fbpx
  • No products in the cart.

  • LOGIN

Làm chủ màu sắc – Sức mạnh tâm lý và quá trình tiến hoá của màu tím

Màu tìm đã gắn bó lâu đời với lịch sử của ngành nghệ thuật trực quan. Từ thời tiền sử cho đến thời kỳ nghệ thuật đương đại, màu tím vốn vẫn luôn là biểu tượng cho những mặt khác nhau của tôn giáo, giới quý tộc và địa vị. Trong bài viết ngày hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhìn lại lịch sử của màu tím, cũng như là quá trình tiến hóa và ảnh hưởng của màu sắc này lên nghệ thuật trực quan của con người.

Mastering Color Series – The Psychology and Evolution of the Color PURPLE and its use in Photography

SỨC MẠNH TÂM LÝ CỦA MÀU TÍM

Trên phổ màu truyền thống, màu tím hay màu của hoa violet nằm giữa màu đỏ và màu xanh dương. Màu tím (purple) nghiêng nhiều hơn về phía màu đỏ, nằm trung gian giữa màu đỏ thắm và màu violet. Màu violet thì lại nghiêng về phía màu xanh dương hơn. Nhưng bất chấp sự khác biệt này, cả hai màu purple và violet đều được gọi chung với một cái tên: “màu tím” và cùng có chung những đặc điểm về ảnh hưởng tâm lý.

Chính vì nằm giữa màu đỏ và màu xanh, màu tím là sự dung hòa giữa những cá tính mạnh mẽ nhất của hai màu này. Cũng giống như xanh dương, tím có khả năng làm dịu, tạo cảm giác hướng về nội tâm và bình yên. Mặt khác, tương tự như đỏ, màu tím lại có thể rung động thị giác người xem, kích thích trí tưởng tượng và lòng nhiệt huyết. Những sắc tím sáng màu được cho là nhẹ nhàng, dễ dãi, thư thái. Còn những màu tím đậm lại thường được gắn với sự tinh khôn và trí tuệ.

Trong lịch sử, vì sự khan hiếm nguyên liệu và quy trình sản xuất khó khăn nên màu tím trở thành một thứ hàng hóa xa xỉ. Nhờ đó mà nó thường được con người liên hệ với địa vị, quyền thế và tiền tài. Không chỉ vậy, có lẽ do vẻ đẹp khác thường và hiếm hoi của màu tím trong thiên nhiên nên con người ta cũng lại gắn cho nó những giá trị về sự độc lạ, huyền bí và ma thuật.

Đạo Kito Giáo có truyền thống sử dụng màu tím vào những Mùa Chay để bộc lộ niềm khóc thương và sự bi tráng trước sự hi sinh của Jesus. Màu tím trong đạo Hindu tượng trưng cho sự hòa mình với Chúa Trời, sự bình yên và trí tuệ. Ở Trung Quốc, tím lại được coi là màu của sự thức tỉnh về mặt tâm linh cũng như của sự hồi phục về mặt thể chất lẫn tinh thần. Văn hóa Nhật Bản gắn màu tím với những đặc quyền, sự giàu có và tầng lớp quý tộc. Ở Châu Phi, tím là màu của địa vị và tài sản, trong khi ở một số vùng Brazil, người ta lại coi nó là màu của cái chết và sự đau thương.

Mastering Color Series – The Psychology and Evolution of the Color PURPLE and its use in Photography

QUÁ TRÌNH TIẾN HÓA CỦA MÀU TÍM

Hematit và Mangan

Được dùng bởi con người thời Đồ Đá dưới dạng thỏi, dạng bột hay dạng sơn khi trộn với chất béo, đá hematit và mangan là những thuốc màu tím cổ đại nhất của nhân loại. Vào khoảng giữa những năm 16,000 và 25,000 TCN, những nghệ sĩ đầu tiên đã dùng chất liệu này để vẽ và tô màu hình nhân và các đường nét tay trên những bức tường đá của những hang động, ví dụ như hang Pech Merle ở Pháp. Mangan vẫn được sử dụng cho đến ngày nay bởi những bộ tộc người Úc bản địa để phết màu cho da người trong những nghi lễ của họ.

