fbpx
  • No products in the cart.

  • LOGIN

Nhiếp ảnh bóng tối – Shadow Photography

Nhiếp ảnh là nghệ thuật thâu tóm ánh sáng. Nhưng bạn có biết rằng đối tác của ánh sáng: bóng tối, cũng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình làm nên một bức ảnh?

Cách đây một vài tháng, tôi đã chủ trì một nhóm hội thảo cho Shutterbug về Nhiếp ảnh Ánh sáng. Trong lúc suy nghĩ về những cách khác để khai thác về vấn đề này, tôi chợt nhận ra rằng có rất nhiều nhiếp ảnh gia thường chú trọng vào ánh sáng trong nhiếp ảnh mà quên mất sự tồn tại của bóng tối. Việc quan niệm ánh sáng là phần thiết yếu nhất của nghệ thuật nhiếp ảnh thực chất cũng là một điều dễ hiểu. Vùng bóng là vùng không có ánh sáng, vì vậy cũng có thể dễ dàng thấy rằng nó có thể ít quan trọng hơn. Nhưng đây lại là một sai lầm trầm trọng vì cả ánh sáng cũng không có ý nghĩa gì nếu như không có bóng tối. Bóng tối có vai trò ngang bằng với ánh sáng, thiếu nó ảnh sẽ phẳng, không có chiều sâu hay chất liệu. Nhưng đã bao giờ bạn nghĩ đến việc đặt vùng tối làm chủ thể cho bức ảnh? Nhiếp ảnh gia khi vào nghề thường được khuyến khích học cách đọc ánh sáng. Tuy nhiên, kĩ năng này chỉ kể được một nửa câu chuyện. Để hiểu được toàn bộ câu chuyện nhiếp ảnh, chúng ta còn phải học cả cách đọc bóng tối.

NHIẾP ẢNH BÓNG TỐI

Nhiếp ảnh là nghệ thuật thâu tóm ánh sáng. Nhưng bạn có biết rằng đối tác của ánh sáng: bóng tối, cũng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình làm nên một bức ảnh? Chúng ta đều hiểu rõ định nghĩa của một cái bóng: nó là thứ đằng đẵng rượt đuổi chúng ta vào những ngày trời nắng hoặc ở những nơi được chiếu sáng vào ban đêm. Không chỉ vậy, vùng shadow còn có thể được định nghĩa là những vùng tối nhất trên ảnh, trái ngược với vùng highlight chiếu sáng cho những đối tượng sáng nhất. Vùng bóng không chỉ là những mảng tối tăm bao quanh ánh sáng, đúng hơn nó là một cá thể riêng với những chuyển động của riêng nó. Chính bóng tối đã định hình cho ánh sáng, đem lại sức mạnh thu hút cho ánh sáng và cùng ánh sáng đem lại vẻ đẹp ấn tượng cho một khung hình.

Để phát triển được toàn bộ tiềm năng của mình, mọi nhiếp ảnh gia phải học cách kiểm soát bóng tối cũng như là ánh sáng. Nhưng tôi cũng nên nói ngay từ lúc này rằng nhiếp ảnh bóng tối yêu cầu nhiều về mặt sáng tạo hơn là kỹ thuật. Vì vậy, bài viết này sẽ chỉ đề cập đến những ý tưởng và lời khuyên mang tính sáng tạo hơn là những mẹo về chế độ máy ảnh hay ống kính thông thường của tôi. Sau đây sẽ là 5 ứng dụng của bóng tối để góp phần tạo ra một bức ảnh sống động.

1.TƯƠNG PHẢN VÀ KỊCH TÍNH

Một trong những chức năng mạnh mẽ nhất của bóng tối là khả năng đem lại sự tương phản và tính kịch cho bức ảnh. Mắt người sẽ thường ngay lập tức hướng vào những vùng có tính tương phản tông cao. Tuy nhiên, những vùng này sẽ không tồn tại nếu không có sự tồn tại của vùng tối. Chính sự tương quan qua lại giữa ánh sáng và bóng tối mới tạo ra sự tương phản bắt mắt này. Một ví dụ điển hình cho đặc điểm này của bóng tối có thể là một bức ảnh chụp hoàng hôn với ánh sáng mặt trời chiếu xuyên qua những lớp mây, khi đó sẽ có những vùng ánh sáng được bao quanh bởi những mảng tối nơi những tán mây dày đặc che khuất ánh sáng.

