fbpx
  • No products in the cart.

  • LOGIN

Làm chủ màu sắc – Sức mạnh tâm lý và quá trình tiến hoá của màu xanh dương

Là một trong những màu cơ bản trong lý thuyết màu truyền thống cũng như là một trong ba thành phần chính của hệ màu RGB, sức mạnh lớn nhất của màu xanh dương là khả năng truyển tải những cảm xúc mạnh mẽ của con người. Vincent van Gough đã có câu: “Tôi sẽ không bao giờ chán ngắm nhìn bầu trời xanh.”, và quả thực, lòng đam mê màu xanh của Van Gough tiếp tục trở thành một phần thiết yếu trong những bức họa nổi tiếng nhất của ông. Trong bài viết ngày hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau nhìn lại quá trình tiến hóa của màu xanh dương trong lịch sử của ngành nghệ thuật trực quan cũng như ý nghĩa của nó đối với nhiếp ảnh.

Mastering Color Series - The Psychology and Evolution of the Color BLUE and its use in Photography

SỨC MẠNH TÂM LÝ CỦA MÀU XANH DƯƠNG

Là một trong những yếu tố cơ bản giúp con người nhận biết về thế giới xung quanh, màu sắc có ảnh hưởng sâu sắc lên tâm lý con người. Hiện tượng tán xạ Rayleigh giải thích rằng tại sao con người lại thấy bầu trời và nước biển có màu xanh, và từ đó liên hệ màu sắc này với những ý nghĩa liên quan đến những sự vật này trong thiên nhiên. Ví dụ như sự song hành lâu đời giữa bầu trời và biển cả tạo ra mối liên hệ giữa màu xanh và cảm giác về sự bền bỉ và sự tin tưởng. Mối tương quan giữa xanh dương và nước cũng hình thành ý niệm về sự sạch sẽ và sáng khoái nhưng cũng cả với nước mắt. Vậy nên khi nói ai đó đang “feeling blue” có nghĩa là nói họ đang cảm thấy buồn rầu.

Ánh sáng trong lành vào mùa đông hay là cả sắc xanh trong đá lạnh cũng làm con người liên tưởng đến cái lạnh khi nghĩ đến màu xanh. Bầu trời trong xanh thường tượng trưng cho sự vui vẻ, thư giãn và tĩnh tâm. Màu xanh trong ánh sáng mặt trời giúp điều hòa nhịp độ sinh học của cơ thể, có tác dụng làm giảm căng thẳng và tạo ra trạng thái bình tĩnh. Điều này được áp dụng vào cuộc sống rất nhiều: những bệnh viện và phòng khám thường được sơn màu xanh để giảm lo âu căng thẳng cho bệnh nhân, và nhiều loại thuốc cũng thường hay được đóng vỏ màu xanh.

Mastering Color Series - The Psychology and Evolution of the Color BLUE and its use in Photography

Văn hóa phương Tây thường gắn nam giới với màu xanh dương, mặc dù trong lịch sử không phải lúc nào cũng như vậy. Ở Trung Quốc, màu xanh lại được gắn với sự phục hồi, tĩnh tâm và sự bất tử.  Ở một số nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Hi Lạp và Albania, màu xanh được cho là có sức mạnh đẩy lùi cái ác. Văn hóa Hindu đặt màu xanh là biểu tượng cho thần Krishna, một vị thánh của tình yêu, đức hạnh và sự thần thánh. Không chỉ vậy, trong tiếng Đức, tiếng Thụy Điển và tiếng Na Uy, một người ngây thơ được gọi là một người nhìn đời bằng con mắt xanh biếc.

Image: Jodhpur – the blue city of India.

QUÁ TRÌNH TIẾN HÓA CỦA MÀU XANH

Xanh Ai Cập

Màu xanh Ai Cập được cho là chất liệu màu nhân tạo đầu tiên của loài người. Người Ai Cập cổ đã sản xuất ra màu xanh này bằng cách trộn một hỗn hợp đá vôi, cát và những khoảng chất chứa đồng ( như azurit và đá malachit). Hỗn hợp này sẽ được nung đến 1650 độ F (~899 độ C) để tạo ra một loại kính xanh trong. Vật liệu này sau đó sẽ được nghiền nát và kết hợp với những chất làm đặc khi đưa vào sử dụng.

