fbpx
  • No products in the cart.

  • LOGIN

08 bài học marketing đắt giá cho nhiếp ảnh gia

Rất nhiều nhiếp ảnh gia chúng ta tự nghĩ rằng bản thân chúnhg ta là người làm sáng tạo, và marketing thuộc về thế giới kinh doanh. Một vài người thậm chí còn cảm thấy sai trái hoặc “gượng gạo” khi marketing cho bản thân, và họ không muốn liên quan đến việc đó. Nhưng sự thật là trong thời đại số ngày nay, việc marketing bản thân là thứ mà bạn phải làm hàng ngày, bất kể bạn có đang làm nghề gì đi chăng nữa. Bạn là người làm nghệ thuật, và bạn biết rõ nhất cách thể hiện bản thân mình, công việc của mình cho thế giới biết. Sau khi tạo ra sản phẩm, bạn không được nghỉ ngơi. Bạn phải bắt đầu làm marketing. Trong bài viết này, Chimkudo sẽ chỉ ra cho bạn 08 bài học vô giá về marketing cho nhiếp ảnh mà tất cả các nhiếp ảnh gia nên biết và làm theo.

1. Bạn cần cung cấp giá trị và tạo ra niềm tin cho người khác

Cung cấp giá trị ở đây là việc bạn phải liên tục tạo ra các sản phẩm mới (ảnh, video…) và tương tác với mọi người xung quanh. Việc liên tục tạo ra sản phẩm chính là marketing. Đó là cách bạn tạo ra niềm tin với mọi người. Nếu người khác không biết bạn là ai, họ sẽ không tin bạn. Nếu họ không tin bạn, họ sẽ không sử dụng sản phẩm/dịch vụ của bạn.

Hình ảnh trong lớp học Nhiếp ảnh Thương Mại của Chimkudo, nơi chúng tôi chụp ảnh hàng ngày và tự khám phá bản thân qua những buổi học.

Có một điều rất phổ biến trong giới nhiếp ảnh: rất nhiều người lo người khác ăn cắp sản phẩm của mình. Họ đặt watermark dày đặc vào ảnh, tốn nhiều công sức tìm cách bảo vệ ảnh của mình khỏi bị ăn trộm. Họ sợ trưng ra các ý tưởng và bí quyết của mình.  Tuy nhiên, vấn đề thực sự không phải là quyền sở hữu của bạn, vấn đề là việc “bạn có tên tuổi gì hay không?”. Bạn hãy tự hỏi bản thân: “Việc mình bị ăn cắp sản phẩm hay việc không ai biết tới sản phẩm đó, cái nào quan trọng hơn?”. Ai làm ra sản phẩm cũng muốn bảo vệ nó là tất nhiên nhưng bạn có biết tới Windows không khi Microsoft mắt nhắm mắt mở cho người dùng lậu mặc dù họ có thể làm điều đó không khó khăn.

Vì vậy, hãy học tập và rèn luyện, cùng lúc đó, đừng quên cho đi vì các thứ miễn phí luôn lan toả nhanh hơn những thứ phải trả tiền. Nếu Facebook thu tiền hàng tháng, nó không bao giờ được như hiện tại. Đôi khi, miễn phí mới là cách tạo ra giá trị và sự tin tưởng lớn nhất. Lúc mới start-up nhiếp ảnh, Chimkudo cũng đi chụp ảnh tài trợ cho rất nhiều chương trình, vì thế đừng lo sợ, hãy cứ bắt đầu.

2. Là chính mình

Tôi tin rằng mọi người không theo dõi một cái blog, mà họ theo dõi con người sở hữu blog đó. Nội dung của blog quan trọng, nhưng không quan trọng bằng tiếng nói của con người tạo ra nó. Nói một cách khác thì: hầu hết mọi câu chuyện đều đã được kể bằng một cách nào đó rồi, nhưng nó đã được kể bởi bạn bao giờ chưa?

