fbpx
  • No products in the cart.

  • LOGIN

Làm nghề ảnh trong thời đại truyền thông mạng xã hội

Sau khi đặt mình vào một lĩnh vực mới lạ khác vào tuần trước, tôi bắt đầu suy ngẫm về tương lai của ngành nhiếp ảnh, làm nghề ảnh và các bước cần thiết để bảo vệ ngành mà chúng ta yêu thích trong thời đại truyền thông rầm rộ ngày nay. Tối hôm nọ khi tôi có tới dự tiệc quảng bá cho một nhãn hàng có tiếng trong giới fitness. Không hẳn là tên tuổi nổi bật nhất trên thị trường, nhưng đủ để thuê những cơ sở bán lẻ khá sang trọng tại những quận có giá thành cao ở những thành phố lớn, với mục đích phát triển mạnh. Một công ty đang trên đà phát triển cùng dòng sản phẩm cao cấp. Lướt mắt qua kệ, tôi chú ý ngay một chiếc quần bó có giá $130.

Tôi cũng không rõ lý do tại sao mình lại được mời tới bữa tiệc này. Tôi là nhiếp ảnh gia thương mại trong mảng fitness cũng như quần áo thể thao. Vài năm nay tôi đã cố tìm kiếm một hợp đồng với công ty này. Tôi đã gửi đến họ những mẩu quảng cáo và những cuộc điện thoại “chào hàng”. Tôi thích nhãn hàng này và mong chờ một hợp đồng. Nhưng lời mời này dường như chẳng phải là một “cuộc trao đổi công việc” nào cả. Tôi ở đó hoàn toàn như một vị khách mời.

Họ đã tặng ngay một lớp thể dục miễn phí và và một coupon nho nhỏ tại một trong những cửa hàng của họ, trong một studio về fitness ngay tầng trên mà tôi chẳng hề hay biết đến sự tồn tại. Là một tín đồ thể dục , vì vậy quá khó để bỏ qua lời để nghị được “đổ mồ hôi” miễn phí này. Tôi cũng nhận ra có lẽ tôi nên giao lưu một chút, vô tình có chủ đích đưa tên và chuyên ngành của tôi của vào mọi cuộc trò chuyện để biết đâu, những thông tin ấy lại tiếp cận đến ngay những người cần chúng.

Tôi thực sự không biết phải mong đợi điều gì và lời mời này có chút mơ hồ. Nhưng hôm đó là một tối thứ Năm, và mạng nhà tôi (tất nhiên là cả Netflix nữa) chập chờn, nên những lựa chọn còn lại của tôi là đào bới đống DVD cũ hoặc ra ngoài để tìm chút cảm giác lạ. Và tôi đã chọn vế sau.

Sau khi đã biết chắc chắn rằng tên mình có trong danh sách khách mời, tôi lên cầu thang, tìm đến nơi tiếp đón khách. Căn phòng đầy những người tìm kiếm và nghiền ngẫm những sản phẩm, cũng như là những nhà phân phối tổ chức sự kiện. Đồ miễn phí ở khắp nơi, bao gồm một bộ đồ tập mới toanh với tên tôi trên đó, đã được chuẩn bị tại phòng thay đồ được chỉ định. Bộ đồ mới này là quyết định nâng tầm những bộ đồ tập tự-phối của tôi tại nhà, nhìn thì được đấy nhưng mang lên sàn diễn thì còn xa lắm.

Khi bước ra khỏi phòng thử đồ để bắt đầu gặp gỡ và nói chuyện, ngay lập tức tôi gặp hai vấn đề. Trước hết là, phòng thử đồ toàn là phụ nữ. Và trong khi tôi nghĩ không nên ngó lơ hết tất cả mọi người, tôi không thể bỏ qua sự thật là mọi người trong cửa hàng (trừ tôi) đều rất ăn ảnh. Có bao giờ bạn chú ý đến phần nền bổ sung trong một bộ phim Hollywood với miêu tả là “có thật” ngoài đời và tự hỏi liệu đạo diễn casting chỉ đơn giản ghé qua công ty người mẫu ở địa phương và yêu cầu xem danh sách người mẫu họ có không? Chà, đương nhiên là những cảnh ấy có thật ngoài đời, và tôi thì vừa chứng kiến một cảnh. Cũng khó mà bỏ qua được sự mất cân đối giới tính ở đấy, ngoài anh chàng nhân viên ở cửa hàng, tôi là người đàn ông duy nhất hiện diện tại bữa tiệc này.

