Đây là một bài viết hay nói về cái tâm của người làm kinh doanh, thiết nghĩ cũng có những triết lý phù hợp để chúng ta có thể học hỏi. Người Hoa từ lâu đã được coi là một dân tộc thành công nhất trong kinh doanh và tính cách thích làm chủ, dù chỉ là một cửa tiệm tạp hóa nhỏ.
Bài này Chim sưu tầm ở tạp chí Esquire tháng 12/2013. Tác giả bài viết:PHÚC MINH.
Link gốc của bài viết mọi người đọc ở đây:
http://esquirevietnam.com.vn/magazine/readonline/40#page/48
——————-
Uy tín đáng giá nghìn vàng nhưng chúng ta thích lợi nhuận ngàn vàng hơn. Còn thương nhân người Hoa coi uy tín như mạng sống.
Tôi có anh bạn kinh doanh đồ gốm ở Chợ Lớn. Càng thân với anh, tôi càng nhận ra nhiều điểm chung giữa anh và những người Hoa thành đạt trong kinh doanh là kiệm lời, uy tín và đoàn kết. Người Việt được dạy bài học đoàn kết qua câu chuyện bó đũa, chiến tranh chống ngoại xâm, ca dao, tục ngữ….nhưng có vẻ như hết chiến tranh là mạnh ai người ấy sống. Các doanh nghiệp Việt đã nhỏ lẻ về qui mô lẫn tiềm lực nhưng lại luôn gầm ghè, đấu đá với nhau thay vì liên kết, hợp lực. Chúng ta nói nhiều, nói hay, kế hoạch to đùng không thiếu nhưng làm thì áng chừng, không tới đầu tới đũa và thiếu chuyên nghiệp. Trong giới kinh doanh đều hiểu doanh nghiệp Việt Nam giỏi nhất là đi vay vốn, thế chấp, lấy cái nọ cài vào đầu cái kia chồng chéo để tạo nên ma trận thế lực, tranh thủ kiếm được bao nhiêu tiền thì kiếm, tương lai hậu xét.
Trong thời buổi hội nhập kinh tế toàn cầu như hiện nay, người Việt mới bắt đầu học bài học về liên kết để tạo thành bức tường hợp lực đủ mạnh khi có sóng gió. Câu chuyện về “Nữ hoàng mỹ phẩm” Việt Nam bị hãng mẹ Nhật Bản hất cẳng chóng vánh bằng chiến thuật “tự làm thua lỗ – cá nhỏ ra đi”, hạ gục hoàn toàn hệ thống bán lẻ mỹ phẩm độc quyền mà nàng lập ra vẫn còn rất mới.
Người Việt rất thích chữ độc quyền, và ngay cả trong kinh doanh cũng thích hưởng lợi một mình hơn là san sẻ quyền lợi vì mục đích lâu dài. Trong khi đó, người Hoa cũng lớn lên với triết lý đoàn kết và họ vận dụng nóp trong mọi hành vi chứ không phải mớ lý thuyết suông.
Phường hội chính là thế lực
Nhắc tới người Hoa là nhắc tới phường hội hay xã đoàn. Chữ “phường” ở đây mang ý nghĩa là nơi tập hợp, sinh sống của những người làm cùng một nghề, cùng chung một lý tưởng hay lợi ích. Tập quán này đã có ở họ từ mấy nghìn năm trước, được ăn sâu và tích lũy truyền đời nên trở thành nền tảng.
Hầu hết người Hoa đều quả lý kinh doanh gia đình theo kiểu truyền thống. Việc kinh doanh thường được phát triển thành một mạng lưới để phân bố cho đại gia đình theo dạng cổ phần chéo để tạo sự ràng buộc lẫn nhau giữa các thành viên. Điều này tức là bảo mật kinh doanh ở mức cao nhất vì nó được đảm bảo từ hai yếu tố: huyết thống + lợi nhuận. Các thành viên gia đình chia sẻ trách nhiệm điều hành công ty và họ sẽ kết nạp thêm dâu rể hoặc con đỡ đầu, những người ngoại tộc mà họ tin tưởng nhất để bổ sung vào đại gia đình. Truyền thống này mạnh tới mức ngay cả các tổ chức tội phạm, xã hội đen như Hội Tam Hoàng hay các Băng đảng người Hoa trên khắp thế giới cũng vẫn đang còn vận dụng.