Câu chuyện được kể bởi bạn

Có nhiều câu chuyện đã được kể, nhưng nó đã được kể bởi bạn chưa? Ảnh ©yogesh more from Pixabay

Tôi biết một kênh giải trí trên Youtube là “Camera Conspiracy” (link ở đây). Tôi không theo dõi thường xuyên, nhưng mỗi khi xem, tôi thấy anh ta có rất nhiều người theo dõi, bình luận dù họ chẳng quay phim, chẳng làm vlog, thậm chí cũng chẳng có ý định mua máy ảnh (là nội dung chính trong các video của anh ta). Họ theo dõi anh ta vì anh ta là chính bản thân mình. Ai thích hay không thích không phải là thứ anh ta quan tâm. Anh ấy đưa bản thân mình ra: “đây là chính tôi, thích hay không tuỳ bạn”.

Mỗi người có một tính cách riêng rất khó bắt chước

Mỗi người có một tính cách riêng rất khó bắt chước. Image by ©rawpixel from Pixabay

Điều này đúng với tất cả mọi người đang sáng tạo nội dung online. Trong một thế giới rất nhiều người vẫn cố đeo mặt nạ, ai cũng muốn được là chính mình. Nếu bạn cố trở thành giống một ai đó, cuối cùng bạn sẽ trở thành một thứ rất tẻ nhạt. Có thể được thích hoặc bị ghét, nhưng đừng tẻ nhạt. Làm sáng tạo, tẻ nhạt chính là chết. Nếu bạn đã có hướng đi, hãy cứ kiên trì đi theo nó và tạo lập bản sắc riêng. Bạn có bao giờ tự hỏi là kênh Vlog của Chimkudo Academy không có những nội dung về nhiếp ảnh cơ bản, sử dụng máy ảnh, review đập hộp không ? Đơn giản vì ngoài kia đã có nhan nhản những người làm nội dung đó rồi. Chúng tôi tin rằng đi theo con đường hẹp, tuy mất thời gian và nhiều khó khăn nhưng giá trị tạo ra sẽ khác biệt.

3. Truyền miệng là phương pháp marketing đầy sức mạnh

Hãy quên SEO, tối ưu website cùng những từ ngữ thời kỹ thuật số hào nhoáng đi. Truyền miệng luôn là phương pháp marketing hiệu quả nhất mà một người làm nghệ thuật có thể đào sâu khai thác.

Truyền miệng luôn là phương pháp marketing rất tốt

Truyền miệng luôn là phương pháp marketing rất tốt. Ảnh ©yanalya from freepik

Truyền miệng mà tôi nhắc đến không phải là chia sẻ qua mạng xã hội. Thường mọi người sẽ không tin những gì được chia sẻ trên mạng xã hội, kể cả từ người quen. Truyền miệng ở đây là chia sẻ trong cuộc sống thực, qua những trải nghiệm thực của khách hàng cũ.

Bạn có thể bắt đầu làm marketing truyền miệng thế nào? Hãy luôn nhớ: truyền miệng luôn bắt đầu với một khách hàng đầu tiên. Hãy bán cho họ thật tốt đã. Và hãy luôn giữ chất lượng sản phẩm ổn định với những khách hàng sau đó của bạn. Người Việt chúng ta khá kém trong việc giữ đươc chất lượng ổn định qua năm tháng mà thường chỉ được một vài dự án ban đầu, các thứ sau càng ngày càng kém đi. Đó là điều không khách hàng nào mong muốn được trải nghiệm.

4. Gắn một loại hình dịch vụ với thương hiệu của bạn

Nếu bạn phát triển tập trung vào một loại hình dịch vụ lõi nào đó, hãy cố gắng gắn nó thật chặt với tên tuổi của bạn trước để khi nhắc tới lĩnh vực đó, người ta sẽ nhớ tới bạn, cụ thể:

Lý do 1: Tránh dùng từ ngữ chung chung như “chụp ảnh đẹp”, “chụp ảnh sản phẩm chuyên nghiệp” mà thay vào đó là Chimkudo Studio chụp ảnh sản phẩm. Sau khi gắn được tên của ban với định vị của ngành hàng, bạn muốn phát triển abc xyz gì sau đó cũng dễ dàng hơn nhiều.

