“ Tôi không thể chụp ảnh đẹp với chiếc máy ảnh nghiệp dư được.”
“ Ảnh của tôi trông chưa được ổn cho lắm, có lẽ đã đến lúc mua một chiếc máy ảnh đời cao hơn.”
“ Ảnh tôi chụp không được hoàn hảo. Hừm, có lẽ vì máy ảnh của tôi không phải máy full frame, chụp HDR không tốt và xử lí ISO cao kém.”
“ Chiếc DSLR của tôi không chụp được ảnh đẹp như ý, có lẽ tôi nên nâng cấp lên dòng máy mirrorless.”
Những điều trên đã bao giờ hiện lên trong đầu bạn chưa? Có phải chúng đang cản trở bạn khỏi việc tạo ra những bức ảnh ưng ý?
Nếu vậy thì tôi có một tin vui cho bạn đây. Trong bài viết ngày hôm nay, tôi sẽ chỉ cho bạn một số phương pháp để chụp được những bức ảnh đẹp mà không cần đến những thiết bị đắt tiền. Và điều tuyệt vời hơn là những phương pháp này có thể áp dụng được với mọi loại camera, từ những máy DSLR entry-level đến những máy mirrorless cao cấp.
Với những mẹo sau đây, bạn có thể ngay lập tức tạo ra những tác phẩm đẹp mà không cần tốn quá nhiều thời gian. Chúng ta cùng bắt đầu nhé!
1. Quy tắc một phần 3 (Rule of third)
Đây là một trong những “quy tắc” cơ bản của nhiếp ảnh: quy tắc 1/3.
Chúng ta cùng nhìn ví dụ dưới đây:
Trong bức ảnh trên, con chim bói cá đang là đối tượng chính, vậy nên tôi đặt nó ở vị trí điểm giao giữa những đường kẻ.
Chia khung hình làm chín phần bằng hai đường thẳng ngang và dọc song song, chúng sẽ giao nhau ở 4 điểm. Khi đang lấy bố cục cho ảnh, bạn nên đặt những đối tượng chính ở một trong những điểm giao này. Lưu ý, để thuận lợi cho dựng bố cục chia ba, bạn nên bật lựa chọn Grid trên máy ảnh để màn hình máy hiển thị sẵn những đường kẻ song song.
Quy tắc này sẽ cải thiện bố cục ảnh của bạn một cách rõ ràng và từ đó cũng sẽ nâng cao giá trị thẩm mỹ cho những bức hình được chụp.
2. Tỉ lệ vàng
Tỉ lệ vàng (hay còn gọi là vòng xoáy Fibonacci) là một kiểu bố cục dựa trên nghiên cứu của Fibonacci. Quy tắc này được trọng dụng từ thời xa xưa trong mọi loại hình nghệ thuật, từ điêu khắc đến kiến trúc, và nó cũng được sử dụng rộng rãi trong nhiếp ảnh để tạo ra những bức ảnh đẹp và vừa mắt.
Hình dưới đây là một ví dụ về tỉ lệ vàng:
Đối tượng chính ở đây là con cua, vậy nên nó được đặt ở nơi vòng xoáy thu lại.
Đối tượng chính nên được đặt ở hình chữ nhật nhỏ nhất trên xoáy, còn đối tượng phụ đặt ở những hình chữ nhật còn lại. Những đối tượng khác nên được đặt trên vòng xoáy. Quy tắc vàng chắc chắn sẽ là trợ thủ đắc lực khi bạn muốn tạo ra những bố cục hợp mắt người xem.
3. Bảng màu
Những màu đối lập sẽ giúp cho bức ảnh đẹp mắt hơn, ví dụ như cặp đôi đỏ-lục hay vàng-tím. Áp dụng quy tắc trên sẽ khiến cho bức ảnh nổi bật hơn. Ngoài ra, bạn cũng có thể chọn những đối tượng có màu sắc tương phản mạnh để chúng nổi trên nền hơn.
