fbpx
  • No products in the cart.

  • LOGIN

Lịch sử hội họa – Part 28: Danh hoạ ấn tượng

Chủ nghĩa Ấn tượng được “khai sinh” năm 1874, khi họa phẩm Impression: Soleil Levant (Ấn tượng: Mặt trời mọc) của Monet bị nhà phê bình gia nghệ thuật – Louis Lero dùng chữ “Impressionism” để châm biếm lối vẽ “bôi bác” của nhóm họa sĩ trẻ triển lãm ở “Phòng Tranh Bị Khước Từ (Salon des Refuses) năm đó. Lúc đó, không ai hiểu được mục đích và tác phong cách mạng của họ, khi họ chủ trương gạt bỏ hình họa để thay thế bằng màu sắc thể hiện ánh sáng thiên nhiên. Họa sĩ Ấn tượng mỗi người theo một ngẫu hứng riêng, không ai giống ai, vì họ không đề ra một họa pháp thống nhất, không tuyên ngôn trường phái. Họ chỉ chung một khát vọng tự do, biểu hiện cái thực của Ánh sáng tự nhiên mà thôi.

Monet, Renoir, Sisley và Morisot lúc đó còn trẻ, nên sẵn sàng làm mục tiêu cho đám phê bình háo thắng. Nhưng đám họa sĩ ngày càng đông và mạnh hơn nhờ có sự góp mặt của Pissarro, Cézanne, Gauguin. Degas tuy khác xa Ấn tượng về mặt bút pháp, nhưng gần gũi về thái độ chống độc tài văn nghệ nhà nước. Những họa sĩ triển lãm chung với nhóm Ấn tượng chỉ giống nhau về chí hướng khai phóng, nhưng mỗi người một vẻ độc đáo riêng. Degas gần Cézanne hơn là Monet.

Claude Monet, “Người đàn bà với cái dù”, năm 1875, khổ 81x100cm.

Trong họa phẩm “Người đàn bà với cái dù”, Monet chủ ý vẽ nắng và gió chứ không định về vợ và con. Ông dùng màu sắc để phá thể, xóa hình nét trong khi Degas lại chú trọng ở hình hơn là tác dụng màu sắc. Gauguin thì dùng mảng màu chứ không chơi nét. Tuy nhiên cả ba người đều rút tỉa tinh hoa của tranh mộc bản Nhật. Bút pháp và phong cách Gauguin thiên sang Tượng trưng, Degas thì Hiện thực, chỉ có Monet là Ấn tượng mà thôi.

Claude Monet, “Nắng, cửa hướng Tây Thánh đường Rowen”, năm 1894, khổ 66x100cm.

Phần đông họa sĩ đương thời còn vẽ trong họa thất, dùng bảng màu tối và vẽ những sự vật định hình, bất động. Riêng Monet biểu hiện ánh sáng biến động từng giờ từng phút. Trong loạt tranh Nhà thờ Rouen, Monet vẽ một nhà thờ biến thiên theo ánh sáng tùy ngày, giờ và tuỳ thời tiết, nghĩa là tùy cả ở mùa nắng.

Với Monet “Ấn tượng” là một họa pháp Hiện thực Ánh sáng. Ông cho thấy hình thể không phải là những vật bất động hay thường hữu, thường hằng như người ta vẫn tưởng. Với thời gian và tác dụng ánh sáng, mỗi sự vật biến chuyển và xuất hiện trăm hình ngàn sắc dị biệt trong mắt ta, không giống như người ta tưởng tượng. Nói cách khác, chỉ có sự vật bất động trong trí tưởng tượng của họa sĩ cổ điển và cả số đông Hiện thực.

Claude Monet, “Ao hoa súng”, năm 1899, khổ 92x90cm.

Với Monet, không có sự thực nào ngoài ánh sáng và thời gian. Ông đã khai thị và phục hồi thời gian tính trong không gian màu sắc. Chính bởi quan niệm thời tính trong không gian hội họa, vào giai đoạn cuối đời, Monet đã tới biên giới giữa cụ thể và trừu tượng. Ở họa phẩm “Ao hoa súng”nếu bỏ cây cầu Nhật bắc ngang ao, ta thấy nó gần như tranh trừu tượng. Nếu treo lộn ngược, nó càng “trừu tượng” hơn. Ta không còn thấy rõ đâu là bờ, đâu là ao, là hoa: bức họa chỉ còn là một hòa tấu khúc bằng màu lục, lam, và hoàng kim lung linh, chập chờn.

