Màu cam nằm giữa màu vàng và màu đỏ trên phổ màu. Cũng như hai màu này, màu cam cũng gắn bó lâu đời với lịch sử của nghệ thuật trực quan. Được Frank Sinatra gọi là “màu sắc vui tươi nhất”, màu cam đã có những ảnh hưởng như thế nào với con người từ thời kỳ tiền sử cho đến ngày nay?
SỨC MẠNH TÂM LÝ CỦA MÀU CAM
Với tên gọi giống như một loại hoa quả, từ “orange” có nguồn gốc ở tiếng Pháp cổ: “orenge”. Từ “orange” được sử dụng trong tiếng Anh lần đầu tiên từ những năm 1300, nhưng phải đến tận năm 1500 người ta mới dùng nó để chỉ màu sắc. Trước đó, sắc cam chỉ đơn thuần được gọi là màu vàng-đỏ.
Màu cam đặc trưng trong nhiều trái quả và các loại rau củ có được là nhờ những sắc tố hữu cơ carotene. Sự xuất hiện của màu cam trong thức ăn khiến cho màu cam được gắn với dinh dưỡng dồi dào, sự sảng khoái và năng lượng tuôn trào. Lá mùa thu cũng có chuyển cam do carotene, màu cam từ đó mà cũng mang ý nghĩa gắn liền với mùa thu, vẻ đẹp, sự rậm rịch chuẩn bị và sự đổi mới.
Màu cam gợi đến sự lạc quan, niềm hào hứng, vui thú và lòng người ấm áp. Màu sắc nổi bật của nó đem lại một cảm giác tự tin và sáng tạo. Do cũng xuất hiện trên ngọn lửa, màu cam còn có thể gắn với nhiệt độ và sự hủy hoại. Với đặc tính bắt mắt và tươi sáng, tone cam hay được sử dụng để chỉ dẫn phương hướng. Hơn nữa, vì màu cam là màu đối với màu xanh thiên thanh, nó trở thành màu sắc tương phản mạnh mẽ nhất với bầu trời xanh. Lý thuyết này được áp dụng vào thực tế với những thiết bị an toàn như thuyền bè, áo cứu hộ hay phao cứu hộ (còn được biết đến là có màu “cam an toàn”).
Ở những quốc gia Châu Âu và phương Tây, màu cam được gắn với thời điểm thu hoạch, sự bông đùa vui vẻ và tính cách hướng ngoại. Trong văn hóa Ấn, nó lại được coi là một màu sắc thiêng liêng có thể đem lại may mắn. Hai nước Nhật Bản và Trung Quốc lại dùng màu cam để ám chỉ lòng quả cảm, sự hạnh phúc và sức khỏe tốt. Những thầy tu theo đạo Phật Theravada và Hindu đều mặc áo choàng màu cam. Cam là màu quốc gia của xứ Hà Lan, nhưng ở nhiều nước Trung Đông, nó lại là màu của sự khóc thương.
QUÁ TRÌNH TIẾN HÓA CỦA MÀU CAM
Thổ hoàng
Lịch sử của màu cam bắt đầu với một loại thuốc màu mang tên “Thổ hoàng” (Ocher). Chất liệu này bắt nguồn từ một loại đất sét tự nhiên và có màu sắc trải dài từ vàng tới đỏ, cùng với hai loại bột màu khác là sienna và umber. Thành phần chính của thổ hoàng cam là đá limonit. Nhờ có đặc tính không bị bay màu của thổ hoàng, những bức tranh tối cổ trên hang đá vẫn giữ được sắc cam cho đến tận ngày nay. Chất liệu này vẫn được sử dụng trong nghệ thuật đương đại, cả với những hình thức nghệ thuật truyền thống đến những hình thức hiện đại.
Châu Sa (Vermilion)
Loại bột màu này được chế tạo từ đá chu sa nghiền và được con người sử dụng từ những năm 8000-7000 TCN. Bắt đầu được sản xuất nhân tạo từ thế kỷ 8, loại thuốc màu đỏ-cam này được giới họa sĩ sử dụng đến tận thế kỷ 19. Tuy nhiên, do có giá thành cao, khả năng giữ màu kém và độc tố cao nên Châu sa nhanh chóng bị thay thế bởi những loại thuốc tạo màu hiện đại như đỏ catmi.
