Ngày nay, bất cứ ai cũng đều có thể trở thành Food Photographer bởi sự bùng nổ mạnh mẽ của thời đại smartphone. Người dùng có thể dễ dàng tiếp cận với nhiều nguồn thực phẩm khác nhau cũng như các dòng điện thoại cao cấp để cho ra những bức ảnh hấp dẫn khiến người khác phát thèm ngay từ cái nhìn đầu tiên. Tuy nhiên, việc đó cũng đồng nghĩa nếu không biết cách sử dụng đúng, bức ảnh món ăn của bạn có thể trở thành thảm họa bất cứ lúc nào. Hãy tham khảo 8 lỗi cơ bản cần tránh dưới đây để tạo ra bức ảnh khiến người khác phát cuồng nhé.
- Sử dụng flash
Trừ khi bạn tiến hành chụp Food Photography trong một studio với vô vàn thiết bị xịn xò, còn không thì đừng nghĩ đến dùng đèn flash. Nguyên nhân là bởi vì ánh đèn flash từ điện thoại sẽ cho ra ánh sáng rất gắt và phẳng, khiến cho bức ảnh không tự nhiên. Nếu có thể, hãy tìm đến nơi có nguồn sáng để chụp ảnh. Còn không, sử dụng flash rời để tự điều chỉnh được hướng ánh sáng cũng như công suất mạnh, nhẹ nhé.
- Bắt nét sai
Trong Food Photography, độ sâu của bức ảnh là cách tuyệt vời để làm nổi bật thực phẩm. Tuy nhiên, bắt nét cũng là một vấn đề rất quan trọng. Mặc dù nó có thể tạo ra nhiều hiệu ứng gây kích thích người xem nhưng bạn phải đảm bảo sử dụng các điểm lấy nét chính xác. Muốn người xem ấn tượng với bức ảnh, đơn giản bạn chỉ cần chạm vào màn hình tại điểm có đối tượng.
- Zoom In
Nhớ nhé, đừng bao giờ sử dụng chức năng Zoom khi chụp ảnh trên smartphone. Điện thoại không có chức năng zoom quang học như máy ảnh chuyên nghiệp, việc zoom ảnh khi chụp chỉ khiến cho ảnh bị giảm pixel mà thôi. Thay vào đó, bạn hãy cố gắng dựng hậu cảnh cho món ăn bằng cách đặt chúng lên bàn với khăn ăn, dĩa và các vận dụng khác để che bớt các “khuyết điểm” nhé.
- Chụp đồ ăn ở góc độ chúng ta ăn
Góc độ chụp rất quan trọng trong nhiếp ảnh và nhiếp ảnh ẩm thực cũng không ngoại lệ. Có một sự thật rằng góc độ bạn thưởng thức món ăn không phải lúc nào cũng hấp dẫn nhất. Hầu hết góc 45 độ sẽ làm lộ khuyết điểm của món ăn, nhất là khi chụp ly nước cao hoặc món ăn cao. Hãy di chuyển ở nhiều góc độ khác nhau để bắt được khoảnh khắc “ngàn vàng”.
- Để chế độ Auto
Công bằng mà nói, đây không phải một lỗi, bằng chứng là chế độ Auto của 1 số điện thoại như Iphone 5s trở lên, Samsung Galaxy S6 hay Sony Xperia Z5 khá tốt. Tuy nhiên, trong một số trường hợp ánh sáng phức tạp, chẳng hạn như có nhiều nguồn sáng, chế độ Auto sẽ tính toán sai về Exposure, từ đó gây ra hiện tượng ảnh quá sáng/thiếu sáng. Để cho bức ảnh đúng sáng theo ý, hãy điều chỉnh một vài thông số như iso, EV. Trên Iphone, điều này thậm chí còn dễ dàng hơn bằng việc trượt lên/xuống khi chụp để thay đổi EV.
- Không quan tâm đến hậu cảnh
“Vội vàng” là hai từ không nằm trong từ điển của Food Photography. Đã bao giờ bạn vội vàng chụp một món ăn nào đó để rồi phát hiện ra rằng bên góc bức ảnh có mẩu xương ăn thừa hay khăn hoặc dĩa bẩn vô tình lọt vào ống kính của bạn?! Đừng tiếc vài phút xếp lại hậu cảnh trước khi bắt đầu chụp vì “một cái ảnh đẹp bằng trăm cái ảnh xấu” đấy.
- Không sử dụng Grid
Bạn đã biết đến bố cục ⅓ thần thánh rồi?! Bật grid sẽ giúp bạn định hình bố cục món ăn dễ hơn trước khi chụp và tiết kiệm được nhiều thời gian so với việc lọc ra ảnh có bố cục đẹp hoặc crop.
- Chỉnh ảnh quá đà
Một bức ảnh chụp ra xấu, dù có chỉnh sửa cỡ nào cũng chẳng thế đẹp. Rất nhiều người nghĩ rằng nếu ảnh gốc chưa đẹp thì chuyển sang trắng đen sẽ đẹp, hoặc chèn một vài preset màu film, màu vintage trên VSCO là “từ quạ thành công”. Thay vì việc lạm dụng các phần mềm chỉnh sửa, hãy tập chụp ra những bức ảnh đẹp. Từ bố cục, ánh sáng cho tới màu sắc… Khi đó hậu kỳ sẽ chỉ xoay quanh việc crop đi một vài chi tiết thừa, làm nổi bật chủ thể và thay đổi một chút màu sắc để ảnh có hồn hơn.
Hi vọng với những chia sẻ bổ ích từ Chimkudo, các bạn sẽ trở thành Food Photographer thực thụ nhé.
—–
Bản quyền bài viết thuộc về Học viện nhiếp ảnh thương mại ChimkudoPro
Mọi chia sẻ và trích dẫn đều phải đính kèm link tới bài viết gốc
Phản hồi gần đây