fbpx
  • No products in the cart.

  • LOGIN

Không kiếm ra tiền từ nhiếp ảnh?

Khái niệm làm việc để đổi lấy “credit” không phải là mới, cũng như không phải độc nhất trong nhiếp ảnh. Nhưng, nhiếp ảnh lại là một ngành đôi khi bị đánh giá thấp khi nói đến chuyện tiền bạc. Có rất nhiều photographer ngoài kia thường xuyên phàn nàn rằng nào thì là giá chụp quá thấp, khách hàng khó tính, bị chèn ép từ các bên chụp miễn phí….và cuối cùng kết luận là không kiếm ra tiền từ nhiếp ảnh.

 Ở một thời điểm nào đó trong sự nghiệp nhiếp ảnh,không thể tránh khỏi những lời đề nghị làm việc để đổi lấy “credit”. Đơn giản thì nó là: “Chúng tôi sẽ credit cho bạn ở dưới tấm hình, bạn có được sự nổi tiếng, uy tín” Điều này xảy ra quá thường xuyên, và nó sẽ tiếp diễn mãi nếu chúng ta để cho họ làm vậy.

Khái niệm làm việc để đổi lấy “credit” không phải là mới, cũng như không phải độc nhất trong nhiếp ảnh. Đặc biệt là trong ngành công nghiệp sáng tạo, chúng ta sẽ rất hay gặp tình trạng này. Bạn có thể thấy được điều này khi dạo qua một vòng các group trên mạng xã hội, nơi các foto được các mẫu xinh đẹp yêu cầu chụp free, các designer được yêu cầu thiết kế free cùng lời hứa hẹn sẽ thêm 10 jobs khác sau đó….

Bạn càng muốn kiếm được tiền, khách hàng của bạn lại muốn tiết kiệm gấp đôi.

Tôi sẽ nói về một trải nghiệm của tôi, từ đó các bạn có thể rút ra được kinh nghiệm cho chính mình

Khoảng đầu năm nay, một brand nhắn tin trực tiếp cho tôi với yêu cầu sử dụng một hình ảnh của tôi. Họ yêu cầu được dùng nó trên những trang mạng xã hội. Thực ra brand này đã hỏi tôi một lần trước đó và lúc ấy, tôi đã đồng ý. Nhưng mà lần này thì khác. Họ muốn tôi làm việc với bộ phận marketing và xin email liên lạc. “Cuối cùng thì cũng được” tôi nghĩ. “Tôi sẽ có được hợp đồng với nhãn hàng mà tôi hằng mong ước. Còn lý do nào nữa mà tôi được làm việc với bên marketing của họ?” Hóa ra là, tôi đã nhầm.

Tôi liên lạc với bên đó và nhanh chóng nhận được câu trả lời. Thì ra, họ không muốn trả tiền cho việc sử dụng, mà chỉ nói rằng sẽ để tên tôi ở mục “credit.” Tới lúc ấy, tôi vẫn còn cân nhắc. Ý tôi là, có đến nửa triệu người theo dõi trang đó mà chỉ trên instagram thôi, thêm vào đó là hàng triệu khách hàng trên toàn thế giới. Vâng và tên công ty bắt đầu bằng chữ “T,” công ty này trị giá hàng tỉ. Tôi yêu cầu được xem hợp đồng, và tôi đã hoàn toàn đúng khi làm việc đó. Không kể đến việc bạn làm việc miễn phí hay không, hãy chắc rằng bạn đã đọc kĩ từng điều khoản trên hợp đồng, tôi tìm ra rằng họ không chỉ yêu cầu được sử dụng hình ảnh miễn phí, mà còn muốn dùng nó để quảng cáo, marketing, in ấn, làm phim, hoặc đem lên TV. Họ muốn tận dụng những hình ảnh đó vĩnh viễn, có hay không có “credit”. 

Sau khi cảm giác giận dữ ban đầu trôi qua, tôi trả lời email của họ và từ chối cho họ sử dụng hình ảnh của tôi. Đây là một quyết định rất khó khăn, vì tôi muốn làm việc với thương hiệu này kể từ khi bắt đầu chụp ảnh. Nhưng tôi cảm thấy bị phản bội. Họ đã gửi thêm một bản sao sửa đổi của hợp đồng cam kết chỉ sử dụng hình ảnh cho phương tiện truyền thông xã hội, nhưng tại thời điểm này, tôi không còn hứng thú nữa. Tôi đã không trả lời email tiếp theo.

Giờ thì bạn đã biết câu chuyện đằng sau bài viết này, tôi muốn nói thêm một chút về việc đổi công sức để lấy “credit” và xác định giá trị của bạn với tư cách là một nhiếp ảnh gia.

