Đã gần 10 năm tiếp xúc với nhiếp ảnh thương mại nói chung và nhiếp ảnh ẩm thực nói riêng, tôi nhận ra có rất nhiều học viên của mình đã thực sự choáng ngợp khi không biết bắt đầu môt buổi chụp Food như thế nào hoặc tiến hành một buổi chụp mất rất nhiều thời gian và công sức dù hiệu quả không cao. Đối với tôi, thực tế mà nói, các buổi chụp hình đồ ăn nói riêng và chụp ảnh nói chung không phải lúc nào cũng diễn ra suôn sẻ và sẽ gặp rất nhiều vấn đề phát sinh. Vậy cách tốt nhất để kiểm soát những rủi ro chúng ta có thể gặp trong Food Photography đó chính là phải chuẩn bị thật tốt.
Trước mỗi buổi chụp, tôi thường lên một danh sách các câu hỏi cần chuẩn bị và tiến hành chúng theo thứ tự. Dưới đây là những chia sẻ về quá trình lập kế hoạch của tôi và một số lời khuyên hữu ích giúp bạn có một buổi chụp Food ưng ý.
#1. Khách hàng yêu cầu những gì?
Cần tìm hiểu và nghiền ngẫm kỹ brief của khách hàng cũng như phong cách yêu thích của họ. Đừng quên đọc các tài liệu tham khảo về nguồn gốc, đặc trưng, các thành phần không thể thiếu trong món ăn định chụp hay tổng quan hơn đó là Văn hóa của món ăn vì ẩm thực là một nét văn hóa đặc trưng của vùng miền mà món ăn đó xuất phát. Nếu bạn không muốn các “thượng đế” nổi giận và bỏ về, thậm chí chấm dứt hợp đồng thì hãy chuẩn bị thật tốt bước này ngay từ khâu đầu tiên nhé. Như vậy bạn vừa thể hiện được sự chuyên nghiệp của chính bạn đồng thời cũng là một cách tôn trọng khách hàng. Hãy thảo luận trước với Food Stylist về việc lên ý tưởng, chụp thế nào, sắp xếp món ăn ra sao để dễ dàng hình dung hơn trong quá trình chụp Food, đồng thời giúp bạn tiết kiệm được nhiều thời gian trong việc setup lighting vì bạn biết được thực sự đồ ăn sẽ ra sao, chọn góc máy nào để phô diễn được sự ngon miệng cũng như lighting mood ra sao.
#2. Chuẩn bị nguyên vật liệu ra sao?
Bên cạnh danh sách các câu hỏi cần chuẩn bị ra, bạn phải liệt kê thêm các thực phẩm và đồ trang trí cần mua. Tính toán kỹ thời gian tốt nhất có thể bảo quản thực phẩm, luôn mua thừa so với nhu cầu để đề phòng món ăn bị hỏng hay không đạt chất lượng và nhớ chọn những loại tươi ngon nhất. Đôi khi thời gian chụp chỉ mất 3-4 tiếng nhưng thời gian chuẩn bị lại có thể lên tới vài ngày là chuyện bình thường.
Ví dụ trong một lần chụp món gà luộc, client một phong cách giản dị, mang hơi hướng hoài cổ để khơi gợi cho thực khách những khung cảnh quen thuộc ở các vùng nông thôn Hà Nội khi xưa. Ngoài hậu cảnh vùng nông thôn, tôi quyết định sử dụng những chiếc bát, đĩa gốm có hoa văn truyền thống vùng nông thôn Bắc Bộ xưa để bày món gà lên đó. Và để tìm được chiếc bát phù hợp với bối cảnh như vậy, tôi đã phải mất nhiều ngày rong ruổi trên khắp các con đường ở các khu làng nghề gốm Bát Tràng. Đó là còn chưa kể tới việc kiếm được chiếc mâm đồng vốn được sử dụng trong các bữa ăn ở làng quê Bắc Bộ xữa cũng là việc không đơn giản.
#3. Hậu cảnh/Props trong món ăn này là gì?
Nếu bạn chụp đồ Tây như Spaghetti chẳng hạn, hãy đặt món ăn vào đĩa trắng. Có thể sẽ cần thêm 1 cốc trà nóng đi kèm, dĩa và thìa được đặt trên chiếc khăn ăn, sử dụng các chai Ketchup và Tabasco làm Props bên ngoài. Nếu bạn chụp ẩm thực Châu Á như gà luộc, hãy tận dụng các loại gia vị và hương liệu trong món ăn làm Props. Các thực khách rất mong muốn biết chính xác mình đang ăn cái gì và họ sẽ bị kích thích ngay khi nhìn thấy bức ảnh của bạn. Ở đây, tôi mô tả món gà luộc nằm trong tổng thể một bữa ăn nên có cà, canh măng vốn là những món ăn thân thuộc với người dân thôn dã.
#4. Có cần thiết sử dụng màu thực phẩm không?
Bước này thường được các học viên của tôi bỏ qua và họ đã nhanh chóng phải hối hận khi nhận ra tầm quan trọng của màu thực phẩm. Thực tế có rất nhiều món ăn khi nấu lên lại đánh mất vẻ tươi ngon vốn có, màu bị đậm, hình dáng bị thay đổi….. Để khắc phục vấn đề này, tôi khuyên bạn đừng nên nấu chín món ăn. Thay vào đó hãy trần qua nước sôi đến khi nào thực phẩm có vẻ hơi chín, bắt đầu pha màu thực phẩm với nước để cho ra màu thật nhất với món ăn. Đây là bước thể hiện trình độ và sự khéo léo của stylist vì màu của thực phẩm chỉ cần không chính xác sẽ làm mất ngay đi vẻ ngon miệng. Bằng cách này, bạn có thể giữ màu sắc và hình dáng món ăn trong nhiều giờ dưới ánh đèn công suất cao của studio.
#5. Một ấm ảnh nền gỗ sạch sẽ
Để có được kiểm soát rủi ro tốt nhất, sau khi test ra lighting cuối cùng, bạn hãy chụp một bức ảnh với món ăn và tấm nền gỗ hoặc đơn giản chỉ là tấm nền gỗ vì sau một quá trình xê dịch, nước sốt hoặc các đồ ăn sẽ dây ra nền gây bẩn rất khó tẩy trong photoshop, khi đó chỉ cần sử dụng tấm ảnh nền đầu tiên và mask lại chỗ đó. Một điều lưu ý nữa là nếu bạn chụp ảnh món ăn ở góc 45 độ, sau khi chụp final hãy giơ máy lên chụp 1 shot topdown rộng rãi để tránh sau này được yêu cầu hoặc không có đất cho designer làm việc
Bạn đã biết cách tôi kiểm soát rủi ro khi chụp Food như thế nào rồi đấy. Hãy bắt đầu bằng danh sách này để có những shot hình tuyệt vời nhất. Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích, đừng quên bấm Like và Share nhé.
—–
Bản quyền bài viết thuộc về Học viện nhiếp ảnh thương mại ChimkudoPro
Mọi chia sẻ và trích dẫn đều phải đính kèm link tới bài viết gốc
Phản hồi gần đây