Ting Hsin International Group là một điển hình gần đây về sự thành công trong mô hình kinh doanh của người Hoa. Bốn anh em nhà họ vệ đều chỉ tốt nghiệp cấp trung học nhưng đã vận dụng mô hình kinh doanh kiểu gia đình để lập nên đế chế mỳ ăn liền lớn nhất Trung Quốc, vượt mặt cả tập đoàn Nestlé. Mô hình quản trị của họ như sau: Anh cả làm chủ tịch công ty – chịu trách nhiệm điều hành chung, người thứ 2 chịu trách nhiệm quản lý về quan hệ kinh doanh, người thứ 3 là phó chủ tịch chịu trách nhiệm quản lý tài chính, người em út làm marketing. Những quyết định kinh doanh thường được bàn ở bữa cơm gia đình nên rất bảo mật. ba người em đều tín cẩn, kính trọng anh cả nên mọi quyết định, chiến lược…đều dốc lòng, dốc sức thực hiện chu đáo.
Chúng ta có thể thấy trụ chính là người đứng đầu gia đình và họ thường không trực tiếp lãnh đạo kinh doanh, các chi tiết đều được phân xuống các chi dưới. Một trưởng phòng báo cáo thẳng lên chủ tịch mà không cần đi từng bước qua hệ thống điều hành. Họ chính là người mang trọng trách giữ gìn nồi cơm chung. Điều này thể hiện rõ nhất khi chuyển giao thế hệ quản lý phải đảm bảo quyền sở hữu và quản lý vẫn thuộc kiểm soát của gia đình.
Nhiều tập đoàn phương Tây cũng học hteo cách của người Hoa liên lết với những người cùng dòng tộc để mở rộng vòi bạch tuộc thâu tóm và chia sẻ quyền lợi với những người cùng huyết thống. Nhưng điều này rất khác biệt với việc o bế, cất nhắc “con ông cháu cha” của nhiều người Việt khi luôn giành quyền lợi cho người thân, bất chấp người thân đó chỉ là kẻ bất tài, ăn hại. Sự phá hoại từ nội bộ ngu dốt sẽ đẩy mọi thứ trượt dốc rất nhanh. Đối với người Hoa, những đứa con chịu khó làm ăn sẽ được giao tay hòm chìa khóa kinh doanh, những đứa ham chơi vẫn được thương yêu, cho tiền tiêu xài nhưng tuyệt nhiên không được tham gia kinh doanh. Điều này hết sức khác biệt.
Tự túc, uy tín và trọng danh dự
Doanh nghiệp Trung Hoa thường ít dựa vào các tổ chức bên ngoài như ngân hàng hay chủ nợ tư nhân dù có phải mưu sinh nơi đất khác. Họ thường tự lập, tự túc và linh hoạt khi liên kết với nhau. Trừ khi thua lỗ, người Hoa ít có hiểm hoạ vỡ nợ từ vốn vay ngân hàng.
Các doanh nghiệp muốn làm ăn trên thị trường Trung Quốc buộc phải chú ý đến khía cạnh văn hoá của gia đình. Giá trị của họ không định giá theo cách mà phương Tây vẫn làm, nó xa và rộng hơn những con số thống kê.
Câu nói nổi tiếng “Trong kinh doanh, chữ tín đứng hàng đầu” bắt nguồn từ người Hoa. Họ tuânthủ điều này như một lời thề thiêng, kẻ nào lạm dụng uy tín làm bậy hay thất tín với đối tác sẽ lập tức bị tẩy chay và triệt hạ.