Và đúng thế, tôi sẽ ghi nhận bản thân vì điều này, là người đàn ông duy nhất trong căn phòng đầy những người phụ nữ xinh đẹp không hẳn là hình dung của tôi về một ngày tồi tệ. Dù cũng có đôi lúc tôi tự hỏi có đúng không khi mà mình được mời tới bữa tiệc này hay công ty đã nhầm một cô Christina nào đó thành tên tôi, Christopher,khi họ làm danh sách khách mời.

Thêm nữa, cũng kì lạ khi là người đàn ông duy nhất ở cùng phòng với những cô gái nóng bỏng cùng quần bó mà không tự nghĩ rằng các cô ấy đang cho rằng tôi là một kẻ biến thái nhìn chằm chằm vào gái đẹp. Tôi biết chắc đó không phải trường hợp của tôi. Tôi ở đó để tập luyện, cũng như giao lưu, chứ đâu phải để săm soi. Nhưng vẫn khá ngại ngùng trong những giây phút đầu, cố giữ đôi mắt mình cố định trên trần nhà, và hết sức cẩn trọng không va phải ai đó lúc không để ý, và khiến họ cho rằng tôi không tôn trọng họ.

Điều thứ hai tôi để ý là ít nhất một nửa số người tham dự đang cầm những chiếc máy ảnh bán chuyên hoặc/và dành một tá thời gian trước giờ tập để selfie. Và tôi cũng đếm được kha khá trong bữa tiệc này những “gương mặt Instagram”. Vài người là huấn luyện viên tôi đã theo dõi trên Instagram mà tôi đã “thó” được vài mẹo tập. Vài người khác thì là người mẫu mà tôi quen do có bạn chung là những người mẫu ảnh khác mà tôi đã làm việc cùng.

Khi tôi bắt đầu giới thiệu bản thân, tôi cũng nhận thấy rằng tất cả bọn họ đều có một điểm chung. Họ đều có nhiều người theo dõi trên mạng xã hội hơn tôi. Cũng không phải đây là kĩ thuật khó khăn gì. Tôi vừa mới biết hashtag là gì vào năm ngoái thôi. Và tôi chưa bao giờ nhấn mạnh vào số người theo dõi trên mạng xã hội mà tôi có, thay vào đó tôi tập trung đẩy mạnh quảng cáo nhiều hơn vào những mục tiêu cụ thể trên thị trường. Điều đó không nói lên kế hoạch của tôi là kế hoạch đúng đắn. Nó chỉ là cách hiệu quả nhất đối với cá nhân tôi. Không may là, điều đó không giúp tôi có được 500.000 người theo dõi trên Instagram, điều mà tôi đã nhanh chóng học được từ những cuộc trò chuyện của mình trong bữa tiệc, dường như là thấp kém hơn với những người tham dự khác trong phòng.

Càng rõ ràng hơn là bằng cách nào đó tôi đã bước chân vào bữa tiệc của những gương mặt ảnh hưởng. Có lý do cho việc khách mời đều rất ăn hình và có những kỹ năng selfie điêu luyện. Điều này chắc chắn nằm trong chiến lược marketing của công ty. Mời đến tham dự những gương mặt thương hiệu hàng đầu với số người theo dõi khủng. Mặc cho họ sản phẩm của bạn từ-đầu-tới-chân. Và để họ post liên tục những stories lo những việc còn lại. Không tốn một đồng nào (trừ những sản phẩm được phát miễn phí), công ty đã thu về trăm nghìn ảnh chụp mà sẽ tiếp cận một trăm thị trường khách hàng hoặc hơn thế (trên bảng tin của đại diện thương hiệu) chỉ trong một đêm. Và họ làm điều ấy mà không cần thuê một thợ chụp hình hay một người mẫu nào cả. Lợi nhuận đầu tư tuyệt vời cho họ, thách thức tiếp thị lớn cho những người như chúng ta kiếm sống bằng cách tạo ra những ảnh cá nhân hóa cho các công ty như thế này.

Công ty này chẳng phải là ví dụ duy nhất. Chắc phải một nửa số bình luận tôi nhận được trên Instagram là từ những start up mong muốn được “hợp tác”. Nói theo cách khác, họ muốn tôi chụp ảnh sản phẩm của họ thật chuyên nghiệp, sau đó đăng chúng lên trên bảng tin của tôi, và cho họ đăng hình ảnh bài đăng của tôi lên bảng tin của họ, dưới cái tên “độ bao phủ trên mạng xã hội”