Image result for pech merle cave

(hang Pech Merle – Pháp) 

Tím Hán (Han purple)

Trái ngược với tên của nó, màu tím Hán được tìm thấy từ trước triều đại nhà Hán ở Trung Quốc. Được làm ra bằng cách đun nóng silica với đồng và Bari ở nhiệt độ cao, màu tím Hán xuất hiện đầu tiên trên những hạt thủy tinh ở những lăng mộ cổ. Chất liệu này sau đó được dùng trong những tranh vẽ trên tường, đồ gốm và các tác phẩm điêu khắc, bao gồm cả đội quân Tượng binh mã bằng đất nung nổi tiếng dưới ngôi mộ của Tần Thủy Hoàng ở Tây An. Màu tím Hán được sử dụng nhiều nhất dưới thời nhà Thanh và nhà Hán (221 TCN – 220 CN), nhưng suy giảm dần dưới triều đại nhà Đường (618 – 907 CN).

(tranh treo tường ở Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc)

Thuốc màu tím Hán có thể phai và phân hủy theo thời gian, đặc biệt là khi gặp axit hoặc nhiệt độ cao. Tuy nhiên, chất liệu này lại có khả năng hấp thu ánh sáng đặc biệt và có khả năng phát ra những tia sáng cận hồng ngoại khi tiếp xúc với ánh đèn LED. Điều này đồng nghĩa với việc những chuyên gia bảo quản và các nhà khoa học có thể phát hiện được dấu vết vô hình của thuốc màu tím Hán khi nghiên cứu về đặc tính và lịch sử của nó.

Mastering Color Series – The Psychology and Evolution of the Color PURPLE and its use in Photography

Tím Tyrian

Có dải màu từ tím hơi ám đỏ đến hơi ám xanh, tím Tyrian là màu tím nổi tiếng nhất trong lịch sử của màu sắc này. Những người dân ở Sidon và Tyre- hai thành phố trên bờ biển Phoenicia cổ đại (ngày nay thuộc nước Labanon), đã sử dụng chất nhờn tiết ra từ một loại sên biển để sản xuất chất tạo màu tím Tyrian từ trước thế kỷ 15 TCN. Quá trình để làm ra thứ màu này không chỉ gây tổn hại đến con ốc sen mà còn rất tốn thời gian của người làm màu vì hơn 10,000 con ốc mới đủ để nhuộm màu hết một chiếc áo choàng.

Theo một bài viết của The New York Times, con ốc sên sau khi bị moi ra khỏi vỏ sẽ bị “luộc chín qua nhiều ngày trong những vạc chì khổng lồ, tạo ra một mùi hương kinh khủng. Loài động vật thân mềm này vốn dĩ không có màu tím. Nhưng những nghệ nhân muốn dùng nó để thu hoạch một loại chất xúc tác mà khi gặp ánh sáng và nhiệt độ cao sẽ chuyển thành chất tạo màu tím quý giá này.”

Tím Tyrian cực kỳ đắt đỏ, vậy nên màu sắc này được tìm thấy trên y phục của những vị hoàng đế, những đại tướng, người quý tộc, chính trị gia, mục sư và thẩm phán ở khắp vùng Địa Trung Hải.

Mặc dù chủ yếu được dùng để nhuộm vải, tím Tyrian cũng còn được dùng trong hội họa. Qua xét nghiệm hóa học, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy tím Tyrian trong bức Saffron Gatherers, một bức tranh treo tường vào cuối thời kỳ Đồ Đông ở đảo Aegean, Santorini.

Mastering Color Series – The Psychology and Evolution of the Color PURPLE and its use in Photography

Màu tím thời trung cổ

Vào thời trung cổ, nghệ sĩ tạo ra màu tím bằng cách trộn những vật liệu màu đỏ và màu xanh dương với nhau. Để có được màu xanh dương, nghệ sĩ dùng những khoáng chất như azurit và ngọc lưu ly. Để có màu đỏ, họ lại dùng những chất liệu như thổ hoàng đỏ, đá chu sa, hoa Thiến Thảo hoặc chì đỏ. Ở một số vùng trên thế giới, người ta lại có thể dùng hỗn hợp một loại hoa cải (mixed woad) hoặc lá chàm để chế tạo màu xanh và rệp son để làm màu đỏ. Những hỗn hợp khác nhau cho ra những sắc tím khác nhau với cường độ màu khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết những thuốc màu trên đều rất dễ bị phai màu, vì vậy mà nhiều bức họa có màu tím đều có màu sắc nhợt nhạt hoặc màu bị thay đổi hoàn toàn. Bức chân dung vẽ một cô công chúa trẻ của Jan Gossart là một ví dụ điển hình cho điều này: những họa tiết trên chiếc mũ ban đầu có màu tím, nhưng người xem tranh bây giờ sẽ thấy nó màu xanh.