Lý do 2: Nếu bạn lan man, mỗi ngày post một thể loại ảnh lên fan page, vậy sau một khoảng thời gian, bạn bè và người thân sẽ biết bạn “Chụp ảnh đẹp” chứ không nhớ tới bạn chuyên thể loại gì. Hậu quả là, khi có một job nào đó liên quan tới Chụp ảnh sản phẩm, bạn bè bạn sẽ nhớ tới một đơn vị chuyên ảnh sản phẩm chứ không phải bạn – gì cũng chụp.

Website của Chimkudo Studio không có gì khác ngoài ảnh sản phẩm

5. Tìm đúng người “follow” bạn

Không phải bạn cứ làm gì mình thích là sẽ có người quan tâm. Nói một cách thẳng thắn, hầu hết mọi người không quan tâm tới những thứ bạn làm. Nhưng nếu bạn nghiêm túc với nó, chắc chắn sẽ có những người quan tâm. Bạn chỉ cần tìm đến đúng họ thôi. 

Về bản chất, việc “follow” trên mạng xã hội không thực sự là “follow”. Đó hầu hết là những người không thường xuyên xem bài viết của bạn. Ngoài bạn, họ còn follow rất nhiều người khác và bạn không thể kỳ vọng tất cả họ đều xem mỗi post của bạn và xa hơn là book bạn chụp ảnh.

Những “follower” đích thực là những người tìm kiếm bạn. Họ thường xuyên vào web bạn xem, đọc những thứ bạn viết, xem video bạn up lên và tự hỏi chuyện gì xảy ra khi không thấy bạn post trong vài ngày.

Fan và Follower rất khác nhau

Fan và Follower rất khác nhau. Ảnh ©follows.com

Những người như vậy không nhiều, nhưng họ là “fan” đích thực của bạn và bạn cần phải chăm sóc họ nhiều nhất có thể. Bạn không cần mở rộng số lượng, chỉ cần biết cách để làm mình có chỗ đứng với một lượng khán giả nhất định yêu quý mình. Với Chimkudo, chúng tôi luôn tạo ra các kênh để có thể luôn giữ kết nối với học viên của mình kể cả khi họ đã đi ra ngoài làm nghề. Việc có thể xuất hiện và hỗ trợ học viên kịp thời cũng làm mối liên kết của Chimkudo Academy với học viên được update hơn.

6. Giá cả chính là Marketing

Tôi từng thấy có những người phàn nàn rằng khách hàng đang hạ thấp họ, hoặc mình không được trả tiền công xứng đáng. Đó chính là vấn đề về Marketing.

Marketing thay đổi mức giá của bạn. Mức giá thay đổi cách bạn Marketing.

(Seth Godin – This is Marketing)

Nếu  bạn cung cấp dịch vụ có chất lượng cao, giá cả của bạn cũng phải chứng tỏ điều đó. Không phải chỉ đơn giản là số năm kinh nghiệm đâu. Giá cao sẽ phản ánh mọi thứ: nhiệt huyết với công việc, sự tôn trọng của bạn với công việc, cách bạn chăm sóc khách hàng… Bạn có quyền đòi hỏi một số tiền lớn ở khách hàng nếu bạn có thể thay đổi quan niệm của họ về bạn: rằng bạn không chỉ cung cấp một dịch vụ, bạn còn cung cấp một trải nghiệm. Trong thời đại ngày nay, khách hàng có thể tìm được rất nhiều dịch vụ cung cấp với chất lượng sản phẩm có thể 1 chín 1 mười nhưng cách bạn làm dịch vụ sẽ phân biệt được bạn với các đối thủ khác. Thêm vào đó, đầu tư vào thương hiệu luôn là con đường khôn ngoan và mang lại nhiều giá trị nhất về sau này.

