Người ta thường dễ nản chí thậm chí là khi còn chưa bắt đầu nhiếp ảnh nghệ thuật. Chỉ cần lướt qua bất kỳ một trang ảnh nổi tiếng nào là chúng ta cũng sẽ bắt gặp vô số những bức ảnh đẹp từ khắp mọi miền thế giới, khiến chúng ta nhìn lại chỗ đứng của bản thân.
Tuy nhiên, bạn không nhất thiết phải nghỉ việc nửa năm và đi vòng quanh địa cầu thì mới có thể chụp được ảnh fine art đẹp. Với một chút tư duy sáng tạo, bất kỳ ai cũng có thể tạo ra những tác phẩm đẹp ngay trong chính ngôi nhà của mình mà không cần tốn quá nhiều tiền bạc.
VẬY FINE ART THỰC CHẤT NGHĨA LÀ GÌ?
Định nghĩa của thuật ngữ “fine art” thực sự rất khó giải thích rõ ràng. Tuy nhiên, cụm từ này thường được dùng chủ yếu với 2 ý nghĩa khác nhau, vậy nên điều đầu tiên bạn cần phải làm là phân biệt chúng với nhau.
Nghĩa đầu tiên của từ “fine art” hay được dùng trong ngữ cảnh bảo tàng và triển lãm. Giới học thức Châu Âu định nghĩa fine art là những tác phẩm được tạo ra với giá trị thuần thẫm mỹ và không phục vụ một mục đích nào khác. Vì vậy, nó trái ngược với “nghệ thuật ứng dụng”, ví dụ như những vật dụng hàng ngày (đồ gốm sứ) được trang trí để trông đẹp mắt hơn.
Khi nói đến nhiếp ảnh nghệ thuật, người ta thường muốn ám chỉ một phong cách nhiếp ảnh hơn là một phương pháp nhiếp ảnh. Tương tự như những ngành nghệ thuật khác, nhiếp ảnh fine art được tạo ra để phục vụ nhu cầu nghệ thuật. Bức ảnh được thiết kế để tôn vinh cái đẹp trừu tượng hơn là để tôn vinh chủ thể bên trong. Cũng có những kiểu ánh sáng và kỹ thuật xử lý thường đi kèm với nhiếp ảnh nghệ thuật, nhưng chúng cũng chỉ là những trào lưu nhất thời trong giới nghệ thuật.
KHUNG HÌNH PHẲNG
Ảnh flat lay đang dần dần càng ngày trở nên phổ biến hơn. Bạn có thể dễ dàng bắt gặp vô số ảnh thuộc kiểu đặt trên mặt phẳng này khi dạo quanh Instagram hay Pinterest. Nhưng hầu hết những bức ảnh trên đều mang tính thương mại cao để thuyết phục khách hàng mua một sản phẩm hoặc dịch vụ nào đó.
Cả những nhiếp ảnh gia đang không muốn quảng cáo bất kỳ thứ gì cũng có xu hướng chụp ảnh flatlay để đăng lên trang cá nhân. Mặc dù cách tiếp cận này cũng không hẳn là có gì sai trái, một nhiếp ảnh gia fine art có thể tìm được nhiều cách sáng tạo khác để thực hiện phong cách chụp trên màn phẳng này.
TÌM KIẾM NGUỒN CẢM HỨNG
Trước khi chụp, bạn cần phải hình dung được bức ảnh của mình sẽ trông như thế nào trước. Ý tưởng ban đầu của tôi cho bức ảnh bên dưới là nhấn mạnh quan sát những chi tiết và chất liệu của một đồ vật. Trong giới thiết kế nội thất đang có phong trào sử dụng những đồ vật được thiết kế tinh xảo để bài trí lên tường nhà, và ý tưởng nhiếp ảnh của tôi cũng đi theo phong trào này. Bộ ảnh này còn được tiếp thu nguồn cảm hứng mạnh mẽ từ những công trình của Edward Weston, một người đã truyền cảm hứng cho tôi nhiều năm nay.
Weston khám phá những hình dáng tự nhiên thông qua phương tiện nhiếp ảnh. Ông luôn cố nắm bắt từng chi tiết của thế giới hiện thực một cách chính xác. Giữa năm 1927 và 1930, Weston chụp nguyên một bộ ảnh chỉ với hạt tiêu, vỏ sò và bắp cải. Những bức ảnh của Weston đặt thế giới thực vào một không gian trừu tượng theo chiều hướng hiện đại.