Một điều dễ nhận thấy là doanh nghiệp Việt Nam thường bị mất uy tín nhanh. Khi chúng ta vừa ra mắt sản phẩm thì chất lượng rất tốt, giá thành cạnh tranh. Nhưng chỉ một vài năm, thậm chí vài tháng, nếu thành công thì giá thành sẽ lên từ từ và chất lượng giảm đi thấy rõ để sản xuất được nhiều hơn. Do đó, đứng trước thị trường cạnh tranh không còn được bảo hộ, bị nước ngoài chèn ép về giá thành lẫn uy tín là điều khó tránh khỏi. Bạn tôi là chủ của một cửa hàng cà-phê Ý, kể lại: “Dịp Tết năm ngoái, tôi cần thay nệm ghế để đầu năm kinh doanh cho may mắn nhưng gọi điện đến các cơ sở Việt Nam thì đều bị từ chối. Họ viện đủ cớ để không làm. Tuy nhiên, khi tôi thử gọi một cơ sở của người Hoa, ngay lập tực họ cho nhân viên đến tư vấn và làm, khiến tôi hết sức hài lòng. Họ cũng không tranh thủ gần Tết để tăng giá”.
Tôi thường ăn ở một số tiệm người Hoa tại Sài Gòn. Ít khi nào tôi thấy món ăn của họ chán đi hay đột nhiên tăng giá. Về giá cả kinh doanh, người Hoa luôn giữ uy tín. Họ đã chịu giá bán cho ai rồi thì dẫu giá cả biến động mạnh cỡ nào cũng bán theo giá đã thoả thuận.
Người Hoa rất sợ mang nợ và họ luôn sống theo phương châm ân đền oán trả. Bạn tôi có kể về anh K.L.T, chủ một sạp kinh doanh ở chợ Bình Tây, bị vỡ nợ nên sang Mỹ sinh sống. Sang Mỹ, anh dựng lại cơ nghiệp và tích cóp từng đồng gửi về Việt Nam trả nợ sòng phẳng. Vì dẫu có an toàn rồi nhưng lương tâm không cho phép họ thiếu nợ người khác và trở thành kẻ bất tín. Điều này còn bị cho là bất hiếu, làm nhục nhã dòng họ tổ tiên. Kinh doanh như người Hoa chỉ đơn giản là uy tín, đoàn kết và mỗi con người đều trọng danh dự. Nghề nào cũng có đạo là vậy.
Tập quán buôn bán của người Hoa như những mắt xích liền lạc với nhau đến khó tin. Hàng hoá giao dịch có lớn đến mấy cũng chỉ bảo đảm bằng những cuốn sổ tay và ít khi có ai bị “xù”. Gần cuối năm Âm lịch, các chủ doanh nghiệp thu hết nợ cũ phát sinh trong năm. Các nhà kinh doanh nhỏ phải thanh toán sạch nợ vì họ quan niệm để dây sang năm mới sẽ rất xui. Ai dây dưa trả nợ sẽ khó bề làm ăn trong năm tới vì sẽ chẳng ai chịu giao hàng hay bán hàng cho họ.
Một trong những điều tôi được chứng kiến ở khu Chợ Lớn là người làm và chủ rất có tôn ti, đúng đạo. Một ông chủ người Hoa sẽ không bao giờ lo người làm của mình học lỏm nghề của chủ rồi chuồn ra ngoài mở cơ sở làm ăn riêng. Đó là trái đạo. Người Hoa hiếm khi tham lam kinh doanh đa ngành đa nghề như doanh nghiệp Việt Nam. Với thương nhân người Hoa, lòng tham là thứ phải kiềm chế (đạo), chất lượng sản phẩm và uy tín, đạo nghĩa với đối tác là thứ phải luôn luôn đảm bảo và nâng cao (xử thế – đời).
0 responses on "Sưu tầm - Kinh doanh như người Hoa - Esquire magazine 12-2013"