Kỹ thuật này có tác dụng cả với những đồ vật tầm thường nhất. Bạn nên thử đặt những đối tượng thường ngày trên những nền đối màu thay vì chụp chúng trong những khung cảnh bình thường, hiệu quả đạt được sẽ cao hơn. Dưới đây là ảnh chim Mai hoa:
Trong trường hợp này, tôi có thể chọn chụp chú chim trên nền hoa màu vàng phai, hồ nước xanh biếc hoặc cỏ xanh màu lá cây. Cuối cùng, tôi quyết định chọn góc chụp con chim trên nền cỏ xanh.
Dưới đây là một ví dụ nữa:
Đây là ảnh chụp cận cảnh một bông hoa.
Ở chính giữa bông hoa có màu vàng, còn những nhị hoa xung quanh lại có màu tím. Vàng và tím là một trong những cặp màu đối lập, tạo nên hiệu quả thị giác rất cao cho bức ảnh.
4. Lấy thêm tiền cảnh
Mọi người thường chú ý đến đối tượng chính và hậu cảnh, nhưng đừng quên rằng tiền cảnh cũng đóng vai trò thiết yếu trong một bức ảnh. Việc có tiền cảnh sẽ tạo chiều sâu cho bức ảnh của bạn, đặc biệt là trong thể loại chụp đường phố và chụp phong cảnh.
Một bức ảnh chỉ có không gian hai chiều, việc lấy thêm tiền cảnh sẽ đem lại cảm giác về không gian và chiều sâu hơn. Hầu hết mọi bức ảnh trên mạng đều có đối tượng chính và background. Nếu bức ảnh của bạn có thêm cả những đối tượng đằng trước thì ít nhất nó cũng sẽ đem lại cảm giác mới lạ hơn.
Trong bức ảnh trên, tôi đã chụp thêm cả những rặng đá đằng ở trước thác nước. Những rặng đã này hút mắt người xem về phía thác nước, tạo ra cảm quan về chiều sâu cho tấm ảnh. Nếu không có phần tiền cảnh, bức ảnh chụp thác nước sẽ có cảm giác rất phẳng.
5. Quy tắc lặp
Ở bức ảnh đầu tiên, tôi chụp một đồng lúa vào mùa mưa. Thay vì chụp toàn cảnh cánh đồng, tôi tập trung vào pattern của những cây lúa.
Bức ảnh thứ hai chụp hoa Chi Nhĩ cán nở vào mùa mưa. Tôi lấy góc chụp từ trên xuống để tập trung vào sự lặp đi lặp lại của màu sắc và hình dáng những bông hoa.
Pattern là quy tắc lặp lại về hình dáng, màu sắc và đối tượng. Khi chụp ngoài trời, bạn nên để tâm tìm kiếm những pattern như vậy. Có hai cách để chụp pattern một cách hiệu quả:
- Chụp thuần pattern: hoa, đồng ruộng, hạt mưa, người mặc đồng phục, đàn thú,…
- Chụp pattern kèm với đối tượng phá quy luật: những loại hoa khác nhau, động vật đi theo đoàn có một con phá đàn,….
Việc chụp thuần pattern sẽ tạo ra những bức ảnh có sự đồng nhất, còn việc chụp những đối tượng phá pattern sẽ tạo ra tính động cho bức ảnh.
6. Tính cân xứng
Đây là ảnh chụp Chim mỏ sừng Malabar Pied đực và cái vào mùa săn. Trước khi chụp bức ảnh này, tôi cũng đã quan sát hai con chim này một lúc lâu. Ngay khi mỏ của chúng xếp thẳng hàng và cả hai đều đứng khá đối xứng với nhau, tôi bấm nút chụp.
Bố cục đối xứng là một bối cục đẹp. Bạn có thể chụp những đồ vật cân đối, chụp hình phản chiếu trên mặt nước hoặc những đồ vật đặt đối xứng với nhau.
Một lưu ý khi chụp ảnh đối xứng là phải giữ trục đối xứng ở giữa khung hình để đảm bảo tính cân bằng cho bức ảnh.
