fbpx
  • No products in the cart.

  • LOGIN

Hiểu và sử dụng ánh sáng tự nhiên trong nhiếp ảnh

Một trong những bài học đầu tiên của mỗi nhiếp ảnh gia khi muốn nâng cao trình độ bản thân là phải để ý nhiều hơn đến ánh sáng. Đặc biệt là với ảnh phong cảnh, nhiều khi việc rình được điều kiện ánh sáng tự nhiên tốt còn quan trọng hơn cả việc lựa chọn chủ thể cho bức ảnh. Những loại ánh sáng tự nhiên khác nhau có thể đem đến những hiệu ứng hoàn toàn khác nhau, mặc dù chúng đều có một nguồn sáng chung. Để đạt được kiểu ánh sáng phù hợp với bố cục của bạn, bạn sẽ cần phải biết tính chất ánh sáng vào mỗi khung giờ và điều kiện thời tiết.

Ba yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến khả năng chiếu sáng của ánh sáng tự nhiên là: thời gian, góc chụp và thời tiết. Đầu tiên, chúng ta sẽ tìm hiểu về ánh sáng khi trời quang, sau đó sẽ đến những điều kiện cụ thể hơn.

TỔNG QUAN

Mặc dù mọi ánh sáng tự nhiên đều đến từ Mặt Trời, một vật đặt dưới ánh nắng lại được chiếu sáng bởi nhiều thành tố khác nhau:

Tùy thuộc theo thời gian trong ngày, cường độ của mỗi thành tố trên sẽ thay đổi, ảnh hưởng đến màu sắc và tính tương phản của bức ảnh. Chúng ta sẽ bắt đầu vào lúc giữa trưa (khi mặt trời lên cao nhất), và quan sát hiệu ứng ánh sáng thay đổi khi trời tối dần về lúc hoàng hôn (hoặc ngược lại từ hoàng hôn đến lúc bình minh).

Thời gian trong ngày: Càng xa 12h trưa, mặt trời sẽ càng ở gần đường chân trời. Điều này sẽ khiến độ tương phản thấp hơn, do ánh nắng phải đi qua nhiều lớp không gian hơn và dễ bị hắt từ mặt đất lên vật hơn là chiếu trực tiếp. Hơn nữa, bầu khí quyển có khả năng lọc bớt ánh sáng xanh trong ánh nắng, khiến màu sắc ánh sáng ấm hơn nói chung.

Điều kiện thời tiết: Bên cạnh mốc thời gian trong ngày, hình hài và đặc điểm của mây là yếu tố gây ảnh hưởng thứ nhì lên tính chất của ánh sáng tự nhiên. Mây có thể thay đổi sự tỉ lệ giữa lượng ánh nắng trực tiếp và ánh sáng bị tản qua khí quyển đến vật, từ đó quyết định một phần độ tương phản và nhiệt độ màu của nguồn sáng. Chúng ta sẽ đi sâu vào chủ để này hơn ở cuối bài viết.

ÁNH NẮNG GIỮA TRƯA NGÀY TRỜI QUANG

Ánh sáng tự nhiên lúc giữa trưa đa phần là ánh nắng chiếu thẳng trực tiếp từ trên xuống. Những tia nắng này ít khi bị tản qua bầu khí quyển, và cũng thường chiếu trực tiếp vào vật chứ ít khi bị hắt lại từ mặt đất. Điều này khiến cho ánh sáng vào thời điểm này gắt nhất và màu sắc cũng trung tính nhất trong ngày, vì vậy nhiều người có thể sẽ muốn tránh mốc thời gian giữa trưa.

Nhưng do lo ngại những đặc tính “tiêu cực” trên, nhiều nhiếp ảnh gia có thể sẽ bỏ lỡ những cơ hội chụp ảnh độc đáo. Vào thời điểm này, nước có thể hiện lên trong suốt hơn do ánh nắng có thể chiếu sâu hơn và mặt nước cũng ít phản chiếu trực tiếp ánh sáng hơn. Ngoài ra, một số bức ảnh chỉ có thể xảy ra trong khoảnh khắc, bất chấp việc ánh sáng có tối ưu hay không.