Tất cả mọi người đều là một phần của vấn đề này. Đúng, tất cả mọi người, từ người chuyên nghiệp tới người nghiệp dư, học sinh hay chỉ là một người mới toanh sở hữu một chiếc máy ảnh. Chỉ cần ngoài kia có một nhiếp ảnh gia làm việc miễn phí, thì mọi người khác sẽ không được trả công một cách xứng đáng. Đương nhiên, nếu bạn là một nhiếp ảnh gia tầm cỡ thế giới, có nhiều mối quan hệ giá trị thì điều này chẳng ảnh hưởng mấy. Giây phút mà bạn từ chối những lời đề nghị ấy, các công ty sẽ tìm kiếm người tiếp theo và khi có một người gật đầu, điều đó ngay lập tức làm giảm giá trị công việc của mọi người. Đây là điều khiến cho mọi công sức của bạn đổ bể; không có một giá trị nào cho những đồ miễn phí cả.

Vậy hãy nhìn xem “credit” cho bạn những gì. Theo như kinh nghiệm của tôi, “credit” là một số liệu khó theo dõi. Bạn sẽ chẳng nhìn thấy rõ “credit” biến thành gì. Tôi trưng bày tác phẩm của mình trên nhiều platform mạng xã hội, trang tin tức, website và blog. Chẳng cái nào kiếm cho tôi thêm khách hàng, những người mới tham gia workshop hoặc các hợp đồng khác. Như ở trên Instagram, ảnh của tôi được đăng lên những trang nổi tiếng, và ít nhất là tôi đã tăng được vài trăm follower. Chỉ là việc này không tạo ra tiền để trả cho những hóa đơn mà tôi có.

Chúng ta thường bị lừa rằng chúng ta nên làm việc để lấy được “credit” trước khi tạo dựng sự nghiệp, hay để thêm vào portfolio. Ý tưởng lỗi thời này là điều làm chết đi nhiều sự sáng tạo, không chỉ các nhiếp ảnh gia. Trong thế giới ngày nay, đơn giản là có quá nhiều nơi mà các công ty có thể nhận được sản phẩm miễn phí và cho đến khi tất cả chúng ta yêu cầu được trả tiền, những người trong chúng ta đang cố gắng kiếm sống sẽ phải vật lộn. Nó sẽ thay đổi toàn bộ hệ thống và mọi người trong đó để cải thiện mọi thứ.

Vài người trong số các bạn sẽ khẳng định rằng chẳng có điều gì sai khi làm việc để có đươc “credit.” Trước đây tôi cũng từng như vậy. Tuy nhiên, hãy chờ tới khi bạn làm việc cùng những nhãn hàng lớn và chuyển từ nhiếp ảnh nghiệp dư lên chuyên nghiệp. Đến lúc ấy thì bạn sẽ hiểu. Hoặc là hãy nghĩ về công việc hiện tại của bạn. Có thể nào bạn cứ “give away” hàng hóa mà vẫn duy trì kiếm sống được không, hy vọng một ngày nào đó, tất thảy những cái “credit” này sẽ hoàn lại giá trị?

Trớ trêu rằng, khi tôi đang viết bài viết này, tôi lại nhận được một lời đề nghị khác, lần này là một trong số những công ty mới và lớn nhất. Họ cũng muốn được dùng ảnh của tôi miễn phí với credit. Tôi trả lời họ một lời đề nghị mở rằng tôi sẽ cho phép họ sử dụng hình ảnh với một mức giá nhất định. Họ chưa từng trả lời email đó. 

Chẳng cần một bài viết hay một nhiếp ảnh gia nào để thay đổi suy nghĩ này cả. Tất cả mọi người đều cần thay đổi. Hiểu được giá trị của bức hình chính là bước đầu tiên. Nếu các công ty kiếm tiền từ bức hình của bạn, thì bạn cũng nên vậy, thế thôi. Có hàng tá cách để khảo giá. Có thể tham khảo các website hoặc lên Getty để tìm cho mình một cái giá tương đương..

Tôi đã dùng dấu ngoặc kép cho từ “credit” trong cả bài viết, vì tôi cảm giác như từ này đã dần trở thành một hình thức thanh toán. Những brands nghĩ rằng việc họ “credit” cho bạn đã là quá đủ để bù đắp cho những năm tháng học tập, hàng nghìn đô cho thiết bị và các khoản thanh toán khác.

Đây sẽ là vấn đề cuối cùng tôi muốn để bạn biết. Thứ bạn mua gần đây nhất là gì? Bạn thấy quảng cáo của chúng ở đâu? Tìm những mẫu thử của chúng ở đâu? Tôi cá là chúng không xuất hiện trên TV hay một cửa hàng nào cả, tôi biết chắc rằng bạn tìm thấy chúng trên internet. Vậy là các brands đang kiếm tiền dựa trên hình ảnh của bạn, và bạn nghĩ nên miễn phí cho các hình ảnh đó ?

Credit

Bài viết gốc từ Fstoppers
Dịch và chú giải bởi Học viện nhiếp ảnh Quảng cáo Chimkudo
Không trích dẫn khi chưa được sự đồng ý

Bài viết Không kiếm ra tiền từ nhiếp ảnh? đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Học chụp ảnh – Chụp ảnh sản phẩm – Chụp ảnh doanh nghiệp – ChimkudoPro.

Tháng Năm 2, 2020
Copyright 2014-2022 by © Học viện nhiếp ảnh thương mại Chimkudo Academy. All rights reserved.