Màu cẩm quỳ (Mauve)

Vào năm 1856, một sinh viên ngành hóa học 18 tuổi người Anh, William Henry Perkin, đang nghiên cứu tìm ra thuốc chữa cho bệnh sốt rét. Nhưng khi làm thí nghiệm, anh ta lại phát hiện ra một chất sản phẩm hết sức thú vị, sau này chính là thuốc nhuộm anilin nhân tạo đầu tiên. Perkin sớm nhận ra rằng hợp chất này có thể được sử dụng để nhuộm vải. Sau đó, anh ta nhanh chóng đăng ký bản quyền cho loại thuốc nhuộm này và sản xuất nó dưới cái tên “tím anilin” và, kỳ lạ thay, tím Tyrian. Tên của loại màu này sau đó được đổi thành “mauve” (màu cẩm quỳ) vào năm 1859 theo tên tiếng Pháp của một loại hoa cà màu tím. Các nhà hóa học thường gọi hợp chất này là mauveine.

Tím cẩm quỳ nhanh chóng tạo ra xu thế mới. Nữ hoàng Victoria đã mặc một bộ áo choàng tơ tằm được nhuộm màu mauve để tham dự Triển Lãm Hoàng Gia vào năm 1862. Perkin đã phát triển một quy trình sản xuất công nghiệp hóa, xây nhà máy sản xuất và sản xuất lượng lớn thuốc màu tím này. Những nổ lực của nhà khoa học trẻ này đã giúp màu tím được trở nên dễ dàng tiếp cận bởi mọi người hơn, không chỉ tầng lớp giàu có. Tuy nhiên, thành công của màu cẩm quỳ cũng phai nhanh như màu sắc của nó, và loại thuốc màu này bị thay thế bởi những thuốc nhuộm nhân tạo khác trước năm 1873.

Mastering Color Series – The Psychology and Evolution of the Color PURPLE and its use in Photography

Màu violet coban và violet mangan

Loại thuốc đúng màu violet đầu tiên là violet coban, được phát triển bởi Salvetat vào năm 1859. Có màu trải từ violet đậm đến violet nhạt với ánh hồng hoặc xanh dương, những chất liệu violet coban đầu tiên thường chủ yếu có thành phần là asen coban. Nhưng hợp chất độc hại này bị thay thế bởi coban amoni photphat, coban lithium photphat và coban photphat trong thời đại ngày nay.

Màu violet coban là loại thuốc màu violet duy nhất có khả năng giữ màu tốt mà vẫn có độ bão hòa mạnh, những loại màu violet có tính ổn định khác đều có màu nhạt hơn. Mặc dù vẫn được ít người sử dụng, giá thành cao, khả năng ăn màu kém và độc tố trong màu violet coban khiến cho tính ứng dụng của nó rất thấp.

Màu violet mangan, hay còn mang tên tím bất tử, violet Nuremberg hay violet khoáng sản (mineral violet), là khám phá của E. Leykauf vào năm 1868. Nhờ có giá cả phải chăng và ít độc tố hơn sản phẩm tiền nhiệm của nó, violet mangan nhanh chóng trở thành lựa chọn tiết kiệm hơn so với violet coban vào những năm 90 của thế kỷ 19, thậm chí đến ngày nay vẫn tiếp tục được sử dụng.

Mastering Color Series – The Psychology and Evolution of the Color PURPLE and its use in Photography

Biểu tượng của tình yêu số 2 (Love Symbol #2)

Năm 2017, Học viện Pantone Color chính thức đặt một sắc màu tím mới để vinh danh ca sĩ Prince. Loại màu này được đặt tên là Love Symbol #2, nghiêng hơn về phía màu xanh trên phổ màu và được truyền cảm hứng bởi sự hứng thú của Prince với ánh màu này xuyên suốt sự nghiệp của ông. Laurie Pressman, Phó Giám đốc của Pantone Color đã phát biểu rằng: “Gắn liền với họ màu tím, Love Symbol #2 là công cụ giúp cho sắc màu độc nhất của Prince có thể tiếp tục sống mãi và đồng thời giữ vững chỗ đứng của vị ca sĩ này trong văn hóa của chúng ta.”

