Có thể trong chúng ta có nhiều người đã chụp ảnh từ khá lâu nhưng một số bạn vẫn còn chưa hiểu rõ hoặc chưa biết về định dạng ảnh RAW mà chỉ để mặc định ở định dạng JPG. Qua bài viết này, tôi sẽ chia sẻ đến các bạn những điều cơ bản về 2 định dạng ảnh chụp RAW và JPEG, cũng như biết cách ứng dụng phù hợp 2 định dạng này vào các trường hợp cụ thể. OK! Chúng ta bắt đầu nào.
2 chế độ định dạng RAW và JPEG – @nphoto.net
RAW là gì?
RAW trong tiếng Anh có nghĩa là thô, chưa qua xử lý. RAW trong nhiếp ảnh là một định dạng file ảnh, mà khi bạn chụp, máy ảnh sẽ lưu giữ tất cả dữ liệu hình ảnh một cách trung thực những gì được ghi lại bởi cảm biến máy ảnh (sensor). Chính vì điều này mà file RAW thường có dung lượng nặng. Tuy nhiên, chính vì file RAW lưu trữ toàn bộ thông tin mà cảm biến thu lại nên nó chứa rất nhiều chi tiết, giúp quá trình hậu kì dễ dàng và đạt chất lượng cao hơn(như cứu sáng, tối, thay đổi cân bằng trắng….)
Tuy nhiên, file RAW không thể mở bằng phần mềm xem ảnh thông thường, mà cần các phần mềm chuyên dụng như Lightroom, Photoshop, CaptureOne hay ACDSee Pro… File RAW cũng không thể đem up Facebook ngay được, mà phải dùng 1 trong các phần mềm trên để xuất ra một dạng file khác như JPEG, PNG, GIF… mới up lên được.
Mỗi hãng máy sẽ có phần đuôi mở rộng của file RAW của riêng mình. Ví dụ Canon là .CRW , .CR2 ; với Nikon là .NEF ….
JPEG là gì?
JPEG (tiếng Anh, viết tắt cho Joint Photographic Experts Group) là một trong những phương pháp nén ảnh hiệu quả, có tỷ lệ nén ảnh tới vài chục lần. Khi bạn chụp ảnh, máy ảnh sẽ chuyển các dữ liệu hình ảnh thô, xử lý, nén lại và tạo thành file ảnh JPEG. Nhờ nén ảnh, ảnh JPEG sẽ được nhẹ hơn so với ảnh gốc ban đầu, nhưng chất lượng ảnh cũng suy giảm đồng thời vì quá trình nén sẽ lược bỏ đi 1 số điểm ảnh ít quan trọng.
Hiện nay, JPEG cũng là định dạng file ảnh phổ biến nhất, hầu như tất cả các phần mềm xem ảnh đều đọc được loại file này. Đuôi mở rộng của JPEG có dạng .JPG hoặc .JPEG
Khi nào chụp RAW, khi nào thì chụp JPEG ?
Chụp RAW |
Chụp JPEG |
Khi bạn chụp với số lượng ít, yêu cầu cao về chất lượng ảnh, thì định dạng RAW là lựa chọn hoàn hảo cho bạn. | Khi bạn chụp với số lượng nhiều như chụp hội thảo, chụp phóng sự đám cưới, chụp lưu niệm mà không yêu cầu cao về chất lượng ảnh, chỉ cần lấy nhanh, có thể in ra, gửi đi ngay cho người khác xem được, thì JPEG là lựa chọn hàng đầu. |
Khi bạn thích hậu kỳ một cách tỉ mỉ rồi mới đưa lên mạng hoặc yêu cầu chất lượng ảnh cao nhất. Định dạng RAW cho nhiều tùy chọn chuyên nghiệp hơn trong khâu hậu kỳ, nhất là việc phục hồi những chi tiết bị (hơi) cháy sáng, hoặc bị (hơi) tối, cân bằng trắng….. | Khi bạn chưa quen hậu kỳ, hoặc cũng chẳng muốn hậu kỳ, bạn muốn đưa thẳng ảnh gốc lên Facebook, thì JPEG cũng đủ làm bạn thỏa mãn. |
Lưu ý
– Dù bạn chọn JPEG hay RAW, bạn vẫn cần tập setup máy, điều chỉnh ánh sáng, bố cục… ở mức hoàn hảo nhất. Điều này sẽ làm bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian trong khâu hậu kỳ. Ngay cả khi bạn phải hậu kỳ, bạn cũng sẽ rất ít thao tác, ít thời gian. Và kể cả bạn có chụp file RAW, thì một bức ảnh quá sáng, hay quá tối, nhìn mất hết chi tiết, thì cũng rất khó để xử lý lại thành ảnh đẹp, bất kể bạn có thông thạo Photoshop hay sử dụng phần mềm thông minh đến đâu. Hãy trở thành photographer giỏi thay vì một người hậu kỳ xuất sắc
– Bạn có thể chọn chế độ chụp RAW + JPEG, khi đó máy ảnh sẽ tạo đồng thời cho bạn cả file RAW cả file JPEG cho mỗi shoot chụp. Chế độ này vừa thuận lợi có file dễ hậu kỳ, vừa có file gốc để up/ gửi mail cho người khác xem ngay. Dĩ nhiên, thẻ nhớ của bạn phải đủ lớn để chọn chế độ này.
– Khi chụp ở RAW hay JPEG, hãy cố gắng chọn lưu ảnh ở kích cỡ lớn nhất có thể. Với kích thước ảnh lớn, bạn có thể cắt crop ảnh, hay phóng to ảnh, in ảnh khổ lớn, mà không sợ bị vỡ hình. Thêm nữa, thẻ nhớ bây giờ cũng khá rẻ, dung lượng lớn và tốc độ ghi cao, nên bạn có thể chụp được nhiều ảnh ở kích thước lớn. Vì vậy, chúng ta hãy chọn các hãng thẻ nhớ tên tuổi như Lexar, Sandisk, Toshiba…để có được chất lượng tốt nhất, tránh rủi ro hỏng hóc, đồng thời có được hiệu năng cao khi sử dụng.
Bản quyền bài viết © by ChimkudoPro – Expose yourself through the lens
Mọi trích dẫn phải đính kèm link gốc tới bài viết
Phản hồi gần đây