức “Hạ xác Chúa”, do Giotto vẽ năm 1304, khổ 200 x 230cm – @32minutes.wordpress.com

BÍCH HỌA CỦA GIOTTO

Đền thờ Arena ở Padua được trang hoàng bằng một dãy bích họa vĩ đại nhất của Giotto, vẽ khoảng từ năm 1305 đến 1306, mô tả từ cảnh sống của Mẹ Đồng Trinh đến cảnh khổ nạn của Chúa Kitô. Bích họa vẽ liên tiếp quanh đền thờ. Bức bích họa hạ xác Chúa vẽ trên phía Bắc đền thờ Arena, là bức cuối so với bức “Kêu gọi môn đồ” bức mở đầu của Duccio. Họa sĩ đã dốc hết sức vào các đoạn suy ngẫm sâu thẳm trong diễn tiến câu chuyện của Chúa Kitô. Trái với đỉnh cao nghệ thuật của họa sĩ Cimabue, đỉnh cao của Giotto khi vẽ Đức Mẹ đăng quang đã đem công nghiệp của Chúa bày ra ngang tầm mắt loài người, tạo nên một sự thật đáng kinh ngạc, làm biến đổi sự kiện quen thuộc cho gần gũi với nỗi đau và cảm động “rất người!” Bức hình vuông to lớn như rung chuyển lên với các loạt cảnh của các thánh khóc than, mỗi người đều mang đậm nét riêng tư. Đức Mẹ được vẽ thành một phụ nữ có dáng vẻ quyết đoán, (Giotto mô tả bà cao lớn, uy nghi), ôm ghì xác con, như thể kiềm chế luôn cả tình cảnh thống thiết. Nữ Thánh Mary Magdalene, khiêm nhường nâng chân Chúa mà suy ngẫm qua ánh mắt đẫm lệ, trước dấu đóng đinh trên chân Chúa. Thánh John phác một cử chỉ đau thương vô vọng, hai tay giang rộng, đánh ra phía sau, ngực ưỡn tới. Trưởng lão Nicodemus và Jo-seph xứ Arimathea, đứng sát mé sau, vẻ trầm ngâm, buồn rầu. Các nữ thánh phụ giúp Đức Mẹ ở chân thập giá, than khóc, rơi lệ. Dưới đất, máu vương vãi. Dù đây không phải là nơi hợp với các thiên thần, nhưng các thần nhào xuống, kêu khóc sầu thảm! Một thân cây trụi lá, khô cằn bên đồi, như để gợi ra nỗi chết đáng sợ! Tuy nhiên bầu trời xanh đậm, rực lên ánh quang minh kỳ bí. Điều này có thể Giotto và người cùng thời hiểu ra, nếu như các thiên thần không tỏ lòng thương xót dạt dào, vì biết Chúa Kitô sẽ sống lại. Sự bình tĩnh của Mẹ Đồng Trinh, có lẽ phát xuất từ lời tiên tri, Giotto dựa vào đó, mô tả khéo léo, khiến ta xem mà cân nhắc trước diễn tiến của giáo sử. Màu sắc và hình thể rất  sáng sủa, vững chắc, toàn cảnh như tiến tới, tái xác nhận sự mầu nhiệm mà không nhân nhượng đối mặt trước sự tuyệt vọng! Sáu trăm năm sau, họa sĩ bậc thầy người Pháp là Henri Matisse nhắc chúng ta đọc sách Phúc Âm để nắm bắt ý Giotto một cách trung thực vì “Nó chứa chân lý trong đó.”

GIÂY PHÚT PHẢN PHÚC

Họa phẩm Nụ hôn của Giuđa xoay quanh cảnh tượng phản bội vì tiền, của môn đệ này, đây là bức bích họa vẽ trong Đền Arena khi Chúa Giêsu nhìn thấy ánh mắt nhạo báng thân mật của Giuđa, đối diện sự tráo trở tình thương phiền muộn. Kẻ phản bội và cử chỉ phản phúc nằm giữa bức tranh, vẽ áo khoác sắc vàng của Giuđa choàng lên che chắn hình Chúa như thể nuốt hết Ngài. Trong các họa phẩm của Giotto, ông luôn coi khuôn mặt là phần quan trọng hơn cả, vì nó là tâm điểm tự nhiên, là điểm bày tỏ tính cách con người.

“Nụ hôn của Giuđa”, do Giotto vẽ năm 1305-1306, khổ 185 x 200cm - @wikimedia.org

“Nụ hôn của Giuđa”, do Giotto vẽ năm 1305-1306, khổ 185 x 200cm – @wikimedia.org

Khuôn mặt luôn là nơi nhận ra tình cảm, ánh mắt,  cử chỉ, tiết lộ tiếng lòng sâu kín “từ trong bày ra”! Các họa sĩ vẽ theo phong cách Byzantine, tuân thủ nguyên tắc vẽ đầu mặt, họ vẽ ba phần tư mặt, diễn tả cá tính nhân vật qua đó. Hiệu quả trong cách vẽ này, loại trừ được sự đan xen nhân vật trong tranh và tầm mắt người ngắm tranh. Trái lại Giotto lại cho là nghệ thuật gom thu mọi tương quan nội ngoại.

(còn tiếp)

Tháng Mười 10, 2018
Copyright 2014-2022 by © Học viện nhiếp ảnh thương mại Chimkudo Academy. All rights reserved.