“Tại sao lại chọn sắc màu tím này?”, phóng viên hỏi.”Chúng tôi cũng không biết lí do tại sao, nhưng chúng tôi biết Love Symbol #2 ẩn chứa thông điệp về sự bí ẩn, sự tò mò và phá vỡ truyền thống. Màu sắc này đứng tách biệt với những màu khác, cũng như cách Prince khác hẳn với mọi nghệ sĩ khác.”

Mastering Color Series – The Psychology and Evolution of the Color PURPLE and its use in Photography

MÀU TÍM TRONG NGHỆ THUẬT TRỰC QUAN

Từ thời nguyên thủy đến  trường phái Tả thực

Con người đã dùng mangan và hematit để làm thuốc màu tím từ ít nhất là năm 25,000 TCN. Dấu tích của màu tím trong nghệ thuật được phát hiện ở nhiều nơi như những quận phía Đông Kalimantan xa xôi ở Borneo hoặc những khu di tích thời kỳ đồ Đá ở Pháp. Sau đó một thời gian dài, vào những thời kỳ đầu của Giáo Hội Thiên Chúa, nhiều loại màu tím khác nhau được dùng để đánh dấu trang phục của những quan chức cấp cao trong Hội, ôn lại theo tập tục của truyền thống ngoại giáo. Vào thời trung cổ, nhiều trang Kinh thánh hay những bản ghi chép Phúc Âm đều được viết chữ nét vàng lên những tấm giấy da nhuộm màu tím Tyrian. Những bức tranh theo phong cách Byzantine luôn mô tả những nhân vật quan trọng mặc những chiếc áo choàng màu tím.

Nghệ thuật thời Phục Hưng vẽ chân dung những thiên thần và đức mẹ Mary trong những bộ y phục màu tím. Theo như những người lính La Mã xưa, Jesus mặc một bộ đồ màu tím trước khi bị đưa đi hành quyết. Từ đó mà màu tím mang những sắc thái về sự đau khổ, sự hi sinh và sự oai phong lẫm liệt. Bức The Assumption of the Virgin bởi Palma Vecchio chứa hình ảnh Mary mặc một chiếc đầm tím dài thướt tha. Trong bức Creation of Adam của Michelangelo, Chúa Trời cũng đang mặc một lớp vải hơi ngả màu tử đinh hương.

Màu tím cũng góp mặt vào những phong trào nghệ thuật hậu Phục Hưng như nghệ thuật baroque và rococo, chủ nghĩa hàn lâm và chủ nghĩa hiện thực. Vào năm 1789, nghệ sĩ Rococo người Pháp Antoine Callet vẽ chân dung Louis XVI trong bộ trang phục hoàng gia với những thớ vải tím xa hoa và sang trọng. Vào khoảng giữa năm 1880 và 1890, Wladyslaw Czachorski vẽ bức Lady in a Lilac Dress với hình ảnh một người phụ nữ đang diện một bộ đầm màu tử đinh hương sang trọng. Ở mặt khác, bức The Shepherdess bởi nghệ sĩ thuộc phái hàn lâm William-Adolphe Bouguereau lại chứa khung nền tím nhẹ nhàng, chuyển động nhịp nhàng với quần áo của cô gái chăn cừu. Bức The Angelus của Jean Francois Millet thuộc trường phái hiện thực lại vứt bỏ mọi quan niệm về giai cấp của màu tím, thay vào đó lại dùng những biến chuyển nhẹ nhàng của màu sắc này để phản ánh lại sự khó khăn của cuộc sống tầng lớp trung lưu và hạ lưu.