Hùng hoàng (Realgar) và thư hoàng (orpiment)
Đá hùng hoàng là một khoáng chất sunfua asen màu cam-đỏ được sử dụng với mục đích nghệ thuật ở Ai Cập cổ đại, Trung Hoa, Ấn Độ và Trung Á. Được trọng dụng nhờ có màu sắc tươi đậm, vật liệu này thường xuất hiện nhiều nhất trong những mạch địa chất ở những vùng có nhiệt độ thấp. Mặc dù có hàm lượng độc tố cao nhưng hùng hoàng lại là loại thuốc cho tone cam thuần túy duy nhất cho đến sự ra đời của màu cam crôm hiện đại.
Thư hoàng cũng là một khoáng chất asen sunfua được tìm thấy ở những vị trí tương tự như hùng hoàng. Được dùng để làm ra một loại thuốc màu vàng cam, thư hoàng không thua kém gì hùng hoàng về lượng độc tố đến mức nó còn được sử dụng làm thuốc diệt ruồi hay để tẩm độc đầu mũi tên. Thư hoàng là một vật phẩm thương mại quan trọng của Đế quốc La Mã xưa, và được xay ra và sử dụng trong hội họa đến tận thế kỷ 19.
Cam crôm và Cam catmi
Vào năm 1917, nhà khoa học người Pháp Louis Vauquelin phát hiện ra một loại khoáng chất mới với tên gọi crocoit, sau này được sử dụng trong chế tạo loại thuốc màu cam crôm nhân tạo đầu tiên. Có màu sắc trải từ cam nhẹ đến cam tối, tone cam crôm là chất liệu tạo màu cam thuần túy đầu tiên của con người kể từ hùng hoàng. Mặc dù chất liệu này không còn được sản xuất nữa, chúng ta vẫn có thể bắt gặp nó trong bức Boating on the Siene của Renoir.
Một trong những sản phẩm phụ tạo ra trong quá trình sản xuất kẽm, Cadmium (Catmi) được tìm ra bởi Friedrich Stromeyer vào năm 1817. Khi ông đang nung nóng kẽm trong phòng thí nghiệm, Stromeyer quan sát được một mẫu kẽm cacbonat tạo ra một loại oxit sáng vàng. Ông ngay lập tức nhận ra ứng dụng của chất liệu mới này trong nghệ thuật, nhưng phải đến tận những năm 40 của thế kỷ 19 thì thuốc màu catmi mới được đưa vào sản xuất công nghiệp.
Giới họa sĩ thuộc trường phái Ấn tượng và hậu Ấn tượng nhanh chóng tiếp nhận cam catmi vào bảng màu của họ, nhưng sự khan hiếm của cadmium đặt nhiều hạn chế lên khả năng ứng dụng của loại màu này cho đến những năm 1920. Ngày nay, những thuốc màu như cam catmi trở thành tiêu chuẩn chung về tính ăn màu, khả năng đổ màu và khả năng giữ màu lâu.
MÀU CAM TRONG NGHỆ THUẬT TRỰC QUAN
Từ thời tiền sử đến thời tiền Raphaelite
Sắc cam tồn tại dai dẳng trong nghệ thuật xuyên suốt quá trình tiến hóa của loại người. Những bức vẽ người khắc trên đá bởi những nghệ sĩ thời kỳ Đồ Đá thường được tô thêm một lớp thổ hoàng. Sắc cam còn xuất hiện trên những bức tranh tinh xảo hay những chữ tượng hình của người Ai Cập cổ. Vào thời kỳ La Mã cổ đại, màu đỏ son vermilion được dùng để tô tranh bích họa, tô tượng hay trên mặt của những người chiến sĩ thắng trận trong những cuộc oanh tạc của người La Mã. Châu Sa còn được sử dụng ở Bắc và Nam Mỹ để trang trí những khu mộ, đồ gốm sứ, những bức tượng nhỏ cầm tay hay những bức tranh treo tường.