SINH HOẠT THỜI THƯỢNG PARIS

Auguste Renoir (1841-1919) và Monet thường sáng tác cùng nhau vào thập niên 1860 ở những địa điểm giống nhau nên có khá nhiều cảnh vẽ tương tự về đề tài. Monet chú trọng ở tác dụng ánh sáng trên sự vật biến động, trong khi Renoir ưa vẽ bạn bè và những cặp tình nhân son trẻ. Ông là người yêu cảnh đẹp quyến rũ của Paris hiện đại, ông say sưa nhất là nhóm họa sĩ Ấn tượng. Renoir , cho thấy vẽ là một “lạc thú” cũng như sự vui sướng hiện thân ở những nhân vật trong tranh ông, ở thôn quê, quán café, bar hay đại nhạc hội.

Pierre Auguste Renoir, “Ăn trưa ở hội du thuyền”, năm 1881, khổ 175x130cm.

Nhân vật “Ăn trưa ở hội du thuyền” là đám bạn hữu của họa sĩ cùng nhau ra quán ven sông ngoại ô liên hoan với nhau, cặp nào cũng vui tươi, tình tự thoải mái, sau một ngày lao động trong thành phố. Chỉ có một người đứng (sau lưng thanh nữ đang trò chuyện với chó) là có vẻ cô đơn hay bất mãn điều gì đó. Trong bố cục toàn thể, chính anh là “chìa khóa” tạo tương phản và làm nổi bật cả một thiên đường hạ giới của Renoir.

HỌA PHẨM CHÂN DUNG

Pierre Auguste Renoir, , “Bé gái với bình tưới cây”, năm 1876, khổ 73x100cm.

Một trong những chân dung đầu tay của Renoir là bức “Bé gái với bình tưới cây”, trông rất tự nhiên, duyên dáng từ gương mặt đến cử chỉ không biểu lộ cảm tính gì nhưng rõ ràng là vô tư, hạnh phúc. Góc vườn cô bé đứng hầu như là khu vườn riêng của cô bởi vẻ tự tin, tự tại không quan tâm đến người lớn, kể cả họa sĩ đang đứng vẽ chân dung cho mình.

BÚT PHÁP VÀ PHONG CÁCH CUỐI ĐỜI

Auguste Renoir, “Người búi tóc”, năm 1893, khổ 74x92cm.

Tuy có vẻ là một người ưa hưởng lạc, nhưng Renoir thực sự là họa sĩ làm việc cần cù, say sưa. Có một giai đoạn ông phóng tay buông thả đến độ tranh ông có nguy cơ trở nên hời hợt, nông cạn. Song càng về sau ông càng nghiêm túc với những tác phẩm cuối đời thật là điển nhã, sang trọng. Họa phẩm “Người búi tóc” có thể coi như một thần vệ nữ “dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”

CAMILLE PISSARRO

Camille Pissarro (18301903), ông được coi như vị cha tinh thần của nhóm Ấn tượng, không hẳn vì tuổi tác, mà chính vì tinh thần bao dung và trí tuệ của ông. Sau khi hội ngộ Corot năm 1857, ông theo lời bạn khuyên, đoạn tuyệt lối vẽ trong họa thất cổ truyền. Ông theo chân đám họa sĩ trẻ ra vẻ ngoài trời, nhiệt tình cổ vũ những ý họa mới mẻ, bạo dạn. Tranh Pissarro không bao giờ vắng mặt trong suốt tám cuộc triển lãm Ấn tượng.

Camille Pisarro, “Hoa đào nở”, năm 1872, khổ 55x45cm.

Phong cách hiện đại, trẻ trung và tính vô tư giản dị trong tranh Pissarro ảnh | hưởng đến cả thế hệ Hậu Ấn tượng như Cézanne, Gaugain, và van Gogh, họ tự xưng là “môn đồ của Pissarro”.

Camille Pissarro, “Thôn nữ đội nón rơm”, năm 1881, khổ 60x73cm.

Họa phẩm “Thôn nữ đội nón rơm” có vẻ đẹp đơn sơ mộc mạc, nhưng được tạo hình nghiêm cẩn, cấu hình vững chãi, khiến ta liên tưởng tới hình họa của Seurat sau này ở Hậu Ấn tượng. Tuy được nhóm trẻ Ấn tượng suy tôn là bậc thầy, nhưng Pissarro có phần hơi lu mờ bên vầng hào quang rực rỡ của Monet.

ALFRED SISLEY (1839-1899)

Alfred Sisley, “Đồng cỏ”, năm 1875, khổ 73x55cm.

