fbpx
  • No products in the cart.

  • LOGIN

Nhiếp ảnh thương mại có thật sự là môi trường làm việc hạnh phúc?

Nghề nhiếp ảnh, đặc biệt là nhiếp ảnh thương mại đã và đang là một xu hướng phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Là một trong những đơn vị đầu tiên tại Hà Nội xây dựng định hướng phát triển theo con đường nhiếp ảnh thương mại, Chimkudo rất vui vì được hân hạnh phục vụ hơn 50 khách hàng doanh nghiệp lớn nhỏ trên địa bàn Hà Nội nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung.

Nhiều học viên chia sẻ với nhà Chim chúng mình rằng, ekip Chimkudo hẳn sẽ là một môi trường làm việc hạnh phúc, bởi chúng mình được làm việc với đam mê, lại có thể kiếm được nhiều tiền. Quả thật nhiếp ảnh thực sự là niềm đam mê của mỗi thành viên trong ekip, tuy nhiên trong quá trình làm việc Chimkudo cũng gặp phải rất nhiều tình huống khó khăn.

Trong bài viết này, mình xin chia sẻ với các bạn một số tình huống đặc biệt mà một agency nhiếp ảnh thường xuyên gặp phải, để nếu một độc giả nào đó có ý định phát triển 1 dự án về nhiếp ảnh thương mại sau khi đọc xong có thể tránh khỏi “sự đau thương dở khóc dở cười.”

1. Báo giá

2

Báo giá là thứ đầu tiên mà bạn sẽ được khách hàng “đòi hỏi” ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên. Thông thường thì nhà Chim sẽ nhận được những inbox hay cuộc gọi điện với nội dung như sau:

“Chị muốn chụp ảnh menu cho quán cà phê em báo giá cho chị với.”

“Anh có mấy món phụ kiện muốn chụp không biết bên em tính giá thế nào.”

Cũng giống như các agency khác, để có thể xây dựng được một bản báo giá, chúng mình cần phải có được một bản brief tương đối đầy đủ về sản phẩm, doanh nghiệp cũng như các yêu cầu mà bên phía khách hàng đề xuất. Tuy nhiên, hầu hết các khách hàng đều không ý thức được tầm quan trọng của brief cũng như định hình phong cách họ mong muốn. Đối với Chimkudo, một khách hàng tốt là một khách hàng biết mình thực sự muốn gì, và những điều họ biết sẽ thể hiện rõ nét nhất trên yêu cầu mà họ đặt ra cho agency trước khi đòi hỏi báo giá.

Vậy Chimkudo đã xử lí tình huống này như thế nào?

Chúng mình đã dành rất nhiều thời gian xây dựng một bản báo giá tổng quan cho từng mảng hình ảnh để từ đó các bạn chăm sóc khách hàng có thể nêu ra cho khách hàng 1 khoảng giá nhất định. Nếu client cảm thấy ổn về mức giá, họ sẽ được hẹn gặp trực tiếp để trao đổi và lấy thông tin brief trước khi nhận được báo giá chi tiết.

Dù vậy, hãy là một khách hàng thông minh nhé các client yêu quý của Chimkudo ?

2. Mặc cả

“Bình thường anh chụp chỉ 10 – 20k một tấm nền trắng, sao các em lấy đắt thế”

“Chị muốn chụp hết sản phẩm trong cửa hàng, có khoảng hơn 100 sản phẩm gì đó, mỗi sản phẩm 1 kiểu đơn giản 1 kiểu có sắp đặt, mà bên chị budget chỉ có 10 triệu thôi là max rồi, các em cố giảm thêm nữa đi.”

3

Dĩ nhiên sau khi nhận được báo giá chi tiết, khách hàng sẽ mặc cả để có được mức giá tối thiểu, và đây thực sự là một bài toán khó đối với bất cứ agency nào.

Nghệ thuật là thứ bạn không thể bán rẻ, và để làm nên được 1 bức ảnh thương mại cần phải đầu tư về mọi mặt: từ quy trình sáng tạo, thời gian, công sức, trang thiết bị và đặc biệt là trải nghiệm của người nghệ sĩ. Chụp ảnh rẻ là có tội với nghệ thuật và những người làm nghệ thuật chân chính khác.