Để tỏ lòng tôn trọng với những bức ảnh chụp đồ ăn đậm tầm nhìn của Weston, tôi chắc chắn phải đến siêu thị tìm thứ để chụp. Những ứng cử viên của tôi bao gồm quả lựu, cà chua thuần giống và những quả ớt mỏng siêu dài. Tuy nhiên, thứ thực sự kích thích trí tưởng tượng của tôi lại là một túi hoa cà (physalis, hay còn được gọi là cherry đất hoặc Đèn lồng Trung Hoa) trên kệ cao nhất của siêu thị.
PHƯƠNG PHÁP CHỤP
Ánh sáng là yếu tố quan trọng nhất trong một bức ảnh chụp cận cảnh đồ vật. May thay, tôi lại có những khung cửa sổ lớn nhìn ra phía Đông ngay trong phòng studio của mình. Đầu chiều sẽ là khoảng thời gian có ánh sáng hoàn hảo để chụp những bức ảnh nghệ thuật với ánh sáng tự nhiên. Bạn cũng có thể tạo ra hiệu ứng tương tự với bất kỳ một cửa sổ nào đủ lớn vào những ngày nắng đẹp.
Đặt một tấm nền lên mặt phẳng chụp của bạn trước, trong trường hợp của tôi là một tấm giả gỗ, sau đó đặt camera và tripod lên nhìn thẳng xuống mặt bàn (nên dùng thêm cả ống thủy chuẩn nếu có để đảm bảo góc chụp thẳng tuyệt đối.)
Nếu tripod của bạn không xoay được góc máy thẳng xuống, bạn sẽ cần phải mua thêm tay sắt hỗ trợ để chụp ảnh flatlay. Một khó khăn nữa sẽ là làm thế nào để đặt máy ảnh bên trên đối tượng mà không bị cản trở bởi chân của tripod.
TÌM NGUỒN SÁNG PHÙ HỢP
Có một lý thuyết cho rằng con người xem ảnh theo hướng cùng với hướng đọc chữ. Tiếng Anh là ngôn ngữ chính của tôi, vì vậy tôi đọc theo thứ tự từ trái qua phải. Sang nhiếp ảnh, tôi gần như luôn đặt nguồn sáng từ bên trái để bóng đổ sang bên phải. Vì người xem ảnh sẽ nhìn từ bên sáng sang bên tối, từ trái qua phải như khi họ đọc sách, bức ảnh sẽ cảm giác tự nhiên và dễ tiếp thu hơn.
Nếu ánh sáng tự nhiên chưa thực sự thỏa mãn mong muốn của bạn, hãy chờ sang một lúc khác hoặc sang một ngày khác để có được ánh sáng hoàn hảo. Sử dụng những nguồn sáng có sẵn trong nhà có thể hơi tốn thời gian, nhưng sản phẩm thu lại cũng có thể khiến bạn rất hài lòng. Tuy nhiên, một lưu ý khi dùng loại ánh sáng này là luôn phải có sẵn những tấm hắt trắng và tấm chặn sáng màu đen. Ánh sáng nào cũng là ánh sáng, đều tuân theo những quy tắc biến đổi tương tự như đèn trong studio.
KIỂM SOÁT MÁY ẢNH, DỰNG BỐ CỤC
Một trong những tính năng hữu ích nhất của máy ảnh Fujifilm là app iPhone đi kèm. Nhiều máy ảnh có màn hình lật, ví dụ như chiếc Fuji của tôi cũng có, để bạn có thể dễ dàng nhìn được khung hình khi đang chụp, nhưng với thể loại flatlay chiếc màn hình này cũng có thể khá khó dùng. App của Fuji loại bỏ được vấn đề này bằng cách trình chiếu cho người dùng khung hình đang chụp ngay trên điện thoại theo thời gian thực.
Bài viết gốc bởi Charlie Moss tại digital-photography-school.com
Dịch bởi Chimkudo Academy. Yêu cầu không trích dẫn khi chưa được sự đồng ý.
Bài viết Chụp fine-art từ những vật thô sơ đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Học chụp ảnh – Chụp ảnh sản phẩm – Chụp ảnh doanh nghiệp – ChimkudoPro.
Phản hồi gần đây