Hạ giá là cách cuối cùng marketer làm khi không tìm được ý tưởng cạnh tranh nào khác.

(Seth Godin – This is Marketing)

Việc hạ giá còn có một thứ kéo theo khác: làm cho người khác khó tin tưởng bạn hơn. Đó là vì khi tiêu một số tiền lớn, con người thường có xu hướng tự tạo ra một câu chuyện để họ tin vào nó, để hợp lý hoá khoản tiền họ bỏ ra.

Để có thể được trả giá cao, bạn cần phải tạo ra niềm tin. Càng tạo ra được niềm tin lớn, bạn càng có thể yêu cầu giá cao. Bạn sẽ không mua một đôi sneaker giá 500$ với một thương hiệu bạn chưa từng nghe tới tên, đúng không? Khách hàng cũng như vậy.

Giá cả đối với thương hiệu

Để có thể được trả giá cao, bạn cần phải tạo ra niềm tin. Càng tạo ra được niềm tin lớn, bạn càng có thể yêu cầu giá cao. Ảnh ©bmmguru

Bạn có biết “Hàng hoá Veblen” không? Đó là những hàng hóalượng cầu về chúng tăng lên khi giá của chúng tăng và lượng cầu về chúng sẽ giảm nếu giá của chúng giảm. (khác với hàng hóa thông thường). Dĩ nhiên khi giá của bạn cao, không phải ai cũng có thể sử dụng dịch vụ của bạn, nhưng việc có quá đông khách hàng lúc này không cần thiết.

7. Sở hữu một nền tảng online riêng của mình

Rất nhiều nhiếp ảnh gia không có website riêng. Bên cạnh đó, họ dựa vào Facebook, Instagram. Nhưng việc có một tài sản riêng của mình rất quan trọng, khi sẽ có rất nhiều vấn đề phát sinh trên một nền tảng không phải của mình, Vì vậy việc marketing cho nhiếp ảnh của họ cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

mạng xã hội

Có nhiều nền tảng mạng xã hội, nhưng không cái nào là tài sản của bạn. Ảnh ©Shahid Abdullah from Pixabay

Tôi sẽ lấy ví dụ của Instagram. Các nền tảng MXH khác cũng có những vấn đề tương tự

Thứ nhất: Giả sử một ngày Instagram biến mất. Nhiều công sức trong nhiều năm của bạn sẽ biến mất. Hoặc một lúc nào đó sẽ có một thứ khác phổ biến hơn Instagram. Myspace là một ví dụ cho việc một thứ “đột ngột biến mất”. Flickr là một ví dụ cho việc một thứ đã từng rất phổ biến không còn được như trước.

Thứ hai: Khi sử dụng nền tảng đó, bạn là khách. Bạn không sở hữu mà chỉ thuê chúng thôi. Bạn trả tiền thuê bằng cách xem quảng cáo, cung cấp thông tin cá nhân cho Instagram để các nhà quảng cáo có thể khai thác. Bạn phải tuân theo các quy tắc của “chủ nhà”, “chủ nhà” sẽ đưa ra quyết định cuối cùng.

Thứ ba: Instagram giữ quyền sở hữu ảnh của bạn, có thể xoá nó nếu muốn và yêu cầu bạn trả tiền nếu bạn muốn ảnh được nhiều người biết tới hơn. Trừ việc phản đối, bạn không thể làm gì khác. Trong nhiều trường hợp, phản đối giống như việc la hét với bức tường.

Thứ tư: Follower trên Instagram không thực chất là follower của bạn, mà là follower của Instagram. Bạn không có cách nào để tương tác trực tiếp với họ trong thực tế. Chỉ một phần những người follow xem được bài đăng của bạn, vậy nên mới có chuyện nhiều người phải xin follower bật thông báo.