2.TẬP TRUNG

Vùng tối còn có thể được sử dụng một cách hiệu quả để dẫn bắt sự tập trung của người xem. Bóng tối có khả năng che lấp những chi tiết ít quan trọng hơn khỏi khung hình, từ đó đặt sự chú ý của người xem vào những vùng quan trọng trong bức ảnh. Có thể lấy ví dụ những bức ảnh chân dung đánh sáng chỉ vào ven của khuôn mặt,  toàn bộ phần còn lại chìm vào bóng tối. Vùng tối bao phủ những chi tiết thứ yếu trên khuôn mặt, nhờ đó mà người xem sẽ tập trung được hơn vào đường nét của khuôn mặt.

3. DẪN MẮT NGƯỜI XEM

Vùng tối còn có thể được dùng để dẫn dắt góc nhìn của người xem. Bóng tối thường có hình dáng, vì vậy nếu như vùng bóng có dáng chỉ về hướng trọng tâm của ảnh thì bố cục bức ảnh sẽ dẫn được mắt người xem về hướng đó. Ngược lại, vùng sáng khi được bao quanh bởi bóng tối cũng có thể có hướng chỉ đến vùng trọng tâm của ảnh. Với cả hai cách trên, sản phẩm cuối cùng sẽ chặt chẽ hơn nhờ có điểm trọng tâm được củng cố bởi bóng tối.

4. LÀM NỔI BẬT KHỐI

Một trong những công dụng phổ biến của bóng tối là để thể hiện hình khối của đối tượng. Điều này thường đồng nghĩa với góc chiếu sáng thấp, tạo ra những vệt bóng dài khắp khung hình và từ đó bất kỳ biến chuyển nào về khối trên bề mặt đối tượng sẽ được phóng đại hơn. Một trong những ví dụ thường gặp của chức năng này là những bức ảnh chụp các đụn cát với bóng đổ dài ngay trước hoàng hôn.

 

5. LÀM NỔI BẬT CHẤT LIỆU

Theo cách tương tự như bóng tối làm nổi bật khối, nó còn có thể làm nổi bật chất liệu của đối tượng chụp. Một lần nữa, góc chiếu sáng sẽ phải tương đối thấp để tạo ra những vệt bóng dài trên khắp khung hình. Sự khác biệt chính là góc chụp sẽ tập trung vào chi tiết chất liệu của chủ thể hơn là hình khối của nó. Ví dụ như những bức ảnh chụp các rặng cát mấp mô trên bãi biển lúc mặt trời lặn.

MỘT VÀI Ý TƯỞNG VÀ MẸO KHI CHỤP BÓNG TỐI

Có rất nhiều cách sáng tạo khác nhau để tiếp cận bóng tối với tư cách là chủ thể của một bức ảnh. Trong bài viết này, tôi sẽ giới thiệu cho bạn đọc một vài ý tưởng và mẹo khi chụp ảnh bóng tối, mong rằng chúng sẽ truyền cảm hứng cho bạn với những ý tưởng sau này.