Do có mối quan hệ mật thiết với dòng sông Nile và bầu trời, màu xanh Ai Cập được người Ai Cập cổ dùng để tô sơn tranh treo tường, tượng và đồ gốm sứ. Sau đó, nó được đưa đến những vùng đất Cận Đông, Đông Địa Trung Hải và cả kinh thành La Mã. Thuốc màu này còn được sử dụng xuyên suốt thời đại Cố và Greco-Roman. Tuy nhiên, xanh Ai Cập biến mất vào khoảng thế kỷ 4 sau Công Nguyên khi mà công thức chế tạo của nó bị lãng quên.

Mastering Color Series - The Psychology and Evolution of the Color BLUE and its use in Photography

Màu lam sẫm (Ultramarine)

Ngọc lưu ly bắt đầu được sử dụng làm chất tạo màu trong những bức tranh vào khoảng thế kỷ 6 và 7 sau Công Nguyên ở những ngôi đền Phật Giáo và Hỏa Giáo Afghanistan. Đến thể kỷ 14 và 15, những thương nhân người Ý bắt đầu nhập loại chất liệu này đến Châu Âu. Ở đây, nó mới mang cái tên “ultramarine” hay “ultramarinus” (theo tiếng Latinh có nghĩa là “vượt xa biển cả”).

Trong nhiều thế kỷ liên tiếp, giá của màu lam hải quân tương đương với giá vàng. Vậy nên những họa sĩ chỉ dùng nó trong những vùng quan trọng nhất của bức tranh. Chính sự sử dụng cẩn thận khôn khéo này đã đem lại cho màu xanh dương ý nghĩa về giai cấp địa vị.

Full title: The Virgin in Prayer Artist: Sassoferrato Date made: 1640-50 Source: http://www.nationalgalleryimages.co.uk/ Contact: picture.library@nationalgallery.co.uk Copyright © The National Gallery, London

(The Virgin in Prayer, Sassoferrato)

Ultramarine chỉ có mức giá mềm hơn khi Jean Baptiste Guimet phát hiện ra quy trình để sản xuất màu sắc này một cách nhân tạo vào năm 1828. Công cuộc sản xuất đại trà bắt đầu hai năm sau đó và chất liệu mới này bắt đầu có tên French ultramarine.

Xanh Coban

Vào thế kỷ 8 và 9, màu xanh coban được dùng để tô đồ sứ và trang sức ở Trung Quốc. Một chất liệu tương tự được làm từ oxit Nhôm sau đó được tìm ra bởi một nhà hóa học người Pháp mang tên Louis Jacques Thesnard vào năm 1802. Sau đó, chất liệu này cũng được đưa vào sản xuất cho tiêu dùng vào năm 1807 tại Pháp.

Nhờ đặc tính dễ ăn màu, ổn định và hòa trộn tốt với những loại màu khác, màu xanh này được những nghệ sĩ theo chủ nghĩa ấn tượng như Pierre-Auguste Renoir và Claude Monet nhanh chóng tiếp nhận để thay thế cho màu ultramarine đắt đỏ. Ở thời kỳ hậu Ấn Tượng, những nghệ sĩ như Vincent van Gogh và Paul Cezanne vẫn tiếp tục sử dụng xanh coban. Theo trang Musee d’Orsay, Van Gogh đã dùng một hỗn hợp xanh Phổ, xanh coban và ultramarine để tô dệt bầu trời đêm trong bức họa nổi tiếng Starry Night Over the Rhone. Chính Van Gogh cũng từng nói: “Coban là một thứ màu đến từ thiên đường và không có gì có thể sánh được nó khi tạo không gian cho bức tranh.”

Starry Night Over the Rhone.jpg

(Starry Night Over the Rhone – Vincent van Gogh)

Thiên Thanh (Cerulean)

Cerulean tiếng La tinh có nghĩa là “xanh da trời”. Ban đầu được làm từ hỗn hợp coban magiê stannate, màu thiên thanh ngày càng được hoàn thiện hơn bởi Andreas Höpfner tại Đức vào năm 1805. Nhưng phải đến năm 1860, chất liệu này mới được sử dụng với mục đích thương mại bởi tập đoàn Rowney and Company. Phải đến lúc này thì thứ màu nằm giữa xanh da trời và bầu trời đêm này mới được nghệ sĩ sử dụng rộng rãi.