Bạn nên nhớ rằng màu sắc ảnh lúc này sẽ cảm giác hơi nhợt nhạt, và thường thì hướng bóng đổ từ trên xuống sẽ không thích hợp với ảnh chân dung, hoặc cũng có thể khiến cho những đối tượng khác nổi khối quá rõ. Nhiều nhiếp ảnh gia khuyến khích sử dụng polarizing filter (kính lọc phân cực) để cân bằng độ tương phản vì thường những thời điểm như thế này là lúc chúng có tác dụng nhất, nhưng nhược điểm là filter có thể khiến bầu trời trong ảnh tối và xanh một cách bất thường. Nếu bóng đổ quá gắt hoặc màu ảnh quá nhạt, bạn có thể thử chuyển sang chụp ảnh trắng đen để tận dụng được đặc tính tương phản cao của ánh sáng giữa trưa.

ÁNH SÁNG LÚC CHIỀU TÀ VÀ GIỮA BUỔI SÁNG

Ánh nắng lúc chiều tà và giữa sáng sẽ có màu hơi ấm hơn mà vẫn giữ được bóng đổ dễ thấy. Ánh sáng được chiếu từ một góc phía trên, khiến cho các đối tượng nổi rõ khối hơn. Điều kiện ánh sáng này cũng dễ dự đoán hơn so với ánh nắng lúc hoàng hôn và bình minh, phần lớn là vì khoảng thời gian này không quá phụ thuộc vào những yếu tố ngoại cảnh khác như núi non bao quanh hay vị trí các đường mây.

Ánh sáng lúc chiều tối và giữa sáng có lẽ là kiểu ánh sáng “chung chung” nhất: nó không có màu sắc trung tính như giữa trưa, nhưng cũng không kịch tính và rừng rực như buổi hoàng hôn. Nó ít gắt hơn và có góc chiếu sáng tốt hơn so với buổi trưa, nhưng cũng lại không mềm mại và tán rộng bằng ánh sáng lúc chạng vạng hay ánh sáng được tán qua mây. Những đặc tính trên giúp cho kiểu ánh sáng này phù hợp với nhiều kiểu ảnh khác nhau, nhưng cũng có thể khiến cho bức ảnh quá tầm thường, không đẩy mạnh được các đặc điểm của chủ thể.

GIỜ VÀNG, HOÀNG HÔN VÀ BÌNH MINH

Ánh sáng vào thời khắc ngay trước hoàng hôn hoặc ngay sau bình mình (hay còn gọi là “giờ vàng”) thường được coi là điều kiện ánh sáng lý tưởng để chụp ảnh. Ánh sáng giờ vàng có góc chiếu ngang tạo bóng đổ dài và phủ lên chủ thể những tia sáng ấm áp.

Hoàng hôn và bình minh cũng có thể đem lại những kiểu ánh sáng thú vị và đa dạng, đa phần là do ánh sáng những lúc này được ảnh hưởng mạnh mẽ bởi những thay đổi nhỏ trong thời tiết. Những tán mây sẽ được chiếu sáng từ bên dưới thay vì ánh sáng được tán mạnh từ phía trên, có khả năng tạo ra những bầu trời ấm áp và mềm mại.

Hoàng hôn và bình minh nhìn ngoài đời có thể rất rực rỡ, nhưng sự rực rỡ này có thể bị mất đi khi đưa vào ảnh chụp. Hãy đảm bảo rằng tính năng cân bằng trắng tự động của máy ảnh không giảm thiểu màu sắc ấm áp của khung cảnh, và độ bão hòa màu nên được thoải mái tự do hơn để tránh hiện tượng cháy màu. Những điều kiện ánh sáng kịch tính cũng thường là thủ phạm khiến cho máy ảnh đo sáng không chính xác nhất, vì vậy bạn nên chụp nhiều bức ảnh khác nhau hoặc sử dụng những chế độ đo sáng khác để đề phòng cho tình huống này.