Mastering Color Series – The Psychology and Evolution of the Color PURPLE and its use in Photography

Từ thời tiền Raphaelite đến nghệ thuật trừu tượng

Bằng cách hòa trộn xanh coban với màu tím thiến thảo, những nghệ sĩ tiền raphaelite như John William Waterhouse đã đổ màu cho những bộ y phục màu tím đậm của người phụ nữ. Nhiều họa sĩ Ấn tượng lại dùng màu tím để phân cách bóng tối và chi tiết, với ví dụ điển hình là những bức tranh của Monet như Grainstack (Sunset), Waterloo Bridge, Blurred Sun hay Water Lilies (1919). Kể cả ở thời kỳ hậu Ấn tượng, màu tím vẫn đóng vai trò quan trọng, như được thấy trong bức A Sunday Afternoon on the Island of La Grande bởi Georges Seurat.

Sang phong trào Tượng trưng, màu tím lại có tính áp dụng đa dạng hơn. Trong những bức như Death and Life của Gustav Klimt hay The Cyclops bởi Odilon Redon, tím được dùng để đánh sáng chi tiết và tạo chiều sâu. Trường phái Dã thú sau đó lại đẩy sức mạnh gợi cảm của màu tím lên một tầng cao mới. Trong Woman with a Hat, Henri Matisse hòa quyện nhiều lớp sắc tím với nhau, tạo ra cảm giác sống động và rực rỡ. Với bức Woman in a Purple Coat, Matisse lại dùng sự nổi bật của màu tím để phân cách đối tượng với hậu cảnh xung quanh. Học theo nghệ thuật Ấn tượng, Andre Derain tô điểm cho những vùng bóng bằng những mảng tím tương phản trong bức Charing Cross Bridge, London. Còn Jean Puy lại dùng những đường tím uyển chuyển để tạo ra Strolling Through Pine Woods.

Bức Puberty của Edvard Munch lại có những nét tím xô lệch phản ánh lại mắt nhìn thế giới hiện đại hung dữ và cách biệt của nghệ thuật trường phái Biểu hiện. Những ví dụ điển hình của màu tím thuộc trường phái Lập thể là những bức của Picasso như Bowl of Fruit, Violin and Bottle và Claude, Son of Picasso. Nghệ thuật trừu tượng do không sử dụng những chủ thể dễ dàng xác nhận được lại dùng những mức độ màu tím khác nhau để khơi dậy cảm xúc từ người xem, với những ví dụ điển hình như Composition 8 (1923) của Vasily Kandinsky, Untitled (1957) bởi Franz Kline, Black Iris VI của Georgia O’Keeffe hay Purple,White and Red 1953 của Mark Rothko.

Mastering Color Series – The Psychology and Evolution of the Color PURPLE and its use in Photography

Màu tím trong nghệ thuật đương đại

Nhờ công nghệ sản xuất màu tiên tiến hiện đại, nghệ sĩ thời đại ngày nay dễ dàng tiếp cận được với màu tím hơn. Trong nghệ thuật đương đại, màu tím tượng trưng cho sự song hành giữa những lối sống hiện đại và lịch sử, phản ánh những giá trị xã hội và văn hóa của màu sắc qua năm tháng. Phong cách Vaporwave, không chỉ là một thể loại âm nhạc mà còn là một trào lưu nghệ thuật, dựa nhiều vào màu tím khi phát triển hình ảnh trên internet của nó. Được làm từ neon và hắc ín, bức You Zig I Zag của Dan Alva có nguồn gốc cảm hứng từ văn hóa đại chúng. Bức điêu khắc một máy khoan dầu của Monira Al Qadiri có màu xanh và tím óng ánh để minh họa cho quá trình công nghiệp sản xuất xăng dầu. Lori Hersberger dùng màu tím trong những tác phẩm điêu khắc và nghệ thuật sắp đặt của ông để khám phá những đặc tính của ánh sáng và khả năng biến hóa của màu sắc.