Người Trung cổ lại dùng những sắc cam khác nhau để tô màu những bản ghi chép. Dưới thời kỳ Phục Hưng, màu cam lại tô điểm những tấm rèm cửa uyển chuyển khiêu gợi trong tranh vẽ. Để tạo tính tương phản mạnh giữa vùng sáng và vùng tối, nghệ sĩ Baroque dùng màu cam để đánh sáng cho chi tiết và ánh sáng. Một ví dụ điển hình nằm trong bức The Abduction of Ganymede, Rembrandt đặt trọng tâm lên cậu bé Ganymede bằng cách đưa vào những tua chỉ sắc cam, tạo ra cảm giác chuyển động quán tính và sự kháng cự của nhân vật chính. Nghệ thuật thời rococo miêu tả khung cảnh cuộc sống khá giả trong những khung cảnh tươi tốt với những sắc cam nhẹ nhàng và êm ái. Cũng không thể không nhắc đến nước tóc cam đỏ của Elizabeth Siddal, người mẫu và vợ của họa sĩ Dante Gabriel Rossetti, từ lâu đã trở thành biểu tượng cho phòng trào nghệ thuật tiền raphaelite.
(Beata Beatrix – Dante Gabriel Rossetti)
Từ trường phái Ấn tượng đến Trừu tượng
Năm 1872, Claude Monet cho ra đời bức Impression, Sunrise. Bức tranh mang tên chứa phong trào nghệ thuật Ấn tượng với một Mặt trời cam sáng rực rải nắng lên khung cảnh xanh mờ ảo. Những nghệ sĩ hậu Ấn tượng như Paul Gauguin dùng những sắc cam bắt mắt để đổ màu nền, màu da và màu quần áo. Vincent van Gogh lại cân bằng hài hòa giữa những mảng và tím xanh dương sâu đậm với những ánh cam mạnh mẽ như để thay lời nói “không thể có màu xanh nếu không có vàng và cam.”
Trường phái Dã thú lại tin rằng màu sắc có thể sống cách biệt với thực tại. Bức Mountains at Collioure của André Derain lột tả một khung cảnh núi non với những mảng cam tương phản mạnh mẽ với màu xanh của trời và được tô điểm thêm những lớp màu xanh lá và hồng đậm. Edvard Munch thuộc trường phái Biểu hiện tận dụng tính linh động của màu cam để lan tỏa một cảm giác chật chội trong khung cảnh của ông. Sau này, những nghệ sĩ trừu tượng như Wassily Kandinsky và Robert Motherwell lại sử dụng sự náo nhiệt trong màu cam để tạo sự chuyển động và cảm xúc trong những bức tranh của họ.
Sắc cam trong nghệ thuật đương đại
Ứng dụng của màu sắc phát triển cùng với những giới hạn mới của nghệ thuật. Cam là một màu sắc dày đặc và có vai trò quan trọng trong nghệ thuật đương đại. Những người dân bản địa sinh sống trên hòn đảo Torres Strait có kho tàng nghệ thuật độc đáo với cả những bức tranh truyền thống lẫn hiện đại, trong đó màu cam thổ hoàng vẫn được họ sử dụng cho đến tận bây giờ.
Tác phẩm Orange Expansion của Wilhelm Roseneder dùng một khối cam lớn để phóng đại không gian cách biệt giữa nghệ thuật và khung cảnh của nó. Những trái cam được chồng thành hình kim tự tháp trong Soul City (Pyramid of Oranges) của Roelof Louw vẫy mời người đến xem lấy và thưởng thức những quả cam chín mọng của nó. Mỗi quả cam bị mất đi lại thay đổi hình dáng của tác phẩm cho đến khi nó bị tiêu thụ toàn bộ bởi những người tham gia triển lãm. Mirror (Pagan Gold to Orange to Pagan Gold) của Anish Kapoor là một tấm gương lõm lớn phản chiếu lại người nhìn qua những lớp màu cam và vàng được phủ lên nó, từ đó người xem như đang tái bộc lộ lại cái tôi thông qua vật chất. Nghệ sĩ Alexander Knox chọn cam làm màu chủ đạo cho tác phẩm Moth Ascending the Capital để bộc lộ năng lượng mạnh mẽ của loài bướm đêm khi cất cánh.
