Dạo một vòng các bài viết về kĩ thuật nói riêng và các post blog nói chung, nhận ra một điều rằng dường như chúng ta có quá ít lời động viên và khích lệ lẫn nhau ở các bình luận. Thói quen của chúng ta là xổ toẹt ra 1 câu chê bai….và thế là xong kiểu: “Mình thấy ý tưởng đấy bình thường”, “Chả có gì hay ho cả” hay tệ hơn còn văng tục chửi bậy “Viết như …ìn, thế mà cũng viết”…trong khi bản thân thì chưa chắc đã viết ra được như thế hoặc đơn giản hơn là chỉ cảm thấy nói ra 1 câu như thế là ta rất sang mồm, hơn đời…..
VN còn thua kém thế giới ở nhiều điều, chúng ta vẫn đang và sẽ là những người đi sau nhưng chỉ cần có lao động và cố gắng thì tất cả các nỗ lực đều nên được trân trọng. Chúng ta có thể đánh giá ca sĩ A sao hát giống Whitney thế, anh B học nhảy theo Jackson….ok nhưng đừng thóa mạ họ vì dẫu sao họ cũng đang học, đang lao động, có khi nhìn lại bản thân chúng ta còn chưa bằng họ. Chúng ta có thể cười khẩy 1 người khi đánh rơi chiếc bánh mỳ vừa mua xuống đường nhưng nếu biết rằng chỉ 1 năm trước, bác ấy vẫn còn nằm liệt trên giường sau cơn tai biến não thì sẽ chẳng còn ngồi đấy mà cười được nữa. Nếu chúng ta như thế, ta có thể tập và phục hồi sau 1 năm được như thế không ???
Nếu chúng ta, đã từng có lần làm việc với môi trường châu Âu, châu Mỹ…..thì mọi người phần lớn đều khẳng định là họ luôn được khích lệ để phấn đấu nhiều hơn từ những người đi trước. Chắc cũng chẳng có mấy giáo sư xổ toẹt vào những cố gắng của một sinh viên dù rằng còn ít và kết quả chưa đúng bằng những câu: “Cậu viết ra rác rưởi”, hay kiểu “Tôi thấy bài của cậu chả có giá trị gì”…. mà luôn luôn sẽ là: “A, bạn làm tốt lắm, tuy nhiên tôi thấy có phần này chúng ta cần thảo luận, có cái này tôi thấy có vẻ chưa hợp lý hoặc là tôi chưa hiểu ý của bạn…..v..v”. Là người đi trước hoặc là người có trình độ cao hơn, chúng ta luôn tìm cách để dè bỉu, hạ thấp người khác…..để tôn chúng ta lên, làm chúng ta trở nên có vẻ ở một trình độ cao hơn hẳn…..đáng tiếc hầu hết là không về lâu dài. Con người chẳng ai sinh ra đã tài giỏi, mỗi người đều cần có một quá trình cố gắng và luôn có nhu cầu được công nhận, được động viên, khích lệ.
Cũng bằng 1 câu nói góp ý nhưng nó thể hiện rất nhiều thứ về một con người. Thay vì trì triết, hạ thấp người khác, hãy chỉ ra cho họ cái còn chưa tốt, cái cần khắc phục, cái nên và không nên. “Ý kiến của bạn khá thú vị, tuy nhiên mình thấy rằng chỗ A, B, C chưa hợp lý, theo mình thì nó sẽ là D, E, F vì mình cũng đọc được nó ở chỗ X, Y, Z..” thay cho “Mình thấy bạn nói sai bét, chả có ý nghĩa gì cả…” – một kiểu bình luận vô cùng cực tả, bộc lộ bản chất yếu kém và ích kỉ của một con người.
Con người ta luôn sợ cho đi những cái đang có vì sợ người khác sẽ giỏi hơn mình. NHẦM. Cho đi sẽ là một hình thức nhận lại. Khi chúng ta đọc được một bài viết hay, có ích, chúng ta sẽ tri ân người viết bài đó một cách gián tiếp hay trực tiếp. Sự giúp đỡ người khác sẽ luôn được người khác tri ân lại, nó cho chúng ta lại nhiều thứ hơn là cái nhãn tiền khi chúng ta trì tiết một người khác mà không giúp họ tiến bộ lên. Hơn nữa, đừng lo sợ mất kiến thức vì xin lỗi, bạn cũng không phát minh ra nó mà cũng chỉ đi học từ người khác mà thôi. Nếu những người thầy của bạn cũng nghĩ như bạn thì bạn chẳng ngồi ở đây mà trì triết người khác được đâu. Thêm vào đó, chúng ta cũng nên biết rằng một người thầy truyền đạt kiến thức thành công 70% những gì người thầy biết cho học trò thì đã là một người thầy quá thành công. Đừng sợ cho đi kiến thức, hãy chia sẻ để nhận lại được nhiều hơn, đặc biệt thông qua các góp ý, chúng ta cũng sẽ dần hoàn thiện kiến thức của chính mình còn hơn là luôn nghĩ rằng những gì mình biết là đúng qua cái miệng giếng nhỏ bé.
Ai cũng cần “ăn cắp” kiến thức tới một trình độ nhất định rồi từ đó mới tự phát triển lên được, chẳng có nhà bác học nào không cần học cơ bản đã phát minh ra được. Nếu họ có phát minh ra điều gì đó nhưng giữ cho riêng mình thì XH này giờ đây vẫn chỉ ăn lông ở lỗ mà thôi và chẳng ai sẽ biết tới Newton, Einstein….cả, họ giữ cho riêng họ, và kiến thức cũng xuống mồ với họ.
Khích lệ và động viên con người, nên hay chăng ? NÊN.
0 responses on "Khích lệ và động viên - chúng ta có thiếu chăng ?"