Xét về hiệu quả của hình ảnh, một bức ảnh quảng cáo đóng góp 80% thành công của một chiến dịch marketing và là yếu tố chính nâng cao doanh số của công ty. Theo thống kê, các doanh nghiệp đầu tư về hệ thống hình ảnh đều phát triển hơn 5 – 10 lần các doanh nghiệp không dành ngân sách. Bên cạnh đó, bạn sẽ chỉ mất chi phí cao cho lần chụp đầu tiên (với nhiều sản phẩm), còn những lần chụp sau ảnh sẽ không cần quá nhiều. Vì vậy, Chimkudo luôn khuyên khách hàng đừng tiếc tiền chi phí ban đầu để đạt được mục tiêu lâu dài và đáng kinh ngạc, khi vậy số tiền thu lại sẽ xứng đáng hơn nhiều so với số tiền bạn bỏ ra.

3. Chụp ảnh

Trong quy trình sáng tạo của Nhiếp ảnh thương mại, số lượng ảnh chụp cùng với concept của từng ảnh sẽ được hai bên thống nhất với nhau từ trước. Đến buổi chụp, khách hàng và team chụp sẽ cùng xuất hiện để check các ảnh chụp ra, sau đó khách hàng sẽ kí vào những ảnh mà họ cảm thấy ưng ý.

Tưởng chừng như thuận lợi như ăn kẹo, nhưng trên thực tế trong buổi chụp sẽ có rất nhiều tình huống  xảy ra, mà tình huống cơ bản là những ý tưởng đột ngột phát sinh từ phía khách hàng.

4

“Anh thấy mình chụp nền màu này có vẻ đẹp hơn, hay em chụp thêm cho anh một tấm này nữa có được không?”

“Cho chị xin thêm vài kiểu chụp với mẫu nhé”

Với mỗi shot hình thì khâu tiền kì là khâu vô cùng quan trọng, để có thể cho ra đời những bức hình đẹp thì Chimkudo phải có sự chuẩn bị vô cùng kĩ lưỡng, không phải chỉ là bưng máy ảnh lên rồi chụp “tạch” một cái. Bởi vậy sẽ rất khó khăn cho cả ekip khi phải xử lí các shoot hình phát sinh từ phía khách hàng trong quá trình chụp. Chưa kể đến photography và stylist đều là các nghệ sĩ, nếu họ mất hứng shoot thì coi như đi tong cả buổi chụp hình.

4. Hậu kì

Chụp thôi cũng đã là một vấn đề, đến khâu hậu kì lại còn nhiều tai ương hơn nữa.

Theo quy trình sáng tạo, các bức hình sẽ được khách hàng lựa từ trong buổi chụp, hoặc sau buổi chụp photo sẽ nén lại file kích thước nhỏ có logo để khách hàng chọn, sau đó mới chuyển qua retoucher để tiến hành hậu kì.

5

Tuy nhiên, câu phản hồi mà Chimkudo thường nhận được từ khách hàng là: “Em cứ sửa hết cho chị, rồi cái nào đẹp thì chị lấy”.

Giá thành của ảnh thương mại thường được báo theo shot hình, mỗi shot đều phải đi qua đủ các khâu tiền kì, trung kì, hậu kì trước khi thanh toán với khách hàng. Việc hậu kì cũng là một công việc tốn rất nhiều thời gian và kinh nghiệm của retoucher, bởi vậy chắc chắn ekip không thể hậu kì hết 20 shot hình rồi cho khách hàng lựa 1 vài shot được.

Từ khâu báo giá, mặc cả, chụp hình rồi hậu kì, ở bất kì khâu nào chúng ta cũng gặp cả tỉ chuyện đau đầu. Vậy nhiếp ảnh thương mại có thực sự là một môi trường làm việc hạnh phúc không?

Câu trả lời là có các bạn ạ. Hạnh phúc đến từ việc được nhìn thành quả của cả ekip xuất hiện trên fanpage, website, quảng cáo hay những tấm billboard ngoài trời và được công chúng đón nhận. Hạnh phúc đến từ việc được làm điều mình yêu, được phát triển trong lĩnh vực sở trường và từ những tình cảm mà các thành viên trong ekip dành cho nhau.

Các bạn cũng đừng sợ vội, bởi không phải lúc nào chúng ta cũng gặp phải những khách hàng khó chiều. Có những khách hàng rất đáng yêu và còn giúp cả ekip nhận ra những phát hiện hay những ý tưởng mới lạ. Chimkudo đã hân hạnh làm việc với nhiều khách hàng như vậy rồi? Còn bạn thì sao?

Bản quyền bài viết thuộc về @ChimkudoPro – Lighten your values

Mọi trích dẫn bản viết phải đính kèm link tới bài viết này. Hãy tôn trọng công sức lao động của mọi người.

Ngân Hà 

Tháng Chín 12, 2018
Copyright 2014-2022 by © Học viện nhiếp ảnh thương mại Chimkudo Academy. All rights reserved.