So sánh hoàng hôn và bình minh: Mặc dù về mặt lý thuyết, ánh sáng ở hai thời điểm này hoàn toàn giống nhau, nhưng đặc điểm thời tiết có thể khiến chúng thường xuyên khác biệt và nhiều người có thể sẽ chọn một kiểu ưa thích của họ. Nhiều nhiếp ảnh gia cảm thấy họ có thể chuẩn bị sẵn sàng cho những bức ảnh lúc hoàng hôn hơn là lúc bình minh vì hiệu ứng ánh sáng sẽ dần dần tăng cao cho đến lúc hoàng hôn, còn đối với bình minh ánh sáng sẽ đạt mức đẹp nhất rồi dần dần giảm đi. Thêm nữa, việc thức dậy và chuẩn bị để chụp ảnh bình minh có thể gây khó khăn cho nhiều người, nhất là vào những tháng hè nóng nực. Mặc khác, những lúc sáng sớm sẽ không có nhiều người gây mất tập trung cho bạn, và cỏ cây cũng thường có những lớp sương sớm hoặc sương mù rất đặc trưng. Những bức ảnh bình minh cũng thường đem lại một cảm giác tĩnh tại và yên ắng, nhất là với những khung cảnh có nước, thường không bắt gặp được ở những bức ảnh hoàng hôn.

ÁNH SÁNG LÚC CHẠNG VẠNG

Chạng vạng, rạng đông hay hừng đông chỉ những thời khắc ngắn trước khi mặt trời mọc hoặc sau khi mặt trời lặn, khi trời vẫn sáng nhưng không có ánh sáng trực tiếp từ Mặt Trời. Nguồn sáng chính lúc này chính là toàn bộ bầu trời, với một bên đỏ và ấm còn bên còn lại chuyển lam nhẹ hoặc tím. Điều kiện này có thể đem lại thứ ánh sáng rất mềm mại và đa sắc, tạo một cảm giác rất yên bình cho bức ảnh.

Có lẽ nhược điểm lớn nhất của ánh sáng chạng vạng là tính tương phản thấp và lượng ánh sáng nhỏ. Vì vậy, người chụp chắc sẽ cần đến sự trợ giúp của chân máy, và chiều sâu của khung hình phụ thuộc vào việc dựng bố cục tốt hơn. Máy ảnh cũng có xu hướng đo thừa sáng đối với những bức ảnh chạng vạng do những đối tượng lúc này ít khi có màu trắng hẳn, và làm mất đi những màu sắc tinh tế mềm mại trong khung cảnh.

Alpenglow: Nếu bạn may mắn, bạn có thể sẽ bắt gặp hiện tượng alpenglow: một vệt ánh sáng đỏ hoặc hơi hồng nằm ngang đường chân trời đối diện với Mặt Trời đang lặn hoặc mọc, nhưng điều này không được chắc chắn. Alpenglow có thể đem lại cho bầu trời một sự ấm áp ngay cả khi mặt trời đã biến mất.

 

ÁNH SÁNG SẤP BÓNG HOẶC TÁN QUA MÂY

Ánh sáng sấp bóng hoặc tán qua mây thường rất dịu và có màu lạnh, vì lúc này nguồn sáng phân bố khắp cả bầu trời và không có ánh nắng trực tiếp. Bề mặt chất liệu hiện lên nhẹ nhàng hơn, và ánh sáng phản chiếu trên bề mặt các vật cũng sẽ yếu hơn. Màu sắc ánh sáng lúc này lại phụ thuộc nhiều vào ánh sáng hắt lại từ những đồ vật xung quanh, ví dụ như những vật đặt dưới bóng cây sẽ có màu hơi ám lục.

