fbpx
  • No products in the cart.

  • LOGIN

Bạn đáng giá bao nhiêu ?

Trong thế giới nhiếp ảnh chuyên nghiệp, giá trị của các tác phẩm dường như không phải lúc nào cũng đi đôi với ngân sách của khách hàng. Với tôi, tôi hiểu vấn đề này. Tôi cũng là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và tôi kiếm sống bằng việc chụp ảnh, và tất nhiên, không có khách hàng thì sẽ không có tôi. Vậy câu hỏi đặt ra mỗi khi có khách hàng liên hệ báo giá là:”Bạn đáng giá bao nhiêu ?”

Khi chúng ta bắt đầu chụp ảnh như là một sở thích, chúng ta được trả công bằng những lời khen có cánh. Chúng ta dành cả ngày để chụp, cả đêm để chỉnh sửa và cả chiều để đăng tác phẩm của mình. Tất cả đổi lại một hy vọng rằng ai đó sẽ thấy và thích những tác phẩm của chúng ta. Thậm chí nếu người đó chỉ là nút like trên Instagram từ thằng bạn thời cấp 3 mà bạn quen trong vòng 1 tuần, thì đó cũng là một chút phản hồi nho nhỏ giúp chúng ta tự tin hơn và có thêm động lực chụp hình. Chúng ta càng chụp thì càng nhận lại được nhiều thứ. Những feedback tích cực có thể không phải lúc nào cũng thật lòng, nhưng chắc chắn vẫn rất có ích trong việc khích lệ tinh thần chúng ta. 

Đến cuối cùng, chúng ta sẽ chạm tới cột mốc đủ cao nào đó để rồi một ngày đẹp trời bỗng dưng nhận được một email hỏi giá từ một người xa lạ không ngờ tới. Vì đây là lần đầu tiên được liên hệ nên khả năng cao là chúng ta sẽ không biết phải đưa ra giá như thế nào cho phù hợp. Các nhiếp ảnh gia thường ra giá bao nhiêu? 20k đô? 200k hay 2tr/ảnh? Không ai biết. Và thế là chúng ta chọn bừa một con số thấp hơn giá trung bình thị trường một chút và email lại. Chúng ta nghĩ rằng nếu có ra giá thấp hơn trung bình thị trường cũng không sao, vì đây mới chỉ là bước khởi đầu và không nên mong đợi nhiều làm gì. Tuy đây không phải số tiền lớn, nhưng ít nhất cũng là có gì đó. Nhỡ đâu còn đủ tiền để mua thêm một chiếc lens mà bạn hằng mong ước nếu bạn tìm hàng giá rẻ trên Nhattao thì sao. Tất nhiên là bạn sẽ nhận cái job đó. Tại sao không nhỉ? Có thể bạn không biết nhưng bạn vừa được đề nghị chụp hình với mức giá chỉ bằng 1/10 bất cứ nhiếp ảnh gia nào khác. Bạn không trả tiền sử dụng, tiền trước sản xuất hay tiền đăng sản phẩm. Bạn chỉ đơn giản là giao toàn bộ ảnh cho khách hàng mà không có bất cứ yêu cầu gì. Bạn bỏ ra 3 tuần đằng đẵng làm việc nhưng chỉ được trả tiền cho 4 giờ làm, thậm chí với một mức giá ưu đãi.

Nhiều năm sau, khi sự nghiệp của bạn đã khá khẩm hơn và mô hình kinh doanh của bạn bắt đầu được định hình, bạn sẽ nhìn lại khoảng thời gian đó và nhận ra bạn không chỉ bị trả giá thấp mà thậm chí còn bị lỗ trong phi vụ đó. Thời gian chính là tiền bạc và bạn đã đề xuất một số tiền quá ít so với đống thời gian mà bạn đã bỏ ra. 

Nếu như bạn thấy mình ở trong câu chuyện trên, đừng vội nghĩ đó là một sự xúc phạm. Hầu hết mọi nhiếp ảnh gia đều có một câu chuyện tương tự khi họ mới chân ướt chân ráo vào nghề. Và khi mà chúng ta dựa vào những cái likes trên mạng xã hội để kiếm tiền chi trả cho cuộc sống, chính là lúc chúng ta chạm tới giá trị tổng thể đang được mang đến cho khách hàng.