Vào năm 1999, Pantone chính thức quyết định đặt Thiên Thanh là Màu của Thiên niên kỷ. Leatrice Eiseman, giám đốc điều hành của Học viện Pantone Color, khẳng định rằng: “.. xanh Thiên Thanh là có sức mạnh gợi đến hòa bình vì nó khiến bạn nhớ đến những phút giây thư giãn ngoài trời, trên bãi biển hay là gần mặt nước… sắc xanh đem lại cảm giác an toàn đến những nơi lạ lẫm cũng như bầu trời là vĩnh cửu… đó chính là yếu tố tin tưởng ở màu xanh.”

Lisa Herbert, Phó Giám đốc của tập đoàn Pantone tiếp thêm: “Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng màu xanh da trời là màu được ưa thích nhất trên toàn cầu, bất chấp giới tính, văn hóa hay nguồn gốc… Ở Mỹ và ở Châu Âu cũng như ở Châu Á. Chúng tôi chọn màu thiên thanh là màu của thiên niên kỷ cũng vì lòng mến yêu của nhân loại với nó.”

Image: Cerulean is the Latin word for sky blue

Xanh Phổ

Màu xanh Phổ ra đời hoàn toàn do một sai lầm ngẫu hứng. Vào khoảng năm 1706, nhà sản xuất thuốc màu Johann Jacob Diesbach đang trộn rệp son, sulfat sắt và kali để tạo màu hồ đỏ. Nhưng ông không hề hay biết rằng hỗn hợp kali của mình còn dính máu động vật. Sản phẩm thu được hóa ra lại là một trong những thuốc màu nhân tạo hiện đại đầu tiên, một thứ màu xanh đậm sâu nhanh chóng được giới nghệ sĩ tiếp nhận.

Giá cả phải chăng, dễ sản xuất, không độc hại và có màu sắc đậm đà, xanh Phổ nhanh chóng lan rộng trong thế giới nghệ thuật. Bức The Entombment of Christ của Pieter van der Werff là tác phẩm lâu đời nhất có sử dụng màu sắc này. Một vài ví dụ tiêu biểu khác bao gồm Pilgrimage of Cythera của Antoine Watteau hay những bức họa ở Berlin vào năm 1710 của Antoine Pesne.

Nghệ sĩ trên giấy gỗ Katsushika Hokusai cũng dùng xanh Phổ và xanh indigo trong tác phẩm Great Wave off Kanagawa. Vào năm 1842, khi thử nghiệm với xanh Phổ, nhà khoa học và chiêm tinh học người Anh Sir John Herschel đã phát minh ra công nghệ in màu cyanotype.

Xanh Klein (International Klein Blue)

Internaltional Klein Blue (IKB) là một màu xanh đậm phát triển dưới tay nghệ sĩ người Pháp Yves Klein và Edouard Adam, một nhà buôn sơn người Ba Lê. Klein đã nén chất liệu ultramarine trong một loại nhựa mờ nhân tạo chiết xuất từ dầu hỏa. Màu xanh đậm này nhờ thế mà có thể dễ dàng tô lên mà không mất đi tính tươi sáng. Những tác phẩm của Klein sau này, từ những bức đơn màu đến những màn trình diễn công phu, đều có đặc trưng nổi bật nhờ sử dụng chất liệu màu này.

(Untitled Blue – Yves Klein)

Xanh YInMn

Cũng như xanh Phổ, xanh YInMn (Yin Min) cũng ra đời một cách bất ngờ. Tại trường đại học Oregon State vào năm 2009, giáo sư Mas Subramanian với một người sinh viên của mình, Andrew E. Smith, đang nghiên cứu những chất liệu mới để dùng trong sản xuất đồ điện tử. Hai người đang thử nghiệm với những đặc tính của oxit mangan bằng cách đun nóng nó đến xấp xỉ 2000 độ F, sản phẩm thu lại từ lò thiêu bất ngờ thay lại là một hợp chất có màu xanh bắt mắt. Lấy tên từ những hóa chất thành phần của nó (yttrium, indium và mangan), xanh YInMn được thương mại hóa vào tháng 6 2016. Công ty sản xuất sơn Derivan nói rằng xan YInMn “không có độc mà lại có khả năng lưu trữ hoàn hảo.”

