fbpx
  • No products in the cart.

  • LOGIN

Hiểu và sử dụng lens tilt-shift

Lens tilt shift có khả năng giúp người chụp vượt quá những tiêu chuẩn thông thường về độ sâu trường ảnh cũng như phạm vi khung hình. Nhiều hiệu ứng do loại ống kính này đem lại không thể được tái tạo lại bằng phần mềm, khiến cho chúng gần như là công cụ thiết yếu cho một số loại ảnh phỏng cảnh, kiến trúc hoặc sản phẩm. Bài viết này sẽ đi vào chi tiết về những đặc điểm của lens tilt shift, cũng như tập trung vào cách sử dụng lens để tùy chỉnh độ sâu trường ảnh.

TỔNG QUAN: CHUYỂN ĐỘNG TILT SHIFT

Chuyển động shift cho phép người chụp thay đổi vị trí vùng tiếp nhận hình ảnh của ống kính. Điều này có nghĩa là trọng tâm góc nhìn của lens đã khác với trọng tâm của cả khung hình, tạo ra một bức ảnh tương đương với việc chụp một bức ảnh với lens góc nhìn rộng hơn và crop đi một bên của bức ảnh đó.

Chuyển động tilt cho phép người chụp xoay hướng vùng focus của máy ảnh lệch khỏi đường vuông góc với thân lens. Chuyển động này tạo ra một trường ảnh có hình lăng trụ tam giác với bề dày tăng dần khi càng xa máy ảnh. Chuyển động tilt vì thế không nhất thiết làm tăng độ sâu trường ảnh, nhưng nó cho phép nhiếp ảnh gia tùy chỉnh vị trí trường ảnh phù hợp với chủ thể đang chụp hơn.

NGUYÊN TẮC SCHEIMPFLUG VÀ QUY TẮC HINGE

Nguyên tắc Scheimpflug chỉ ra rằng mặt phẳng không gian của sensor máy ảnh, của ống kính và vùng focus sắc nét nhất sẽ giao nhau tại một đường thẳng. Ở biểu đồ minh họa 2D bên dưới, ba mặt phẳng trên giao nhau tại một điểm do đường thẳng giao này thực chất vuông góc với màn hình máy tính. Khi nguyên tắc Scheimpflug được kết hợp với quy tắc Hinge (hay còn gọi là quy tắc Pivot), chúng ta có thể xác định vị trí vùng focus sắc nét nhất như sau:

Bạn sẽ cần thử nghiệm với những mức độ tilt khác nhau để dần dần cảm nhận được sự thay đổi về vùng focus sắc nhất trong khung hình. Hãy lưu ý rằng chỉ cần xoay lens nhẹ thôi cũng có xoay nghiêng vùng lấy nét rất nhiều.

Khoảng cách lấy nét cũng có thể ảnh hưởng đến vùng lấy nét sắc nhất cùng với độ tilt. Để tiết kiệm thời gian, ở những phần sau của bài viết “vùng lấy nét sắc nhất” sẽ được gọi tắt là “vùng lấy nét”.

CHUYỂN ĐỘNG TILT ĐỂ DỊCH CHUYỂN ĐỘ SÂU TRƯỜNG ẢNH

Với những công cụ thông thường, độ sâu trường ảnh nhiều khi vẫn không thực sự đủ ngay cả khi mở khẩu độ rộng. Vấn đề chính ở đây là hình ảnh trong vùng focus sẽ lên ít chi tiết hơn do nhiễu xạ quang học ở khẩu độ rộng. Chuyển động tilt đôi lúc có thể tránh được hạn chế kỹ thuật này bằng cách tận dụng triệt để hơn vùng lấy nét, tuy nhiên độ hiệu quả còn phụ thuộc vào chủ thể đang được chụp.

Ví dụ bên dưới minh họa hiệu ứng tilt trên một khung cảnh với chủ thể di chuyển theo chiều dọc và cả từ trước ra sau. Các bức ảnh đều được chụp ở khẩu độ f/2.8 để thể hiện rõ hơn độ sâu của trường ảnh.