1.Hình bóng kinh dị

Một bức ảnh lấy bối cảnh những hình bóng đáng sợ đang dần dần tiến tới những hình người hoảng sợ (hoặc thậm chí là đang không hề hay biết) tương đối dễ thực hiện nhưng vẫn có thể gây ấn tượng mạnh. Trong khung hình của bạn sẽ cần một vật thật không phải là bóng (thường là người) tương tác với hình bóng và giúp làm nổi bật kích cỡ của hình bóng hơn. Bạn còn sẽ cần một mặt tường trống có màu trơn để chiếu bóng lên, tường càng rộng thì hình bóng của bạn sẽ càng có thể được phóng đại hơn. Nguồn sáng cũng nên là nguồn sáng có thể dịch chuyển đổi hướng để giúp bạn kiểm soát được góc đổ bóng. Sử dụng đèn flash rời sẽ là lí tưởng nhất, nhưng thực chất bất kỳ nguồn sáng nào được sắp xếp vị trí phù hợp cũng dùng được. Bạn sẽ cần phải giữ một khoảng cách nhất định giữa nguồn sáng và đối tượng chụp. Vật đổ bóng có thể là bất cứ thứ gì mà bạn thấy hợp lý như những món đồ chơi nhỏ, những tấm bìa được cắt để tạo hình hoặc thậm chí là một người khác. Vật này càng đặt gần nguồn sáng thì bóng đổ sẽ càng to. Nên lưu ý thêm rằng vật càng gần nguồn sáng hay càng xa nền tường thì viền bóng sẽ càng mờ. Để tạo được bóng đổ sắc, bạn sẽ cần đến những vật đổ bóng có kích cỡ tương đối lớn, đặt được vào gần tường và cách xa nguồn sáng hơn.

2.Bóng có màu

Thường thì bóng đổ sẽ không có màu sắc, chỉ dưới dạng đen hoặc xám. Nhưng bằng cách sử dụng những chất liệu trong suốt có màu để tạo bóng, bóng đổ trong ảnh của bạn cũng sẽ đổ màu. Một số loại bóng bay có vỏ khá dày nên sẽ chỉ tạo ra hiệu ứng đổ bóng xám hoặc ám màu rất nhẹ. Thay vào đó, bạn nên dùng những vật như ô dù có màu sặc sỡ, cốc chai lọ thủy tinh hay ngay cả kẹo dẻo trong suốt. Với những chiếc cốc hoặc chai lọ thủy tinh trong, bạn có thể đổ nước màu vào bên trong để tạo bóng đổ với màu sắc mong muốn. Thông thường với phong cách nhiếp ảnh này, nhiếp ảnh gia sẽ kết hợp cả bóng đổ bình thường với bóng đổ màu để tạo ra một sự tương phản mạnh mẽ giữa màu sắc sặc sỡ và màu xám. Khung nền đằng sau cũng nên là một bức tường trơn có màu sắc trung tính để màu của bóng đổ dễ nhận thấy hơn.

3.Hình bóng tự chủ

Ý tưởng cho kiểu nhiếp ảnh bóng tối này là sự khác nhau giữa hình dáng của đối tượng chụp và bóng đổ của nó. Cách đơn giản nhất để đạt được một bức ảnh với bóng khác hình là sử dụng phần mềm chỉnh sửa ảnh, tuy nhiên nếu bỏ thêm một chút công sức bạn cũng có thể đạt được hiệu ứng này ngay từ lúc chụp. Để làm được như vậy, bạn sẽ cần sắp xếp đèn ở góc ngang với chủ thể để bóng đổ từ đèn này nằm hoàn toàn ngoài khung hình. Vật tạo bóng sẽ cần được đặt ở ngoài khung hình nhưng bóng đổ của nó phải nằm trong khung hình, vậy nên vị trí đặt đèn sẽ phải có sự tính toán tuyệt đối. Tùy thuộc vào đối tượng đang được chụp, bạn có thể dùng hai đèn: một để chiếu sáng đối tượng và một để tạo bóng đổ. Ví dụ như dùng một đèn fill light với góc chiếu vuông góc từ trên xuống chủ thể. Tuy nhiên, khi dùng hai đèn cần cẩn thận để không làm lộ là góc chiếu sáng và góc đổ bóng đang khác nhau.

Cách chỉnh sửa ảnh thì dễ dàng hơn rất nhiều. Bạn sẽ cần đặt máy ảnh lên tripod để hạn chế chuyển động góc chụp, sau đó chụp hai bức ảnh: 1 ảnh chủ thể và 1 ảnh chỉ chụp bóng đổ với thông số máy và bài trí ánh sáng không thay đổi. Sau đó, bạn đặt cả hai ảnh vào phần mềm và dùng layer mask để vẽ vùng bóng mong muốn vào.