Follower trên Instagram không thực chất là follower của bạn, mà là follower của Instagram

Follower trên Instagram không thực chất là follower của bạn, mà là follower của Instagram. Ảnh ©freepik

Tất cả những điều này không có nghĩa là bạn nên tránh xa mạng xã hội. Nếu được dùng đúng cách, nó sẽ là công cụ marketing rất mạnh, nhưng bạn không nên đổ toàn bộ công sức vào chúng. Một website chính thống với nhiếp ảnh gia luôn là lựa chọn an toàn, ổn định và nó thực sự là ngôi nhà của riêng bạn.

8. Sử dụng thư điện tử

Kể cả trong thời đại mạng xã hội, thư điện tử vẫn có vị trí của nó và là một trong những công cụ marketing tốt nhất. Bạn nên xây dựng danh sách email khách hàng của mình. Kể cả khi website của bạn không thể truy cập được, bạn vẫn có thể liên hệ với khách hàng của mình, chia sẻ bài viết mới hay chương trình khuyến mãi với họ.

Trong thời đại mạng xã hội, thư điện tử vẫn có vị trí của nó và là một trong những công cụ marketing tốt nhất.

Trong thời đại mạng xã hội, thư điện tử vẫn có vị trí của nó và là một trong những công cụ marketing tốt nhất. Image by ©Muhammad Ribkhan from Pixabay

Hầu hết mọi người thường không đổi địa chỉ email của mình, vì thế tỉ lệ thư của bạn được họ thấy trong hòm thư là khá cao. Điều đó nhắc nhở họ về sự tồn tại của bạn, kể cả khi họ không đọc email đó. Vì thế, email luôn là một công cụ tốt, nhất là cho việc remarketing (tiếp thị lại) của bạn.

Kết luận

Công việc của một nhiếp ảnh gia không chỉ dừng ở việc chụp ảnh. Việc marketing cho nhiếp ảnh của bạn cũng quan trọng tương đương với việc bạn chụp ảnh vậy. Giống như những cuốn sách, sách không tự bán được mà phải có công cụ quảng bá cho chúng.

Rất nhiều nghệ sĩ đang ở ngoài kia, nhiều người trong số đó đang đợi để được biết đến. Giống như những người theo chủ nghĩa lãng mạn chờ đợi ma thuật có hiệu nghiệm vậy. Vấn đề của việc chờ đợi là gì? Là việc bạn đang chờ đợi. Thay vì tự làm chủ cuộc sống và sự nghiệp của mình thì bạn lại trông đợi vào may mắn? Đúng, bạn có thể được mọi người nhận ra. Nhưng nếu không thì sao? Nếu bạn không tự đẩy mọi thứ tiến lên phía trước, sẽ chẳng có gì xảy ra cả. Đó là cuộc sống. 

Có rất nhiều người giỏi ngoài kia. Có được kỹ năng tốt chỉ là thứ khởi đầu thôi. Chỉ kỹ năng sẽ không đủ giúp cho bạn khác biệt.  Bạn cần nhiều hơn nữa. Marketing cho sản phẩm của bạn chính là đề cao nó. Marketing chính là việc bạn nói rằng “Tôi tự tin rằng sản phẩm của mình tốt, và tôi tự hào khi nói về nó!” và sẽ là tuyệt vời hơn khi bạn hiểu rằng marketing là bạn đang kể lại câu chuyện của chính mình theo một cách mà bạn muốn chứ không phải phù phiếm, tâng bốc nó tới những thứ siêu thực.

Bản quyền bài viết thuộc về @Chimkudo Academy – Lighten your values
@Mọi trích dẫn đều phải kèm link gốc tới bài viết

 

Bài viết 08 bài học marketing đắt giá cho nhiếp ảnh gia đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Học chụp ảnh – Chụp ảnh sản phẩm – Chụp ảnh doanh nghiệp – ChimkudoPro.

Tháng Mười Một 1, 2019
Copyright 2014-2022 by © Học viện nhiếp ảnh thương mại Chimkudo Academy. All rights reserved.