(Góc chụp hướng xuống dưới khoảng 30° về phía tấm thảm. Tất cả ảnh đều được chụp ở f/2.8 sử dụng lens Canon 45mm TS-E trên sensor 35mm. Bức ảnh ở giữa sáng hơn sau khi giảm vignetting) 

Hình đầu tiên có độ sâu trường ảnh tương tự như bất kỳ một ống kính bình thường nào khác. Để lấy nét những mép phía trước và phía sau mặt thảm ở trường hợp này, chúng ta sẽ phải đóng khẩu xuống rất hẹp. Bức ảnh ở giữa lấy nét được mặt thảm với cùng một giá trị khẩu độ với hình trước. Tuy nhiên, độ sâu trường ảnh ở trục dọc lại giảm đi, khiến cho đỉnh của chiếc ống kính trong khung hình bị mờ.

Chuyển động tilt còn có thể giảm độ sâu trường ảnh, như được thấy ở ví dụ cuối cùng. Điều này có thể rất hữu ích khi chụp chân dung nếu khẩu độ lớn vẫn chưa làm mờ đủ, hoặc nếu người chụp chỉ muốn lấy nét vào một phần theo chiều dọc của đối tượng. Trong bức ảnh cuối cùng, độ sâu trường ảnh ở cả ống kính và mặt thảm đều giảm xuống. Vùng focus bây giờ nằm ở một góc giữa tấm thảm và hai bộ lens, lưu ý rằng tầm nhìn trong bức ảnh cũng đã bị kéo lệch xuống bên dưới một chút.

Không chỉ dừng ở đó, người chụp còn có thể đặt trọng tâm focus ở mặt phẳng phía trên và song song với mặt thảm, để chỉ có đỉnh của hai bộ ống kính trong khung hình được lấy nét. Kỹ thuật này hay được sử dụng trong nhiếp ảnh hoa với kết cấu bố cục cũng tương tự như ví dụ với thảm/lens.

Tuy nhiên, yêu cầu của nhiếp ảnh kiến trúc và nhiếp ảnh phong cảnh lại là đạt được độ sắc nét tối đa trên toàn khung hình. Ở ví dụ thảm/lens, điều này sẽ đạt được bằng cách điều chỉnh vùng lấy nét song song và phía trên mặt thảm với khẩu độ hẹp.

Tìm được vị trí vùng lấy nét tối ưu nhất cũng có thể giống như giải một bài toán hình học, bài toán ấy còn khó khăn hơn nếu như chủ thể của bạn kéo dài theo cả chiều dọc lần chiều sâu. Bạn không chỉ cần quan tâm đến góc của vùng focus, bạn sẽ còn cần để ý đến cả hình dáng của nó.

Khác với vùng lấy nét hình chữ nhật như của mọi chiếc lens phổ thông khác, những ống kính tilt shift có vùng focus hình lăng trụ tam giác mở rộng về phía ngược lại với máy ảnh. Điều này đồng nghĩa với việc vị trí độ sâu trường ảnh rất quan trọng với những chủ thể ở gần vị trí chụp.

Những chủ thể có hướng dọc có thể sẽ cần được chụp bằng lens tilt shift ở khẩu độ rộng, điều này lại càng quan trọng hơn nếu chủ thể có vị trí gần máy ảnh hoặc yêu cầu lấy nét theo chiều dọc.

Nhiều máy ảnh truyền thống (những máy ảnh film có ống gập trước lens: bellow) có thể xoay lens theo bất kỳ góc nào. Tuy nhiên, những lens tilt shift của Nikon và Canon lại chỉ giới hạn ở góc tilt lần lượt là 8.5 độ và 8 độ. Điều này khiến cho việc đạt được độ sắc nét cao nhất khó khăn hơn, yêu cầu cân bằng giữa vị trí vùng lấy nét tốt nhất và những giới hạn của góc tilt hẹp hơn. Bạn có thể gặp phải vấn đề trên khi bạn muốn vùng lấy nét theo chiều dọc, vì 8 độ tilt nhiều khi là không đủ để đạt được vùng lấy nét đó. Hình ảnh bên dưới sẽ minh họa cho một cách đặt vùng lấy nét thay thế khác:

Độ sâu trường ảnh lý tưởng (với góc tilt không giới hạn) 

Độ sâu trường ảnh tốt nhất có thể đạt được (khi góc tilt bị giới hạn)

 Chìa khóa là bạn không chỉ nên tập trung vào vị trí của vùng lấy nét, mà còn cả độ sâu trường ảnh hình lăng trụ tam giác của nó. Ví dụ bên dưới đặt vùng lấy nét đi xuyên qua mặt đất để đảm bảo độ sâu trường ảnh được phân bố đều giữa mặt sàn và hai chủ thể. Trong ví dụ này, khoảng chéo giao giữa vùng lấy nét và mặt sàn có vị trí ngay trước khoảng cách hyperfocal của lens. Vị trí đặt chủ thể còn tùy thuộc vào ý đồ nghệ thuật và tầm quan trọng của chủ thể đó trong bức ảnh.