4.Hình bóng sống

Phương pháp chụp bóng sống khá dễ thực hiện, chỉ yêu cầu trí tưởng tượng bay bổng một chút. Ý tưởng sẽ là chụp hình bóng đang tương tác với khung cảnh xung quanh. Để chụp theo phong cách này, bạn sẽ cần một mặt phẳng để bóng đổ lên và một vật gì đó để tương tác với hình bóng. Ví dụ như hình bóng một người đang cố với lấy một vật gì đó trên giá treo tường, hay là một hình bóng người đang đá một quả bóng. Bằng cách đặt nguồn sáng xa khỏi khung hình bạn sẽ tạo được bóng đổ với kích cỡ tương đối chân thực. Thậm chí bạn có thể tận dụng ánh sáng từ mặt trời, một nguồn sách cách chúng ta rất xa.

5.Bóng đổ dài từ phía trên


Hiệu ứng này có thể tạo ra những bức ảnh hết sức ấn tượng, nhưng lại khá khó thực hiện với nguồn sáng tự nhiên. Tận dụng những góc chiếu sáng thấp, như là mặt trời lúc bình mình và hoàng hôn để có được những bóng đổ dài. Với góc chụp từ trên xuống, và góc chiếu sáng chính xác, bạn sẽ có được bức ảnh chụp bóng đổ với hình dáng kích cỡ giống với vật đổ bóng. Hoặc với những mặt phẳng đổ bóng khác thường, hình bóng của bạn sẽ có hình dáng kỳ quái. Vấn đề lớn nhất khi sử dụng ánh sáng tự nhiên đó là bạn sẽ cần lên đủ cao để có thể chụp với góc vuông góc từ trên xuống, hơn nữa bất kỳ vật gì bạn dùng để leo lên độ cao đó cũng sẽ đổ bóng và có thể ảnh hưởng đến khung hình. Vì vậy bạn sẽ cần đảm bảo vị trí của đối tượng chụp và bóng đổ của các vật ngoài khung ảnh không ảnh hưởng đến nhau. Một cơ hội lý tưởng cho phong cách nhiếp ảnh này là khi đi khinh khí cầu vào lúc hoàng hôn hoặc bình minh, bạn có thể lên được rất cao, còn bóng đổ của quả khinh khí cầu sẽ không ảnh hưởng quá nhiều. Nếu sử dụng nguồn sáng nhân tạo thì câu chuyện lại rất đơn giản: bạn chỉ cần đặt nguồn sáng sao cho tạo được bóng đổ dài và tránh được bóng đổ của vật sử dụng để lấy góc chụp từ trên cao.

6.Hình bóng bị bóp méo

Những phương pháp ở trên đều sử dụng những mặt phẳng vuông góc làm vị trí đổ bóng. Nhưng một cách hay khác là sử dụng những mặt phẳng có chiều không gian lệch lạc hơn để tạo ra những hiệu ứng độc lạ. Bóng đổ sẽ bị bóp méo và uốn cong theo mặt phẳng được chiếu lên, tạo ra một cảm giác hoàn toàn khác so với những kiểu bóng thông thường.

Kiểu bóng đổ này sẽ thường thấy trong nhiếp ảnh trừu tượng hơn, sử dụng hình bóng méo mó làm một phần của một pattern hoặc để phá vỡ một pattern. Cũng như những phong cách còn lại, vị trí tương quan giữa nguồn sáng và vật đổ bóng sẽ có ảnh hưởng lớn lên sản phẩm cuối cùng.

Vậy là tôi đã giới thiệu cho bạn đọc một số cách để thực hiện nhiếp ảnh bóng tối. Thể loại nhiếp ảnh này có thể rất vui và thu lại cho bạn những bức ảnh đẹp. Vậy đừng ngần ngại gì mà hãy thử chúng ngay hôm nay!

Credits:
Bài viết gốc bởi Exhibit tại: thetechy.com
Dịch bởi Chimkudo Academy. Yêu cầu không trích dẫn khi chưa được sự đồng ý.

Bài viết Nhiếp ảnh bóng tối – Shadow Photography đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Học chụp ảnh – Chụp ảnh sản phẩm – Chụp ảnh doanh nghiệp – ChimkudoPro.

Tháng Năm 2, 2020
Copyright 2014-2022 by © Học viện nhiếp ảnh thương mại Chimkudo Academy. All rights reserved.