Mastering Color Series – The Psychology and Evolution of the Color PURPLE and its use in Photography

MÀU TÍM TRONG NHIẾP ẢNH

Mặc dù màu tím hiếm gặp hơn trong những khung cảnh thành thị và cả thiên nhiên, nó vẫn là màu sắc ưa thích của nhiều nhiếp ảnh gia. Cũng chính nhờ vẻ đẹp hiếm có khó tìm của màu tím nên màu sắc này thường hay được dùng trong những khung cảnh siêu thực, hiện đại và nhân tạo. David LaChapelle tận dụng màu tím để tạo ra sự tương phản mạnh để làm nổi bật sự vật hóa con người trong thế giới hiện đại. Khung cảnh Trung Hoa về đêm trong ảnh của Marilyn Mugot tràn ngập sắc đèn tím của thế giới đô thị, còn Maggie West lại tập trung nhiều hơn vào đặc tính vượt trần thế của màu tím trong những tác phẩm của cô. Sắc tím cũng được tận dụng trong những bức ảnh có tính thử nghiệm cao của Ellen Carey hay là trong những bức ảnh chụp hào quang của Christina Lonsdale.

Ngay cả những màu sắc ngoài vùng hiển thị với con người cũng có thể được khám phá bởi nhiếp ảnh. Có bước sóng dài hơn những màu sắc mắt người có thể nhìn được, những ánh sáng cận hồng ngoại (khác với tia hồng ngoại có khả năng tỏa nhiệt) nằm ngoài khả năng quan sát của con người. Tuy nhiên, nếu sử dụng film hồng ngoại, filter hồng ngoại hoặc máy ảnh đặc biệt, nhiếp ảnh gia có thể bắt được ánh sáng cận hồng ngoại mà khi tỏa ra từ rặng thực vật sẽ có màu tím mơ màng trên ảnh. Hiệu ứng này cũng có thể được tạo ra trong khâu hậu kỳ ảnh để tạo nên những khung cảnh ngoài hành tinh kỳ lạ bắt mắt.

Nhưng màu tím cũng có thể xuất hiện ngoài ý muốn dưới dạng những đường viền màu tím trong ảnh. Thường thấy trong những cạnh tối hoặc ngay gần vùng có ánh sáng trong ảnh, hiện tượng này bị gây ra bởi hiện tượng nhiễu xạ quang học của máy ảnh. Vì hiện tượng này thường xảy ra mạnh mẽ nhất ở những màu có bước sóng ngắn hơn, màu của nó thường là màu tím. Những cách để giảm thiểu vấn đề này có thể là chụp với filter cực tím, tránh để bị cháy highlight hoặc giảm khẩu khi chụp dưới điều kiện tương phản mạnh. Một giải pháp đơn giản để giảm thiểu nhiễu xạ quang học là xử lý khi hậu kỳ.

Mastering Color Series – The Psychology and Evolution of the Color PURPLE and its use in Photography

KẾT LUẬN

Xuyến suốt quá trình lịch sử của loài người, sắc tím đã phản ánh những đặc điểm đa dạng của những yếu tố thị giác trong cuộc sống. Là sự kết hợp hài hòa của màu đỏ và màu xanh dương, màu tím hấp thu những đặc tính của hai màu này, tạo ra sự hòa trộn giữa cái yên bình và cái nóng bỏng, sự yên tĩnh và sự biến động. Tỉ lệ thấp những vật màu tím trong thiên nhiên còn gắn cho màu sắc này những ý niệm về sự huyền bí và khác lạ.

Do bản chất khó tiếp cận, màu tím cũng trở thành biểu tượng cho địa vị, tiền tài và sự uy nghi. Nó còn đóng vai trò lớn trong tôn giáo và được gắn với sự giải phóng về tâm hồn và phép màu. Màu tím có năng lực thúc đẩy trí tưởng tượng và phản chiếu nội tâm. Với nhiều ý nghĩa sâu rộng đến như vậy, màu tím có thể liên hệ được với nhiều đối tượng khác nhau. Khơi dậy những cảm xúc trong thiên nhiên và cả cuộc sống, màu tím là một màu sắc có chiều sâu và linh hồn.

Credits:
Bài viết gốc bởi Megan Kennedy tại digital-photography-school.com
Dịch bởi Chimkudo Academy. Yêu cầu không trích dẫn khi chưa được sự đồng ý.

Bài viết Làm chủ màu sắc – Sức mạnh tâm lý và quá trình tiến hoá của màu tím đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Học chụp ảnh – Chụp ảnh sản phẩm – Chụp ảnh doanh nghiệp – ChimkudoPro.

Tháng Năm 2, 2020
Copyright 2014-2024 by © Học viện nhiếp ảnh thương mại Chimkudo Academy. All rights reserved.
G-9PLYN8GE4Z