Và thậm chí nhiều công ty lớn hơn đã đầu tư rất nhiều vào phương pháp tiếp thị với những gương mặt ảnh hương thay cho các chiến dịch chuyên nghiệp lớn hơn. Nó không hề phi logic. Khi báo in và các phương tiện truyền thông truyền thống khác tiếp tục trên đà giảm sự nổi bật và ảnh hưởng của truyền thông xã hội ngày càng tăng, công việc của một nhà tiếp thị không phải là để tạo ra nghệ thuật, mà là để tiếp cận khách hàng. Nếu khách hàng đổi hướng sang sử dụng mạng xã hội thì các công ty phải phát triển mạnh hơn trên những trang mạng xã hội ấy. Mặc dù một chiến dịch toàn cầu truyền thống có thể cần lấp đầy một số bảng quảng cáo nhất định, phải trả tiền để xuất hiện trên tạp chí hoặc ba mươi giây phát sóng trên truyền hình, truyền thông mạng xã hội khao khát vô độ những nội dung mới. Với những công ty nhỏ hơn, chi phí tài chính để có được tất cả những thứ đó thông qua các bài báo cáo có thể bị hạn chế, thêm niềm tin hơn vào ý tưởng khiến khách hàng tự quảng cáo sản phẩm của bạn cho bạn.

Khái niệm này không còn mới lạ nữa. Đó là lý do tương tự tại sao một số thương hiệu nhất định dán tên công ty lên mặt sau áo khoác của họ hoặc cung cấp cho bạn đề can miễn phí có logo của họ để dán vào mặt sau của máy tính xách tay của bạn. Họ kiếm tiền từ việc mua hàng của bạn và sau đó biến bạn thành một bảng quảng cáo biết đi theo nghĩa đen. Sự phát triển của internet và tiếp thị truyền thông mạng xã hội chỉ đơn giản là cho phép chiến thuật này tăng tốc với một tốc độ cực nhanh.

Vô ích thôi, việc cố gắng đưa vị thần đèn trở lại trong chiếc đèn. Nó tạo ra quá nhiều ý nghĩa tài chính cho các marketer tiếp tục phát triển hình thức này. Nhưng chúng ta, với tư cách là những nhiếp ảnh gia, những người kiếm sống bằng cách tạo ra sản phẩm cho các công ty này, sẽ làm gì khi đối mặt với hình thức mới này để cạnh tranh cho những đồng đô la dành cho việc tiếp thị của khách hàng?

Vâng, như trong tất cả mọi việc kinh doanh, bước thứ nhất đó là phải nhớ rằng bạn đang kinh doanh. Và làm thế nào để bạn duy trì trong kinh doanh, cho dù bạn là một nhiếp ảnh gia hoặc một người làm vườn? Bạn cung cấp những giá trị. Nếu bạn muốn tính phí nhiều hơn, đừng bắt đầu bằng cách đưa ra nhiều sản phẩm hơn với giá rẻ hơn. Hãy chắc chắn rằng giá trị của sản phẩm bạn đang đem ra có giá trị cho khách hàng của bạn.

Thế vậy tại sao một nhiếp ảnh gia lại có giá trị? Đó là bởi vì bạn có thể chụp những bức ảnh nét căng, có màu, và độ phân giải cao? Không đâu, bất cứ ai có đủ tiền để mua một chiếc máy ảnh kĩ thuật số đều có thể làm việc đó thời buổi bây giờ. Cho rằng bản thân mình “chuyên nghiệp” vì một chiếc máy ảnh “chuyên nghiệp” không phải là con đường dẫn đến thành công đâu.

Có phải là từ trước đến nay bạn đều chụp ảnh đẹp? Chà, cũng không luôn. Kể cả chiếc đồng hồ vỡ cũng chỉ đúng giờ hai lần một ngày. Bằng quy luật trung bình, nếu bạn chụp đủ nhiều bạn sẽ có một tấm ảnh xuất sắc một lúc nào đó mà thôi. Nhưng bạn có thể làm điều có mọi lúc? Bạn chắc không, ngay cả trong những ngày tệ nhất, bạn vẫn có thể làm ra những bức ảnh xuất sắc mà những đối thủ cạnh tranh không thể làm được?

Điều làm nên một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp không nằm ở thiết bị anh/cô ta có, hay khả năng họ thường xuyên chụp ra những tấm ảnh đẹp. Điều làm nên một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp là sự tin cậy. Điều làm nên một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp là sự luyện tập lặp đi lặp lại. Điều làm nên một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp là kinh nghiệm “chinh chiến” và biết rằng khi mọi thứ không như ý muốn, bạn vẫn sẽ tìm được cách lấy cho khách hàng thứ họ cần để thành công. Bạn đâu được trả nhiều tiền để chụp ảnh. Bạn được trả nhiều tiền để không sụp đổ dưới áp lực.