Tất nhiên không có điều gì đảm bảo là khách hàng sẽ hiểu giá trị đó của bạn. Bất kể bạn sẽ trở nên thành công đến mấy, thì cũng không có nghĩa là bạn sẽ không bị những khách hàng chỉ muốn giá trị tầm dưới trung bình tiếp cận. Không phải là họ có ác ý gì. Khách hàng không phải nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp nên làm sao họ có thể hiểu rõ được về các yếu tố tạo nên hình ảnh của bạn? Trong tưởng tượng của nhiều người, nhiếp ảnh gia chỉ đơn giản là dạo chơi cùng bạn bè trên bãi biển cả ngày, sau đó xuất hiện trước buổi chụp 5 phút, chụp vài bức ảnh lấy lệ và một bức ảnh đẹp đơn giản là nhờ có máy ảnh xịn, sau đó lại bay đi Phú Quốc để nghỉ dưỡng. Tất cả những gì khách hàng biết đứa bạn thân vừa mới thuê 01 bạn trẻ chụp một bộ 20 ảnh concept với giá chỉ 2tr và họ không hiểu tại sao họ phải trả 5tr cho việc chụp chiến một dịch quảng cáo khác của họ. Đều là chụp cả mà nhỉ ? Vây thì bạn đáng giá bao nhiêu ?

Ok, đó có thể hoàn toàn chỉ là sự phóng đại. Sự thật là bạn có thể nhận được rất nhiều email từ khách hàng tiềm năng mà không đánh giá sai giá trị của bạn hoặc chỉ đơn giản là không đủ ngân sách để đáp ứng đúng những gì bạn đưa ra. Và bởi vì chúng ta xuất phát điểm là những nhiếp ảnh gia dễ dàng cảm thấy vui khi có bất cứ ai thích tác phẩm của mình, cảm giác đó khó mà bỏ được, nên chúng ta có xu hướng nhận mọi job. Thậm chí nếu chúng ta bị hạ thấp giá trị, thì bộ não lại biện hộ với một suy nghĩ quen thuộc: “Thôi có còn hơn không!”

Bản thân tôi cũng không miễn dịch với việc này. Tôi cũng hoàn toàn là nạn nhân của suy nghĩ “có còn hơn không” này và đã làm rất nhiều việc không đáng làm chút nào. Mới gần đây, tôi đã được tiếp cận bởi một hãng thời trang tầm trung với yêu cầu chụp hình cho chiến dịch mới của họ, sau lần chiến dịch đã vô cùng thành công vài năm trước.

Tôi vẫn nhớ chiến dịch năm đó bởi 2 lý do. Thứ nhất là bởi tôi cảm thấy rất hài lòng với sản phẩm hoàn thiện. Và thứ hai, tôi đã phạm sai lầm nghiêm trọng là làm việc một mình mà không thèm đả động gì với nhà sản xuất của tôi. Trong khi tôi khá ổn với việc tự mình chụp những buổi chụp nhỏ mà từ đầu tôi đã lường trước là sẽ làm rồi, thì vấn đề của dự án nhanh chóng xuất hiện. Mới đầu tôi nghĩ buổi chụp sẽ chỉ kéo dài vài ngày, thế nhưng trên thực tế nó đã lên đến 3 tháng trời với vô vàn đêm thức trắng. Dù sao thì tôi vẫn làm được. Dự án vẫn thành công rực rỡ. Nhưng khâu thực hiện của nó khiến tôi có một kỷ niệm chẳng mấy vui vẻ, đến mức mà khi tôi nhận được email gần đây của họ về dự án mới, tôi lại thấy rùng mình.

Cũng bởi, tiền chỉ đơn giản là tiền, và tôi vẫn phải cân nhắc về việc tham gia dự án sắp tới. Nhưng khi tôi ngoảnh đầu nhìn lại vụ đấu thầu của mình vài năm trước để tạo ra một cái mới, khá là rõ ràng về việc tôi không chỉ đổ máu để triển khai công việc, mà tôi còn làm nó với một mức giá bèo đến nực cười. Tôi đã phạm sai lầm khi đánh giá sai khối lượng công việc cần làm. Tôi đã không giữ hợp đồng ở mức giá hợp lý. Và kể cả khi tôi kết thúc với việc đàm phán lại số tiền, thì tôi cũng không thể kiếm đủ để bù cho thời gian và công sức tôi đã bỏ ra. 

Đó thật sự là một sai lầm. Một sai lầm có thể hiểu được, nhưng không thể phạm mãi mãi được. Vì vậy, khi khách hàng đang mong đợi tôi quay trở lại với mức giá tương tự như dự án lần trước, tôi chắc chắn sẽ trả lời họ với một con số “thực tế” khác. Tôi tính cả tiền công của nhà sản xuất của tôi và cả những giờ làm việc mà tôi chắc chắn sau này sẽ phát sinh thêm để đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Tôi thẳng thắn ra giá mà không kèm theo bất cứ ưu đãi nào. Nói tóm lại, tôi đã cho họ thấy đầy đủ giá trị thực sự của tôi, thay vì chỉ đơn giản là chấp nhận những gì được đề xuất.