Một giải pháp phức tạp hơn là dùng cả hai chuyển động tilt và shift. Bạn có thể hướng máy ảnh xuống về phía mặt đất, bằng cách đó xoay vùng lấy nét nhiều hơn là nếu chỉ dùng chuyển động tilt. Sau đó, bạn có thể dùng chuyển động shift để điều chỉnh lại vị trí khung hình trở về với bố cục ban đầu khi chưa xoay máy ảnh nhưng với một góc nhìn khác.

Nói tóm lại, kể cả khi bạn không thể tilt lens đủ nhiều để đạt được vị trí vùng focus tốt nhất, kết quả thu lại được cũng vẫn sẽ tốt hơn so với việc sử dụng một bộ ống kính thông thường. Trường hợp ngoại lệ là những bức ảnh có chủ thể đứng dọc chiếm phần lớn khung hình, với những tình huống như vậy thì không nên tilt nhưng chuyển động shift lại có thể rất hữu dụng.

LẤY NÉT BẰNG LENS TILT SHIFT

Việc hình dung được trong đầu sự thay đổi về độ sâu trường ảnh khi tilt lens có thể khá khó khăn, ngay cả với những nhiếp ảnh gia có nhiều kinh nghiệm. Câu chuyện thậm chí còn không dừng lại ở đó, vì tìm được vùng lấy nét tốt nhất mới chỉ là bước đầu, quá trình đặt nó ở vị trí mong muốn có thể là một vấn đề hoàn toàn khác.

Khó khăn này bắt nguồn từ sự thật rằng khoảng cách lấy nét và lượng tilt của lens không kiểm soát vị trí vùng focus một cách riêng biệt. Thay đổi khoảng cách lấy nét sẽ thay đổi góc của vùng lấy nét cũng như thay đổi khoảng cách của vùng này. Quá trình lấy nét vì vậy có thể hoàn toàn dựa trên cảm tính, người chụp có thể cứ thay đổi khoảng cách lấy nét và độ tilt đến khi nào cảm thấy bức ảnh của mình đẹp nhất.

Có lẽ những tình huống dễ dàng nhất là khi độ tilt của lens bị giới hạn. Đối với những trường hợp như vậy, bạn chỉ cần tilt lens đến mức tối đa, sau đó điều chỉnh khoảng cách lấy nét đạt được vị trí trường ảnh tốt nhất. Bằng cách đó, bạn sẽ không cần tốn thời gian liên tục thay đổi độ tilt/ khoảng cách lấy nét.

Với những tình huống khó khăn hơn, việc lấy nét bằng ống kính tilt shift có thể thực hiện bằng cách thử đi thử lại những thông số khác nhau qua viewfinder của máy ảnh. Bạn sẽ cần thử nghiệm một cách có hệ thống độ tilt và khoảng cách lấy nét của lens cho đến khi đạt được vị trí vùng lấy nét mong muốn. Việc lấy nét chính xác yêu cầu sự ổn định và chi tiết cao, vì vậy bạn phải cần đến sự trợ giúp của chân máy.

Sau đây sẽ là quy trình lấy nét cho những chủ thể đứng dọc hoặc nghiêng theo mặt phẳng sensor:

  1. Lấy bố cục: Đặt lens về độ tilt bằng 0 và lấy bố cục cho bức ảnh.
  2. Xác định: những đối tượng quan trọng gần nhất và xa nhất trong khung hình.
  3. Lấy nét: Tìm khoảng cách focus tối ưu hóa được độ sắc nét của những chủ thể quan trọng (với những chủ thể ở phía vô cực, khoảng cách lấy nét sẽ xấp xỉ khoảng cách hyperfocal). Sau khi đã ước tính được khoảng cách mong muốn, thử xoay nhẹ focus ring trên ống kính để tìm được giá trị chính xác nhất.
  4. Tilt: Từ từ nghiêng lens về phía chủ thể cho đến khi độ sắc nét của những chủ thể quan trọng gần và xa nhất được tối đa trong viewfinder. Cũng như với khoảng cách lấy nét, thử xoay nhẹ độ tilt để tìm được giá trị chính xác nhất.
  5. Hoàn thiện: Lặp lại bước 3 và bước 4 với những thay đổi nhỏ hơn để đến được vị trí hoàn thiện nhất. Nếu bạn thấy không có cải thiện gì hơn, quá trình focus đã hoàn thành.

