Hầu hết đối với những ai bước vào con đường trở thành một photographer chuyên nghiệp đều ít nhiều “vỡ mộng” khi nó không được như chúng ta tưởng tượng. Thậm chí, nếu đã chuẩn bị tinh thần từ trước đó thì nhiếp ảnh thương mại nói chung hay chụp ảnh sản phẩm, đồ ăn nói riêng cũng khiến chúng ta chật vật, ít nhất là trong khoảng thời gian đầu tiên – như biết bao nghề nghiệp khác.
01. TỰ BIẾT MÌNH Ở ĐÂU
Đây chắc là lý do đầu tiên dẫn tới vấn đề bạn không được book. Ai cũng nghĩ mình có một ít năng khiếu gì đó hoặc ở một trình độ nào đó cũng tạm tạm khá khá rồi khi tiến tới ngành này. Chúng ta thiếu đi sự so sánh công tâm gjữa bản thân và những người hiện đang làm nghề cùng chúng ta trên thị trường. Chúng ta cũng sẽ thường xuyên đặt câu hỏi là tại sao brand đó book foto kia mặc dù ông ý chụp “xấu vãi”.
02. CHÚNG TA MUỐN THẾ GIỚI XOAY QUANH MÌNH
Đây là hệ quả của việc đánh giá sai bản thân. Chúng ta luôn nghĩ những sản phẩm do chúng ta làm ra phải đáng giá 10tr trong khi thực tế nó chỉ tầm 4-5tr. Với thị trường Food menu cho nhà hàng, quán ăn năm 2019 chẳng hạn, rất ít khách hàng có thể chi nhiều hơn 15-20tr/ngày làm việc, hầu hết các job nhỏ lẻ chỉ rơi vào tầm loanh quanh 10tr. Những khách hàng tốt hơn, có thể trả cao hơn dường như rất biết cách chọn foto, mỗi tội đó không phải là bạn.
Ví dụ ở bức ảnh trên, tại thời điểm bắt đầu nghiên cứu sâu về chụp ảnh sản phẩm năm 2013, tôi đã từng nghĩ mình đã đạt tới trình độ pro, giờ nhìn lại, nó còn chứa đầy rẫy những lỗi cơ bản của ảnh sản phẩm – những lỗi mà bất kỳ ai làm nghề chuyên nghiệp đều có thể nhìn thấy.
03. BẠN NGHĨ NHIẾP ẢNH CHỈ LÀ TRANG THIẾT BỊ XỊN HAY KĨ THUẬT TỐT
Nghe có vẻ hơi buồn cười nhưng không ít người đang có ý nghĩ đó. Thậm chí khi bắt đầu chụp được một vài tấm ảnh “tạm được”, chúng ta sẽ dừng lại và nghĩ mình cũng “hổ báo”. Nhiếp ảnh cũng như bất kì một lĩnh vực nào khác trong nghệ thuật cũng cần có yếu tố năng khiếu. Đếm qua 10 nhiếp ảnh gia, phải có tới 8-9 người nghĩ mình là nhiếp ảnh gia thời trang, chân dung nhưng thực sự số lượng đó trên thị trường Việt Nam có tiếng tăm cũng chỉ đếm trên đầu bàn tay – những người mà ấn phẩm xuất hiện thường xuyên trên các tạp chí thời trang lớn. Để làm một NAG thời trang, bản thân bạn phải là một fashionista trước, không có một fashion foto nào ăn mặc lôi thôi luộm thuộm hoặc ko hiểu gì về thời trang.
Khi đã bước chân ra kinh doanh, kĩ thuật và thiết bị tốt cũng chỉ là những yếu tố cần thiết chứ chưa phải đủ, để phát triển chúng ta cần phát triển thêm các kĩ năng marketing, sale hay pr, chăm sóc khách hàng….một ti tỉ việc khác ngoài chuyên môn. Chưa kể khi team đông lên, chúng ta cần có kĩ năng quản lý và điều phối con người, công việc – một trong những công việc stressful và thách thức nhất TG – đặc biệt là với ngân sự ngành sáng tạo.
04. KHÁCH HÀNG CHỈ BOOK NHỮNG NGƯỜI HỌ THÍCH
Sẽ là bình thường khi khách hàng book foto này mà không book foto kia đơn giản vì họ thích cá tính, thích phong cách của foto đó. Bạn thích client nào không có nghĩa là họ cũng thích bạn. Khi upload một bức ảnh tâm đắc lên mạng, 10 người thì 1-2 người không thích ảnh của bạn là điều hết sức bình thường. Các khách hàng hợp gout với chúng ta sẽ book chúng ta.
Khi mọi foto đều tu luyện tới một trình độ cao nhất định, cái để phân tách foto này với foto kia chính là kĩ năng làm việc và chăm sóc khách hàng của họ. Hơn nữa, ở Việt Nam, tình trạng chung là chúng ta không duy trì được mức chất lượng qua năm tháng. Khách hàng mỗi lần quay trở lại đều được mong muốn phục vụ ít nhất như các lần trước hoặc hơn. Đây là điều phải thực sự lưu tâm nếu bạn muốn giữ chân khách hàng.
05. ẢNH CỦA BẠN CHỈ ĐẸP VỚI BẠN
Commercial là để phục vụ đại chúng, người xem của chúng ta là đại chúng.