Rất nhiều nhiếp ảnh gia tránh xa điều kiện ánh sáng này, nhưng đó có thể là một sai lầm. Tùy thuộc vào độ che phủ của mây, ánh sáng tán mây nếu đủ mạnh sẽ rất thích hợp để chụp chân dung ngoài trời hoặc chụp động vật hoang dã (miễn là màu ảnh được cân bằng lại khi hậu kỳ), do ánh sáng lúc này không đổ bóng gắt lên khuôn mặt chủ thể. Ánh sáng tán mây cũng có thể cải thiện những bức ảnh chụp cận cảnh, ví dụ như chụp hoa, vì màu sắc thường sẽ lên ảnh đẹp hơn vào thời điểm này. Ngoài ra, kiểu ánh sáng dịu này cũng có thể thích hợp hơn với những chủ thể có tính tương phản tone cao như những vật có cả màu sáng và màu tối.

Một mẹo rất phổ biến khi chụp với ánh sáng tán mây là tránh đưa bầu trời xám xịt vào khung hình, tất nhiên là trừ khi bạn thấy bầu trời đó đem lại cảm xúc mạnh hoặc có chi tiết đẹp mắt. Cũng giống như với ánh sáng chạng vạng, bóng đổ rất êm vậy nên việc tạo chiều sâu cho khung hình có thể sẽ đem lại nhiều khó khăn hơn, hơn nữa lại còn không có màu sắc bắt mắt như lúc chạng vạng để bù lại. Những bức ảnh chưa chỉnh sửa sẽ ám xanh mạnh, vì vậy bạn nên chụp file RAW và điều chỉnh lại cân bằng trắng khi hậu kỳ. Thêm nữa, bạn có thể sử dụng các công cụ Curve và Levels nếu bạn muốn bức ảnh cuối cùng có tính tương phản cao hơn.

MỘT SỐ ĐIỀU KIỆN THỜI TIẾT ĐẶC BIỆT KHÁC

Thời tiết hoàn toàn có thể được coi là một tấm filter khổng lồ giữa Mặt Trời và chủ thể của bạn. Ở một bên, ánh sáng có thể rất ấm áp và tập trung vào một ngày trời quang mây tạnh. Ở bên còn lại, ánh sáng có thể vô cùng lạnh lẽo và bao phủ không gian vào một ngày trời nhiều mây. Độ dày và độ che lấp ánh sáng của mây sẽ quyết định mức độ hiệu ứng ánh sáng mà bạn có thể đạt được.

Khi trời có một chút mây, bạn có thể “vẽ sáng” cho khung cảnh nếu bạn kiên nhẫn chờ đợi thời khắc thích hợp. Mọi người thường sẽ bỏ lỡ những cơ hội như vậy, nhất là vào lúc giữa trưa.

Không chỉ vậy, thời tiết giông bão cũng có thể tạo ra kiểu ánh sáng tương phản mạnh vì mưa sẽ quét sạch bụi và sương khỏi bầu trời. Hoàng hôn sau cơn bão bao giờ cũng kịch tính nhất, một phần vì bầu trời có thể tối hơn cả mặt đất, tạo ra một sự tương phản mạnh giữa chủ thể được chiếu sáng với hậu cảnh xung quanh. Đây cũng là lúc mà bạn có thể dễ dàng bắt gặp cầu vồng.

Ánh sáng lúc chiều tối vào một ngày giông bão

“Vẽ sáng” có chọn lọc nhờ mây

Những điều kiện khác như mây mù hoặc sương mù sẽ không chỉ giảm lượng tương phản một cách rõ rệt, và còn làm mờ những đối tượng càng ở xa.

Credits:
Trích nguồn bài viết gốc tại: cambridgeincolour.com
Dịch và chú thích bởi Chimkudo Academy. Yêu cầu không trích dẫn khi chưa được sự đồng ý.

 

 

 

 

Bài viết Hiểu và sử dụng ánh sáng tự nhiên trong nhiếp ảnh đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Thư viện nhiếp ảnh sản phẩm, quảng cáo Chimkudo.

Tháng Sáu 9, 2020
Copyright 2014-2022 by © Học viện nhiếp ảnh thương mại Chimkudo Academy. All rights reserved.