7. Đường dẫn thị giác
Việc xếp bố cục với một đối tượng chính và những đường dẫn có thể góp phần tạo ra một bức ảnh có sức hút mạnh. Khi chụp một đối tượng chính, hãy chú ý lấy thêm cả những đường dẫn đến đối tượng đó. Đường dẫn này có thể là mặt phố, những bức tường, sàn nhà, cầu thang, cây cối hay bất kỳ một vật nào có hướng chỉ vào chủ thể.
Ở bức ảnh trên, chủ thể là một người đàn ông đang một mình bước đi. Những đường dẫn ở đây là mặt đường và những bụi hoa. Bố cục như trên sẽ hướng mắt người xem về phía người đàn ông.
8. Khoảng trống
Ở bức ảnh đầu tiên, con chim đang nhìn vào một khoảng trống. Ở bức ảnh thứ hai, có khoảng trống nghiêng về hướng di chuyển của con thằn lằn.
Khi chụp, hãy chú ý về hướng đi hoặc hướng mắt của đối tượng chính của bạn và để một khoảng không gian trống ở hướng bên đó. Vùng trống này có tên gọi là negative space, có hiệu quả mạnh trong việc cải thiện bố cục của ảnh.
Phương pháp này còn áp dụng được với nhiều thể loại nhiếp ảnh khác như chụp chân dung, động vật, chim, xe cộ, thành phố, vân vân,…
9. Quy tắc số lẻ
Khi chụp, hãy cố gắng để có số lượng lẻ đối tượng xuất hiện trong khung hình. Có thể là 3, 5 hoặc 7,… đối tượng. Điều này sẽ tạo ra tính cân bằng và hài hòa cho bức ảnh.
Mặt khác, việc chụp một lượng chẵn đối tượng có thể tạo cảm giác so sánh tương quan giữa các đối tượng.
Quy tắc này cũng không hẳn bắt buộc. Tuy nhiên, về mặt thị giác, nó đem lại cảm giác hài hòa hơn.
Ở bức ảnh trên, tôi chụp từ một góc thấp đẻ thêm tiền cảnh cho ảnh. Tôi chờ đến lúc cả ba con linh dương nhìn cùng một phía mới bấm chụp. Bức ảnh đem lại cảm giác cân bằng nhờ việc có ba đối tượng chính trong hình.
10. Đặt đối tượng vào khung
Việc chụp thêm khung cảnh xung quanh đối tượng chính cũng có tác dụng tạo chiều sâu cho tấm ảnh, hút mắt người nhìn vào chủ thể hơn. Từ đó, người xem cũng sẽ cảm nhận được rõ hơn góc nhìn của nhiếp ảnh gia.
Trong quá trình chụp, bạn nên cố gắng lấy thêm một khung hình đối tượng. Khung hình này có thể được chụp toàn bộ hoặc chụp một phần, ví dụ như những cành cây, rừng cây, cửa sổ, cửa xe, những tòa nhà hoặc những chùm hoa.
Con hươu trong ảnh trên hiện lên trong khung cảnh rừng rậm vào một buổi sáng đậm sương. Nhận thấy có ánh sáng mặt trời lóe ra từ đằng sau, tôi cố chụp thêm phần tiền cảnh và hậu cảnh của khu rừng. Bức ảnh từ đó mà cũng có sức sống hơn!
Vậy đó là những lời khuyên của tôi để bạn có thể chụp ảnh đẹp hơn mà không cần camera xịn. Vậy còn bạn thì sao? Bạn có mẹo nào hay để nâng tầm nhiếp ảnh của mình lên không? Cùng nhau chia sẻ dưới phần bình luận nhé!
Credits:
Bài viết gốc bởi Shreyas Yadav tại: digital-photography-school.com
Phiên dịch bởi Chimkudo Academy. Yêu cầu không trích dẫn nếu chưa được sự đồng ý.
Bài viết 10 Mẹo chụp ảnh đẹp mà không cần camera xịn đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Học chụp ảnh – Chụp ảnh sản phẩm – Chụp ảnh doanh nghiệp – ChimkudoPro.
Phản hồi gần đây