Một lỗi vô cùng phổ biến với những ai mới bước vào nghề. Chúng ta trăn trở và chăm chỉ chụp ra một bức ảnh và sau đó nghĩa nó là tuyệt tác nhưng lúc mang ra cho khách hàng thì bị từ chối, đó là điều hết sức bình thường – chuyện của ngành. Chúng ta thường sẽ có gout đi trước thị trường vài năm và cách nhìn hình ảnh của chúng ta cũng hoàn toàn khác với người bình thường. Dưới con mắt của khách hàng, “hình ảnh sản phẩm chị phải nổi bật nhất em ơi, phải to nhất và giữa khung hình” để rối chúng ta lại lầm bầm chê bai gout của client.
Commercial là để phục vụ đại chúng, người xem của chúng ta là đại chúng, vì thế nếu nó đơn giản, dễ hiểu và gần gũi với NGƯỜI BÌNH THƯỜNG thì nó mới thực sự kích thích họ mua sắm sản phẩm. Cũng vì vậy mà các brand chi nhiều tỉ đồng chỉ để hiểu client thích gì.
Tấm ảnh trên là một ví dụ rất điển hình, ở bức ảnh này, hầu hết foto chụp ra đều cảm thấy hài lòng, tuy nhiên lý do khách hàng không thích đơn giản chỉ là cái quần bị nhăn. Với khách hàng, quần áo phẳng phiu lên form đẹp mới là đẹp. Ở đây quan điểm cái đẹp bị xung đột với nhau và foto cần hiểu được vấn đề này một cách rõ ràng để phục vụ khách hàng.
06. BẠN NGHĨ LÀ CHỤP ẢNH GIÁ RẺ KHÔNG XỨNG VỚI BẠN
Chụp ảnh giá rẻ là một phạm trù rất rộng. Mọi người làm được một thời gian thuờng kêu ca là khách hàng ngày càng trả giá rẻ và cảm thấy họ xứng đáng nhiều hơn vậy. Thực ra thị trường sẽ là thước đo chính xác nhất cho nỗ lực và trình độ của chúng ta. Khi bạn không được book, thứ nhất có thể giá bạn quá cao so với những gì bạn có thể cung cấp, thứ hai là tiêu chuẩn hình ảnh của bạn chưa đủ chất lượng so với khách hàng hoặc gout hình ảnh của bạn khác với những gì khách hàng cung cấp.
Sau một khoảng thời gian, thị trường sẽ trả lại đúng giá trị của một foto, nếu bạn báo giá cao hơn mức thị trường đã xác định cho bạn thì khách sẽ không book. Ngược lại báo giá quá thấp sẽ dễ bị liệt vào loại hình dịch vụ có chất lượng thấp, mang tới rủi ro cho dự án. Trong 05 năm đi chụp ảnh, đã có nhiều dự án ban đầu không thành công do báo giá quá thấp. Nếu khách hàng đã quen làm dự án tương tự vậy tầm 50tr mà bạn báo 25tr thì sẽ bị đặt dấu chấm hỏi lớn về chất lượng.
Vì vậy, nếu không được book, bạn hãy tự hỏi về cái giá của mình có tương xứng với mức chất lượng mà mình cung cấp hay không ?
07. EVERYTHING PHOTOGRAPHER – CHỤP MỌI THỨ
Sai lầm lớn nhất và quan trọng nhất mang lại tác dụng tiêu cực về lâu dài đó là BẠN MUỐN CHỤP TẤT CẢ MỌI THỨ. Về phương diện PR, Branding…việc xuất hiện ở quá nhiều hạng mục sẽ làm nhận diện của khách hàng về bạn bị mông lung. Ngày hôm nay bạn up ảnh food, mai ảnh sản phẩm, ngày kia portrait, ngày kia phong cảnh, cuối tuần phóng sự, đường phố…..Dần dần bạn bè và người quen, client sẽ thấy bạn là một người chụp ảnh chứ ko thể nhớ cụ thể bạn chuyên về cái gì. Điều này dẫn tới việc khi có một yêu cầu như Chụp ảnh sản phẩm, cái tên nảy ra trong đầu của họ không phải là bạn mà là một nhiếp ảnh gia nào đó thường xuyên up ảnh sản phẩm.
Hơn nữa, ngày nay khi khách hàng muốn chụp ảnh sản phẩm, họ sẽ Google “Chụp ảnh sản phẩm” hay “Chụp ảnh food” chứ không phải là “Chụp ảnh”. Ngoài ra khi bạn tâp trung vào một lĩnh vực, bạn sẽ giỏi lên nhanh hơn và kiến thức sẽ sâu rộng, tổng quan hơn…giúp bạn ứng phó được với nhiều yêu cầu khắt khe —> ảnh sẽ đổi chất. Kinh nghiệm cho thấy nếu bạn nghĩ bạn có thể chụp tốt 3-4 lĩnh vực, hãy mạnh dạn cắt đi chỉ còn 1-2 là vừa đủ.
Khi bạn đủ dũng cảm để từ bỏ và chuyên tâm với nghề, nghề sẽ không phụ bạn !!!
—
Bản quyền bài viết thuộc về ©Học viện nhiếp ảnh Thương Mại Chimkudo Academy – Lighten your values
Không được sao chép, trích dẫn toàn bộ hoặc một phần khi chưa có sự cho phép từ Chimkudo Academy.
Bài viết 07 điều cần tránh để thành công trong nhiếp ảnh đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Học chụp ảnh – Chụp ảnh sản phẩm – Chụp ảnh doanh nghiệp – ChimkudoPro.
Phản hồi gần đây