Mastering Color Series - The Psychology and Evolution of the Color BLUE and its use in Photography

MÀU XANH DƯƠNG TRONG NGHỆ THUẬT TRỰC QUAN

Từ nghệ thuật cổ đại đến thời kỳ Phục hưng

Màu xanh dương đã gắn bó với lịch sử nghệ thuật từ rất lâu. Người Ai Cập cổ trang trí những bức họa và lăng tẩm của họ với nhiều sắc xanh khác nhau. Những bức bích họa vẽ trời xanh cũng xuất hiện nhiều ở những tòa biệt thự La Mã cổ ở Pompeii. Những nghệ sĩ Hi Lạp cũng từng dùng màu xanh để làm màu nền cho những tác phẩm điêu khắc trang trí cho những ngôi đền Hi Lạp hay để tô màu râu của những bức tượng.

Màu lam đậm cũng được sử dụng rộng rãi để trang trí nhà thờ dưới thời Đế quốc Đông La Mã. Nghệ thuật thời này cũng xây dựng hình ảnh Chúa Trời và Đức mẹ Mary trong trang phục xanh đậm và tím. Những viên gạch xanh đậm và xanh lam cũng được sử dụng để tô điểm cho những giáo đường và cung điện từ Tây Ban Nha đến Trung Á.

Ở Châu Âu, vào thời kỳ đầu của giai đoạn Trung Cổ, màu xanh lại có vai trò ít quan trọng hơn những màu sắc khác. Tuy nhiên, vào thế kỷ 12, những họa sĩ Ý nói riêng và Châu Âu nói chung đều được Giáo Hội La Mã yêu cầu sơn màu áo choàng của Đức mẹ Mary với màu lam ultramarine cao sang. Màu áo mới của Đức Mẹ Đồng Trinh khiến cho màu xanh về sau được gắn với sự thiêng liêng, đức tính khiêm tốn và đức hạnh.

Dưới thời kỳ Phục Hưng, nghệ sĩ bắt đầu tô vẽ những khung cảnh gần với đời sống hơn, pha trộn những sắc xanh với màu trắng chì để tạo sự chuyển vùng sáng tối. Trong hai bức Noli me Tangere và Bacchus and Ariadne của Titian, ông đã chồng lớp những màu xanh khác nhau để tạo chiều sâu và tính kịch. Ở một ví dụ khác, bức Madonna of the Meadow của Raphael lại thêu dệt hình ảnh Mary đang mặc một chiếc váy đỏ bao quanh bởi một lớp áo choàng xanh sẫm, khiến bà nổi bật hơn giữa khung cảnh nâu của đồng cỏ và xanh sáng của bầu trời.

Từ thời Rococo đến nghệ thuật đương đại

Phong trào Rococo phô bày hình ảnh thánh thần và cuộc sống gia đình thoải mái của tầng lớp thượng lưu với những màu xanh pastel trong những khung cảnh xanh đậm màu hơn. Những nghệ sĩ theo chủ nghĩa Lãng mạn lại dùng màu xanh chủ yếu để truyền tải những xúc cảm căng thẳng đến tột cùng, còn những nghệ sĩ theo trường phái Ấn tượng như Claude Monet lại dùng màu xanh để nghiên cứu về ánh sáng và tính động ở những khung cảnh cả tự nhiên và nhân tạo.

Bức Dance của nghệ sĩ tiên phong trường phái dã thú Henri Matisse lại có hình ảnh những thân hình khỏa thân đang tạo vòng tròn dưới một bầu trời xanh đậm, màu xanh ở đây được dùng để nhấn mạnh hơn là chỉ để mang tính tượng trưng. Van Gogh dùng những sắc xanh và vàng linh động để tô màu trời trong bức Starry Night của ông. Pablo Picasso thuộc trường phái lập thể lại thường xuyên dùng xanh Phổ gần như định hình cho Blue Period của ông, trong khi những nghệ sĩ Siêu thực dùng màu xanh để vừa dẫn hướng và đánh mất phương hướng của người xem.