Từ khi kết giao với Monet, Renoir và các bạn trẻ Pháp, Sisley mỗi ngày một đi sâu vào con đường Ấn tượng và trở thành một họa sĩ trung thành, bền bĩ nhất với quan niệm động thể của ánh sáng và màu sắc, trong khi Monet, về cuối đời đã thoát sang biên giới của hội họa trừu tượng.

Sisley tuy thân Monet, nhưng thích sống ở thôn dã như Pissarro, chứ không ham vui chơi ở thành thị như Renoir, hay Monet. Có lẽ vì thế, phong cảnh đồng nội của ông có một phong thái khác hẳn, một vẻ an nhiên tự tại của thiên nhiên khoáng đạt.

MỘT THỊ QUAN HOA KỲ

Ấn tượng, từ khi trở thành một trào lưu hội họa quốc tế với uy lực không kém nghệ thuật Gothic thời quá khứ, đã lôi cuốn một số 1 họa sĩ trẻ Hoa Kỳ sang Âu châu như Whister, Eakins, Homer. Mỗi người rút tỉa một phần tinh hoa của hội họa Hiện thực và Ấn tượng, tùy theo cá tính và chí hướng riêng.

James Whistler, “Bạch y nữ”, năm 1862, khổ 108x213cm.

James Abbott McNeil Whistler (1834-1903), là công dân Mỹ nhưng định cư ở Anh. Ông trở thành danh họa nổi bật trong thế giới nghệ thuật Âu châu ở hậu bán thế kỷ 19.

Còn Whistler rời Mỹ sang Pháp để học hội họa ở họ a thất Hiện thực của Charles Gleyre. Có một giai đoạn ông nhiệt tình theo lối Hiện thực Courbet và rất thân với những quí tử thời thượng của kinh đô Paris. Năm 1859, Whistler trở về Anh và bắt đầu khai triển chủ đề sông Thames.

WINSLOW HOMER (1836-1910)

Winslow Homer, ” Gió lên”, năm 1876, khổ 97x62cm.

Homer có một lần “hành hương” tới kinh đô nghệ thuật Paris năm 1867, ông rất khâm phục Manet ở những mảng màu tương phản sống động, nhưng ông lại khai thác ánh sáng màu trong hình họa sắc nét và cấu trúc vững vàng. Bút pháp của Homer cốt yếu là Hiện thực với cảnh trời nước trong sáng ửng sắc An tượng với một chút vận động như một Degas trầm tĩnh hơn như ta thấy ở bố cục Gió lên (Breezing up).

EAKINS VÀ HIỆN THỰC HOA KỲ

Thomas Eakins, “Đua thuyền”, năm 1873, khổ 91x60cm.

Hội họa Hiện thực Hoa Kỳ đạt hai tuyệt đỉnh, đó là Thủy thái họa (tranh màu nước) của Homer và tranh sơn dầu của Eakins. Cái thực tranh sơn dầu có tính cách thuyết phục mạnh hơn màu nước một bậc, như ta thấy ở họa phẩm “Đua thuyền” (The Biglin Brother’s Racing) . Tuy nhiên, trước và sau Homer, ít có họa sĩ nào đạt tính hiện thực hùng hồn như thế.

SARGENT VÀ XÃ HỘI QUÍ TỘC

John Singer Sargen, “Bà Adrian Iselin”, năm 1888, khổ 93x154cm.

Ngoại trừ một số kiệt tác Thủy thái họa ở đề tài phong cảnh, John Singer Sargent (1856-1925) chỉ chuyên vẽ chân dung các nhân vật thượng lưu. Ông có tính cực đoan trong mục tiêu hiện thực, đôi khi đến độ “sống sượng như Goya, bất chấp ý muốn che giấu những nét xấu của thân chủ. Ông vẽ rõ cái tại rất xấu của bà Iselin trong họa phẩm Bà Iselin trong họa phẩm “Bà Adrian Iselin”mặc dầu từ gương mặt đến y phục và cử chỉ của bà biểu hiện cá tính cao ngạo và quý phái, tự tin.

Bài viết Lịch sử hội họa – Part 28: Danh hoạ ấn tượng đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Học chụp ảnh – Chụp ảnh sản phẩm – Chụp ảnh doanh nghiệp – ChimkudoPro.

Tháng Tám 16, 2019
Copyright 2014-2024 by © Học viện nhiếp ảnh thương mại Chimkudo Academy. All rights reserved.
G-9PLYN8GE4Z