Bạn cũng có thể tận dụng những điểm lấy nét và tính năng thông báo lấy đúng nét của máy ảnh. Mặc dù lens tilt shift không có chế độ lấy nét tự động trên máy ảnh, máy ảnh vẫn có thể thông báo khi bạn đã thực hiện lấy nét tay thành công. Hãy chọn một điểm lấy nét trong máy ảnh trùng với chủ thể của bạn và quan sát đèn khóa focus trong viewfinder để biết được khi nào bạn đã lấy nét đúng.

Khi đã có nhiều kinh nghiệm, bạn hoàn toàn có thể làm theo quy trình bằng mắt, nhưng bạn vẫn nên hiểu rõ bản chất của cơ chế. Bạn nên thử nghiệm nhiều với lens tilt shift để có thể hình thành được cảm nhận tốt hơn về chuyển động tilt của nó.

MỘT SỐ CÔNG CỤ HỖ TRỢ LẤY NÉT

Phương pháp thử nghiệm và sửa sai có thể đem lại nhiều khó khăn do giới hạn về kích cỡ của viewfinder trong những máy ảnh với sensor 35mm hoặc cropped. Việc nhận diện được những thay đổi trong độ sắc nét qua viewfinder nhỏ không hề dễ dàng, đặc biệt là trong những điều kiện ánh sáng yếu, lens chỉ có khẩu độ tối đa f/3.5 hoặc khung hình muốn chụp rất rộng. Tuy nhiên, có một vài công cụ có thể giúp bạn với quá trình này.

Bạn có thể mua một tấm màn focus có texture đặc biệt (texturized manual focusing screen) để đảm bảo mắt có hình ảnh so sánh rõ ràng với những vật out net. Bình thường mắt người có thể bị đánh lừa và khiến bạn tưởng nhầm rằng một số vật đang được lấy nét mặc dù sự thật không phải là như vậy.

Ngoài ra, bạn cũng có thể bật Live View trên màn LCD của máy ảnh để quan sát dễ dàng hơn. Hoặc bạn có thể chụp nhiều bức ảnh test và zoom vào khi xem để kiểm tra độ sắc nét ở những vùng quan trọng.

Bạn cũng có thể sử dụng những công cụ phóng đại viewfinder, như là “angle finder C” của Canon hay những sản phẩm từ các nhà sản xuất bên thứ 3. Nhiều sản phẩm còn có vị trí bên phải viewfinder, giúp cho việc lấy nét khi chụp từ góc thấp dễ dàng hơn.

PHƯƠNG PHÁP FOCUS KHI CHỤP ẢNH PHONG CẢNH

Chuyển động tilt khi chụp ảnh phong cảnh thường sẽ yêu cầu vùng lấy nét nằm gần ngang, và việc đặt vùng focus cùng mặt phẳng với chủ thể phía trước là vô cùng quan trọng. Khoảng cách  J ở hình dưới rất dễ xác định vì nó chỉ được quyết định bởi độ tilt của lens mà không phải khoảng cách focus.

Một khi giá trị J đã được xác định cùng với độ tilt tương ứng, bạn có thể thay đổi khoảng cách lấy nét để đặt góc của vùng focus. Lưu ý rằng việc di chuyển khoảng cách lấy nét ra xa sẽ tăng góc của vùng lấy nét và độ sâu trường ảnh.

Credits:
Trích nguồn bài viết gốc tại: cambridgeincolour.com
Dịch và chú thích bởi Học viện Nhiếp ảnh Quảng cáo Chimkudo. Yêu cầu không trích dẫn khi chưa được sự đồng ý.

Bài viết Hiểu và sử dụng lens tilt-shift đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Thư viện nhiếp ảnh sản phẩm, quảng cáo Chimkudo.

Tháng Sáu 9, 2020
Copyright 2014-2022 by © Học viện nhiếp ảnh thương mại Chimkudo Academy. All rights reserved.