Bắt đầu từ thế kỷ 20, nghệ thuật bắt đầu gỡ bỏ những khuôn mẫu về hiện thực. Nghệ sĩ ở thời đại này cũng bắt đầu dùng màu sắc làm phương tiện để truyền tải cảm xúc. Điển hình là trong trường phía Biểu hiện trừu tượng, bức Blue Poles của Jackson Pollocks đưa vào những đường đen hỗn loạn, những điểm màu lục, cam, trắng, vàng và xám được kiềm chế lại bởi 9 đường dọc màu xanh dương. Cả Mark Rothko và Barnett Newman đều có nhiều lần thử nghiệm với màu xanh dương làm công cụ để kéo dài phạm vi của khung tranh. Trong khi đó, những mảng xanh tối của Frankenthaler lại nhấn mạnh vào gây cảm giác không gian vừa phẳng vừa ba chiều.

Với sự ra đời của những công nghệ hiện đại và những chất liệu mới, nghệ thuật đương đại có những màu xanh đậm và đa dạng hơn. Công trình pha lê Seizure của Roger Hiorn biến đổi không gian bằng màu sắc, ánh sáng và hóa học. Tác phẩm Hahn/Cock của Katharina Fritsch thách thức định nghĩa về kích thước và mối liên hệ của loài người với động vật. Anish Kapoor lại thay đổi góc nhìn của con người về khung cảnh thành thị thông qua góc nhìn của một tấm gương màu lam khổng lồ.

MÀU XANH DƯƠNG TRONG NHIẾP ẢNH

Bắt nguồn từ thiên nhiên và nghệ thuật, những ý nghĩa đằng sau màu xanh cũng đóng một vai trò thiết yếu trong việc truyền tải thế giới tự nhiên thông qua nhiếp ảnh. Luigi Ghirri có những khám phá mới lạ về mối quan hệ giữa hình khối và không gian bằng cách đưa những mảng trời xanh vào những bức ảnh của mình. Martin Parr dùng những màu xanh dương bắt mắt để tạo ra một sự đối nghịch tương quan giữa chủ thể, đối tượng và khung cảnh. Bill Henson tận dụng những mảng xanh trong ảnh của ông để xây dựng một không gian đầy kịch tính. Ảnh của David Burdeny lại có những chân trời màu xanh rực rỡ để làm nổi bật hơn chất liệu của những khung cảnh trừu tượng được chụp. Trong khi Gregory Crewdson và Didier Massard lại dùng sắc xanh để biểu thị thời gian, địa điểm và không gian bao chùm những bức ảnh của họ.

Traveller Trees,2015 © Didier Massard

(Traveller Trees – Didier Massard)

Màu xanh dương còn có nhiều ứng dụng khác trong nhiếp ảnh. Blue hour, khoảng thời gian kéo dài ngay sau hoàng hôn và ngay trước lúc bình minh, là lúc ánh sáng mặt trời còn đọng lại phát ra một thứ ánh sáng màu xanh. Ánh sáng này được ưa dùng trong ảnh chân dung và phong cảnh nhờ đặc tính mềm dịu của nó. Thêm nữa, những filter xanh dương (có thể gắn lên camera hoặc khi hậu kỳ) hay được dùng trong nhiếp ảnh đen trắng để tăng cao cảm giác sương mù mờ mịt.

Mastering Color Series - The Psychology and Evolution of the Color BLUE and its use in Photography

KẾT LUẬN

Yeves Klein có câu: “Màu xanh dương vô chiều vô khối, nó vượt xa không gian ba chiều.” Qua bao năm tháng, màu xanh đã truyền tải những thông điệp khó nói nên lời, khắc sâu vào thế giới tinh thần và định nghĩa bản thân của con người. Được gắn với thiên nhiên, sự tĩnh tại, sự cao quý, thuần khiết, niềm tin và nối buồn, sắc xanh có thể gói gọn những gánh nặng cảm xúc và sự tồn tại của con người.

Credits:
Bài viết gốc bởi Megan Kennedy tại digital-photography-school.com
Dịch bởi Học viện Nhiếp ảnh Quảng Cáo Chimkudo Academy. Yêu cầu không trích dẫn khi chưa được sự đồng ý.

Bài viết Làm chủ màu sắc – Sức mạnh tâm lý và quá trình tiến hoá của màu xanh dương đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Học chụp ảnh – Chụp ảnh sản phẩm – Chụp ảnh doanh nghiệp – ChimkudoPro.

Tháng Năm 2, 2020
Copyright 2014-2024 by © Học viện nhiếp ảnh thương mại Chimkudo Academy. All rights reserved.
G-9PLYN8GE4Z