Gần đây tôi đã có một cuộc họp với một nhà sản xuất nghệ thuật thảo luận về áp lực mà họ cảm thấy từ những sếp lớn của mình để thuê các nhiếp ảnh gia dựa trên lượt theo dõi trên phương tiện truyền thông mạng xã hội hơn là kinh nghiệm và tài năng. Một lần nữa, suy nghĩ của một số khách hàng là họ đang mua những lượt tiếp cận, không phải là những bức ảnh. Nhà sản xuất nghệ thuật đã đề cập đến lý do mà, hết lần này đến lần khác, cách tiếp cận này đã phản tác dụng. Chắc chắn những người có ảnh hưởng mà họ thuê có thể dùng những filter, nhưng thế còn việc tìm kiếm nguồn nhân tài ngoài nhóm bạn bè có sẵn của họ, đàm phán hợp đồng, xin giấy phép thành phố, tận dụng tối đa tài năng của truyền hình, ranh giới pháp lý, cách điều chỉnh khi thời tiết điều kiện là bất lợi, hoặc có thể kiểm soát ánh sáng để phù hợp với một bản brief cụ thể?

Nói lại lần nữa cho chắc, một vài gương mặt ảnh hưởng cũng là những nhiếp ảnh gia giỏi và chuyên nghiệp. Hai thứ ấy chẳng bài trừ lẫn nhau. Bài viết này không hề có ý hạ thấp ai đó chỉ vì họ rất giỏi trong việc sử dụng mạng xã hội để quảng cáo. Và việc có thể cung cấp đưa ra một lượng người theo dõi có sẵn là cả một quá trình đáng chú ý. Nhưng, nếu bạn đang chụp cho một công ty sẵn sàng bỏ ra 50.000 đô la hoặc 100.000 đô la cho một buổi chụp hình, sẽ có nhiều thứ phải làm hơn là chỉ tiếp cận khách hàng trên những phương tiện truyền thông xã hội.

Có nhiều thức phức tạp hơn là những kỹ thuật đơn giản. Bạn không chỉ cần biết làm thế nào để chụp một bức ảnh chuyên nghiệp thật sạch. Bạn còn cần biết cách lặp lại hình ảnh đó hoặc thay đổi ít nhiều để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Trong hầu hết các trường hợp, bạn sẽ phải làm điều đó ngay tại phim trường, ngay tại chỗ trước hàng tá bộ quần áo, mà không phụ thuộc vào hậu kì (tất nhiên, trừ khi, file chất lượng cao là một phần của yêu cầu, như trong trường hợp yêu cầu chồng ảnh). Bạn hiểu biết đầy đủ về không chỉ tam giác phơi sáng, mà cả ngân sách chính xác, sự cho phép, địa điểm và các vấn đề pháp lý mà khách hàng của bạn sẽ phải đối mặt. Bạn cần tiếp cận được với những tài năng và tài nguyên hàng đầu có thể thêm vào dự án và củng cố trải nghiệm tích cực cho khách hàng.

Và quan trọng nhất là, không chỉ cần biết cách chụp ảnh, mà còn phải học cách tạo nên bức ảnh có dấu ấn. Tiếng nói của bạn với tư cách là một nhà nhiếp ảnh còn có lực hơn là kĩ thuật của bạn. Kĩ thuật là thứ có thể học và trau dồi cùng những video trên Youtube. Vì thế, nó có thể bắt chước được. Nếu kĩ thuật là thứ có thể bắt chước được, và bạn chỉ có vậy, họ luôn có thể tìm người thay thế với giá rẻ hơn. Tiếng nói của bạn, mặt khác, được hình thành qua nhiều năm bởi kinh nghiệm sống và là thứ mà bạn đưa ra, không thể bị sao chép bới thuật toán hay bị làm lại bởi ai đó muốn giảm tiền công của bạn.

Khó là rõ. Chúng ta đang sống trong thời kì thay đổi cấu trúc tượng đài của ngành công nghiệp nhiếp ảnh. Chúng ta sống trong thời kì mà thứ từng là điểm mạnh của ta, biết được những kĩ thuật tính toán kì diệu để lấy được lượng đo sáng “đúng” trong nhiếp ảnh film ngày ấy, bây giờ có thể đạt được dễ dàng bởi bất cứ ai có một chiếc máy ảnh đời thấp hay ngay cả một chiếc điện thoại thông minh. Đúng vậy, tôi nhận ra rằng độ phơi sáng “đúng chuẩn” không phải lúc nào cũng giống với những gì máy ảnh bảo là đúng nhưng chúng ta cũng đang sống trong một thế giới mà càng ngày càng ít những người nhận ra được điểm khác nhau ấy. Hoặc là, họ có nhận ra sự khác biệt đấy, nhưng ngân sách của họ hạn hẹp đến mức họ phải cắt bớt để có thể dành tiền cho nội dung.