Đúng như tôi dự đoán, khách hàng không đồng ý. Tôi đã phạm sai lầm khi in vào đầu họ một mức giá không thể tuyệt hơn trong chiến dịch lần trước. Với khách hàng thì việc tôi bỗng dưng tăng giá khá là một kiểu “lừa đảo, phản bội”. Trong khi thực tế chỉ là tôi đã mắc lỗi trong việc ước tính giá vào lần trước. Thêm nữa là trong dự án đầu tiên, tôi có thể đã thuyết phục bản thân rằng “có còn hơn không” nên thành ra đến cuối cùng nó lại trở thành một trường hợp không bền vững chút nào. Vì vậy, mặc dù đây có thể là một khách hàng quen thuộc, nhưng khách hàng quen thuộc để làm gì nếu như việc này hạ thấp giá trị của tôi? Một ngày chỉ có 24 tiếng thôi. Và thời gian dành để làm việc với các khách hàng không thể chồng chéo lên nhau được. Nếu mà tôi cứ lãng phí thời gian như vậy thì cũng đồng nghĩa với việc lãng phí số tiền mà đáng lẽ tôi đã có thể kiếm được ở chỗ khác.

Vì vậy, để trả lời câu hỏi:”Bạn đáng giá bao nhiêu?” theo quan điểm “khiêm tốn” của mình, tôi cho rằng tiền bạc là vấn đề khó khăn nhất trong việc trở thành một nhiếp ảnh gia thương mại. Không giống như bán hàng khi mà sản phẩm nào cũng giống nhau, ở đây bạn sẽ phải “bán” những sản phẩm khác nhau cho các khách hàng khác nhau với mục đích và bối cảnh khác nhau. Cố gắng đánh thẳng vào giá trị thông qua những con số không phải là một việc dễ dàng gì. Bản chất luôn thay đổi của thị trường thậm chí còn khiến việc này trở nên khó khăn hơn. 

Dù sao thì việc khám phá và hiểu rõ giá trị của bạn, đồng thời truyền tải nó một cách có hiệu quả tới khách hàng là cách duy nhất để bạn có thể chạy đường dài một cách thành công trong sự nghiệp của mình. Một khi bạn đã xác định bản thân là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp rồi thì những nút “likes” sẽ không bao giờ là đủ. Chúng ta đều cúi đầu phục vụ khách hàng, nhưng chúng ta cũng cần hiểu rằng việc chiều lòng khách hàng đó cũng có giá trị của nó. Chúng ta đi xa hơn nhưng cũng nên nhớ chẳng có gì là miễn phí cả.

Khi bạn được tiếp cận bởi một khách hàng và người đó đề xuất cho bạn một công việc mà chưa đáp ứng giá trị thị trường của bạn, bạn cần phải xem xét kĩ tổng chi tiêu mà bạn sẽ phải bỏ ra cho công việc đó, kèm theo cả giá trị thời gian vàng bạc của bạn. Bạn cho đi những gì và nhận lại được gì? Bạn cần phải cân đo đong đếm từng lợi ích bạn cần để đạt được trên con đường phát triển sự nghiệp bền vững.

Và nếu công việc được đề xuất đó không đáp ứng, đôi khi bạn cũng nên từ chối, dù việc đó có chút đau lòng trong chốc lát. Nhưng về lâu về dài, việc giữ vững tiêu chuẩn của bạn mới là điều cần lưu tâm. Quan trọng hơn, bạn đã không trả một cái giá quá rẻ cho câu hỏi:”Bạn đáng giá bao nhiêu ?”.

Credit

Translated from fstoppers 
Bản quyền bài dịch thuộc về Học viện nhiếp ảnh Quảng cáo Chimkudo Academy
Không được trích dẫn toàn bộ hay một phần khi chưa có sự đồng ý

Bài viết Bạn đáng giá bao nhiêu ? đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Học chụp ảnh – Chụp ảnh sản phẩm – Chụp ảnh doanh nghiệp – ChimkudoPro.

Tháng Năm 2, 2020
Copyright 2014-2024 by © Học viện nhiếp ảnh thương mại Chimkudo Academy. All rights reserved.
G-9PLYN8GE4Z