Hôm nay, nhà Chim sẽ chia sẻ cho các bạn một vài tips khi sử dụng lens góc rộng để chụp phong cảnh nhé
1. Tránh không để bị méo ảnh.
Méo ảnh là điều bạn thường xuyên gặp phải khi chụp với các ống kính góc rộng. Thật ra các ống kính này có thể tạo ra được hệ thống đường thẳng rất tốt khi bạn đặt máy đúng vị trí, tuy nhiên chỉ chệch đi 1 chút (lên xuống hoặc khi zoom ra quá xa) sẽ khiến ảnh bị méo. Để tránh méo ảnh, cách tốt nhất là sử dụng tripod hoặc cố định góc chụp và đảm bảo máy ảnh đặt vuông góc với cảnh được chụp.
2. Tận dụng sự méo của ảnh.
Nghe thì có vẻ buồn cười nhưng đôi khi hiệu ứng méo do lens góc rộng mang lại sẽ đem đến cho bạn những hiệu ứng đẹp một cách ngạc nhiên. Vì vậy thỉnh thoảng bạn cũng nên thử thay đổi góc chụp và phán đoán các hiệu ứng để cho ra một bức ảnh đẹp nhất.
3. Tiền cảnh đẹp, phong phú.
Ống kính góc rộng sẽ cho ra những bức ảnh có khung hình rộng, và nếu bạn không có những đối tượng thú vị để chụp thì bức ảnh sẽ trở nên nhàm chán, trống trải và thiếu trọng tâm. Vì vậy, hãy đảm bảo bạn có một tiền cảnh đủ đẹp để mọi người có thể chiêm ngưỡng. Điều này đặc biệt rất đúng trong nhiếp ảnh phong cảnh.
4. Tận dụng lợi thế từ bầu trời.
Tương tự như việc sử dụng tiền cảnh đẹp, trong những bức ảnh có sự xuất hiện của bầu trời, không dại gì mà không tận dụng lợi thế từ không gian mộng mơ này cả. Để bầu trời chiếm từ 1/2 – 1/3 khung hình sẽ giúp bức ảnh của bạn có chiều sâu hơn. Tuy nhiên tiền cảnh vẫn là yếu tố chính để tạo nên sự kì diệu này.
5. Sử dụng đường dẫn.
Khi ống kính góc rộng phải chụp rất nhiều thứ trong khung hình, người xem sẽ dễ bị xao nhãng và mất tập trung. Đường dẫn sẽ giúp bạn làm nhiệm vụ là thu hút mắt người xem vào điểm tập trung của bức hình. Tận dụng các đường dẫn 1 cách khéo léo sẽ giúp bạn có được 1 bức hình ấn tượng hơn.
6. Chụp thấp
Khi chụp thấp, bạn có thể thấy nhiều chi tiết hơn và góc chụp của bạn rộng hơn, tạo ra ấn tượng choáng ngợp cho người xem. Chụp thấp sẽ dẫn mắt người xem đến đường chân trời, và trong 1 số trường hợp đây là cách duy nhất để có thể lấy được hết những khung cảnh phía trên cao.
7. Chụp qua khung hình khác
Ví dụ như qua một ô cửa sổ chẳng hạn. Bạn có thể chụp toàn bộ các đối tượng trong khung cửa và thậm chí là cả cánh cửa. Điều này sẽ tạo cho người xem cảm giác như đang được đứng nhìn ngắm thế giới qua các khung hình.
8. Để yếu tố con người ra ngoài các góc ảnh
Với lens góc rộng, những chỗ hay bị méo nhất là góc ảnh, vì vậy chúng ta phải hạn chết tối đa việc đặt yếu tố con người vào vị trí này. Trong bức ảnh nếu có yếu tố con người thì yếu tố này nên được đặt ở gần trung tâm bức ảnh.
9. Chụp dọc
Không phải lúc nào chụp ngang cũng là 1 ý kiến hay, mà đôi khi chụp dọc cũng mang lại hiệu quả đáng kể, đặc biệt là với những bức ảnh mà bạn cần lấy theo chiều cao. Tuy nhiên trong trường hợp này phải hạn chế méo ảnh tối đa theo chiều dọc.
10. Chú tâm vào góc nhìn và quan sát rộng hơn trước khi chụp
Do ống kính góc rộng có thể thu về nhiều hình ảnh hơn so với mắt thường, bức ảnh của chúng ta rất dễ bị lạc những yếu tố không cần thiết mà chúng ta không nhìn thấy vào khung hình. Bởi vậy, cần quan sát rộng hơn những gì chúng ta thấy để có được 1 bức ảnh hợp lí nhất.
Có thể lens góc rộng sẽ khiến bạn cảm thấy bất tiện khi chụp người hay chân dung, nhưng thực sự bạn nên 1 lần thử nghiệm để có những trải nghiệm thú vị nhất. Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết sau.
Ngân Hà
Biên dịch
Nguồn: improvephotography.com
Phản hồi gần đây