Tất nhiên, không chỉ vì sự kiện tôi tham gia có nhiều máy ảnh, không có nghĩa là ảnh nào cũng đẹp. Dựa vào số lượng theo dõi mạng xã hội ít ỏi của mình, lý do duy nhất tôi có thể lý giải cho việc mình có mặt tại bữa tiệc đó là do ai đó trong công ty đã nghĩ rằng sẽ rất khôn ngoan nếu mời một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp đến như là một gương mặt ảnh hưởng, và quyết định tìm trên Google những nhà nhiếp ảnh thời trang thể thao và trong đó có tên tôi. Dù thế nào đi nữa, kể cả họ có biết tên tôi từ những nỗ lực trước đây. Có vẻ như họ đã nghĩ rằng tôi sẽ mang một chiếc máy ảnh đi và sẽ chụp cả tá bức ảnh cao cấp cho sự kiện và sản phẩm của họ và đăng lên bảng tin của tôi và, bingo, ảnh xịn miễn phí.

Tôi không mang máy ảnh theo, như những lời mời “hợp tác” khác mà tôi thường bỏ qua, không trả lời, vi tôi nghĩ nếu tôi quảng cáo cho nhãn hàng của bạn, bạn nên trả tôi tiền vì điều ấy. Thế thôi, sau tất cả, với những gì tôi cung cấp được, cho đi miễn phí chẳng phải là phép tính hợp lí lắm. Mong rằng điều đó không khiến bạn nghĩ tôi nghĩ mình là Annie Leibovitz, nhưng những gì tôi làm ra đều có giá trị. Của bạn cũng vậy. Và nếu chúng ta không dựa vào những giá trị ấy, thì cũng chính là tự loại bản thân mình ra khỏi việc kinh doanh mà thôi.

Câu trả lời của tôi là không hạ thấp giá trị sản phẩm của bản thân đối với những hợp đồng không đáng. Giải pháp chính là tiếp tục gây dựng và củng cố những giá trị bạn đem lại cho khách hàng. Làm sản phẩm của mình tuyệt vời đến nỗi khách hàng có thể nhìn ra sự khác biệt giữa bạn và những nhiếp ảnh sau bạn, những gương mặt ảnh hưởng hay những đối thủ khác nữa. Cải thiện kĩ năng của bản thân những đề nghị sản phẩm.

Khi Coca-Cola muốn thêm thị phần, họ giới thiệu những sản phẩm mới như Diet Coke, hay Cherry Coke, và những phiên bản khác nữa. Bạn đang có những kĩ năng nào mà có thể dựa vào đó, cố định thị phần đã mở rộng? Thêm video, hay stop motion, hoặc những dịch vụ tặng kèm. Có lẽ một influencer có thể cung cấp một nguồn ổn định với những bức hình thô chụp những người bạn với ngoại hình xinh đẹp đang làm những trò vui và dễ lan truyền. Và, bởi vì những lượt theo dõi của họ, họ sẽ cung cấp một lượng khách hàng dựa trên những khán giả đã có sẵn và xem quảng cáo. Cũng không phải là không có cách để thắng cuộc chiến này. Bạn có thể cung cấp dịch vụ khách hàng tốt hơn, kinh nghiệm, tiếp cận chuyên nghiệp hơi tới quá trình sản xuất của sản phẩm. Bạn cũng có thể khiến khách hàng suy nghĩ đầu tư cho bạn mà ít dựa vào những cú click chuột hơn mà dựa vào kinh nghiệm và những phản hồi tích cực từ khách hàng cũ.

Thị trường đã, đang và sẽ tiếp tục thay đổi, chẳng kể đến ngành của bạn là gì. Câu hỏi duy nhất còn tồn đọng là, kế hoạch của bạn ra sao?

Credit

Translated from website: fstoppers.com
Original author: Christopher Malcolm
Bản quyền bài dịch thuộc về Học viện nhiếp ảnh Quảng cáo Chimkudo Academy.
Không được trích dẫn toàn bộ hay một phần khi chưa có sự đồng ý.

 

Bài viết Làm nghề ảnh trong thời đại truyền thông mạng xã hội đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Học chụp ảnh – Chụp ảnh sản phẩm – Chụp ảnh doanh nghiệp – ChimkudoPro.

Copyright 2014-2024 by © Học viện nhiếp ảnh thương mại Chimkudo Academy. All rights reserved.
G-9PLYN8GE4Z