MÀU CAM TRONG NHIẾP ẢNH
Những ý nghĩa gắn với màu cam có thể đem lại sự sinh động trong nhiếp ảnh. Phóng viên ảnh Ozier Muhammad nhắc nhở người xem về sự khốc liệt của chiến tranh với bức ảnh Marines Move through Sandstorm. Sự dày đặc của sắc cam dù có tự nhiên nhưng vẫn có khả năng ngay lập tức xâm chiếm khung hình, tạo ra một cảm giác căng thẳng cực độ. Những bức hình của Martin Parr sử dụng những màu cam có độ bão hòa mạnh kèm với những góc chụp có đôi phần hơi tọc mạch để đặt con người và đồ vật làm những chủ thể đáng để nghiên cứu. Series …and of times của Uta Barth lưu lại vẻ đẹp của ánh sáng và sự chuyển động của thời gian, với một màu cam lan tỏa khắp căn phòng để tạo chiều sâu cho khung cảnh một cách nhẹ nhàng như trong mơ.
Là một điểm đến mơ ước của nhiều nhiếp ảnh gia, hẻm Antelope nằm ngay bên ngoài Page, Arizona là một kỳ quan thiên nhiên được giới nhiếp ảnh đặt biệt yêu mến. Những lớp màu cam ấm áp của hẻm núi này đã được vô số nhiếp ảnh gia trên mạng chụp lại. Tuy nhiên, điều này vẫn không ngăn cản những nhiếp ảnh gia khác kéo đến nơi đây để tự có được một bức ảnh chụp rặng đá sa thạch Navajo tuyệt đẹp này của riêng mình.
Ánh sáng tự nhiên vào lúc golden hour tràn ngập màu vàng và cam tạo điều kiện lý tưởng để chụp ảnh phong cảnh và chân dung. Thường thấy trong những ảnh thuộc thể loại “đan thép”, nhiếp ảnh gia có thể tạo ra những đường sáng cam rực rỡ chỉ với một vài công cụ bếp núc thông thường. Filter cam cũng rất phổ biến trong nhiếp ảnh trắng đen. Nằm giữa khả năng lọc màu mạnh của filter đỏ mà và sự nhẹ nhàng của filter vàng, filter cam có thể tăng một lượng tương phản vừa phải cho bức ảnh, làm tối bầu trời và đẩy mạnh hình khối của mây hơn. Hơn nữa, filter cam còn có chức năng tạo ra tone màu da ấm áp và mềm mại, giảm thiệu được tính hiển thị của những nốt tàn nhang và những mảng da không đồng đều.
KẾT LUẬN
Wassily Kandinsky từng nói: “Màu cam như màu đỏ nhưng được kéo gần với nhân loại hơn bởi sắc vàng.” Sắc cam tiếp năng lượng cho người xem, truyền tải những thông điệp về sự lạc quan, phấn khích và vui vẻ. Với khả năng hút thị giác mạnh, màu cam tỏa ra xúc cảm sống động và tô sáng cho những chi tiết. Nhờ xuất hiện nhiều trong thức ăn thức uống hàng ngày, tone cam còn truyền đi thông điệp về cung cấp dinh dưỡng và sự khỏe mạnh. Khi đối chiếu với tự nhiên, màu cam lại là màu của thời khắc chuyển mùa, của ngọn lửa và hơi ấm. Một màu sắc chứa đựng năng lượng bền bỉ và tác dụng mạnh mẽ, tone cam có thể ẩn chứa những cảm xúc mạnh mẽ. Sự xuất hiện dai dẳng của nó từ thời tiền sử cũng như sự linh hoạt của màu cam không chỉ truyền cảm hứng mà còn truyền năng lượng cho người xem.
Credits:
Bài viết gốc bởi Megan Kennedy tại digital-photography-school.com
Dịch bởi Học viện Nhiếp ảnh Quảng cáo Chimkudo Academy. Yêu cầu không trích dẫn khi chưa được sự đồng ý.
Bài viết Làm chủ màu sắc – Sức mạnh tâm lý và quá trình tiến hoá của màu cam đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Học chụp ảnh – Chụp ảnh sản phẩm – Chụp ảnh doanh nghiệp – ChimkudoPro.
Phản hồi gần đây