fbpx
  • No products in the cart.

  • LOGIN

LÀM NHIẾP ẢNH: ĐỪNG PHÍ THỜI GIAN HỌC ĐẠI HỌC

Có một quan niệm gần như đã được hằn sâu trong tâm trí chúng ta qua nhiều thế hệ: để thành đạt trong cuộc sống phải dành 04 năm cuộc đời học đại học, bỏ ra một khoản học phí không hề nhỏ, đấy là còn chưa kể đến những giáo trình, dụng cụ học tập đắt đỏ và sinh hoạt phí trong suốt khoảng thời gian đó. Phải chăng là một cái giá quá cao cho một tờ giấy? Liệu tấm bằng đại học có phải là tấm vé vàng đảm bảo cho một tương lai rạng ngời? Nếu bạn muốn học nhiếp ảnh, trường đại học có phải lựa chọn hàng đầu ?

Chris, một người bạn của tôi, đã dành 10 năm miệt mài kinh sử ở giảng đường đại học. Anh ấy có tới hai tấm bằng khác nhau và là một trong những người thông minh nhất mà tôi biết. Chris đặc biệt giỏi sáng tạo nghệ thuật, ví dụ như thiết kế đồ họa (3D và 2D), nhiếp ảnh, dựng video, làm mộc,… Mặc dù có trên tay tấm bằng thiết kế game và thiết kế đồ họa nhưng hiện tại anh ấy đang làm kiến trúc sư. Chris không hài lòng với công việc hiện tại nên mỗi khi có thời gian rảnh, anh ấy lại tiếp tục theo đuổi đam mê làm game ở công ty riêng tên là Visual Villains. Rời ghế nhà trường đã được gần một thập kỷ nhưng Chris vẫn chưa trả hết nợ học phí! Anh có thừa kiến thức sách vở nhưng lại thiếu kinh nghiệm thực tế nên khó phát triển trên thị trường ngày càng cạnh tranh. Nói tóm lại, Chris phải còng lưng làm một công việc trái ngành đã học chỉ để trả nợ cho một mảnh giấy đến bây giờ vẫn chưa đem lại lợi ích gì nhiều. Trớ trêu thay, ngày nay người ta còn chẳng phải đến trường để học thiết kế game hay thiết kế áp phích. Nhiều sinh viên ra trường gặp khó khăn trong việc bươn trải để kiếm một công việc ổn định trong một thị trường khắc nghiệt và đầy cạnh tranh vì họ chưa được chuẩn bị kỹ càng.

Tỷ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp đang đạt đỉnh còn những người có việc thì đa phần làm trái nghề, đấy là chưa kể đến khoản nợ đại học nghìn đô đang đè lên vai họ. Tư tưởng “Thông minh bù cần cù” dù đã in sâu trong tiềm thức của mọi người nhưng nó không còn phù hợp với xã hội ngày nay. Mike Rowe, host của chương trình “Dirty Jobs” trên kênh Discovery, vì cảm thông với hoàn cảnh của giới trẻ nước Mỹ, đã thành lập ra mikeroweWORKS Foundation, nơi anh khuyến khích thái độ làm việc chăm chỉ và khôn ngoan; tạo ra nhiều cơ hội cho những người có thái độ làm việc tốt trong những lĩnh vực chuyên môn.

Cũng như bao bạn trẻ Mỹ khác, tôi bị bố mẹ bắt đi học đại học mà không được cho bất kỳ một lựa chọn nào khác. May mắn thay, phụ huynh của tôi đã dành riêng một khoản tiền cho việc học của tôi nên có thẻ coi bước đi của họ là hoàn toàn hợp lý. Nhưng bản thân tôi thì chưa sẵn sàng phải học thêm 4 năm nữa và làm phí tiền bố mẹ. Khi đó toàn bộ tâm trí của tôi đều cống hiến cho âm nhạc, và tôi không dành thời gian cho bất kỳ một thứ nào khác. Sau một năm sống trong ký túc và nghỉ học thường xuyên, tôi quyết định sẽ đối diện với cha mẹ và làm một điều mà không cậu bé 18 tuổi nào dám làm: thổ lộ đam mê thật sự của mình. Và thật là may mắn thay khi phụ huynh của tôi hoàn toàn ủng hộ với quyết định dấn thân cho nghệ thuật của tôi.Tất nhiên nếu bạn muốn trở thành một bác sĩ, luật sư hay kế toán ở những công ty top đầu thì chắc chắn bạn sẽ cần đến một tấm bằng đại học. Nhưng nếu trái tim mách bảo bạn đi theo con đường nghệ thuật thì thứ mà bạn sẽ cần tích lũy là kinh nghiệm thực tế, một portfolio đẹp cũng như là những kỹ năng giao tiếp và kinh doanh; ngành nhiếp ảnh cũng không phải là trường hợp ngoại lệ.

ĐẦU TƯ ĐÚNG ĐẮN

Tôi có nghe nói gần đây bắt đầu có những phụ huynh cho phép con mình lựa chọn giữa việc đi học đại học hoặc dùng số tiền đó để mở một công ty riêng. Thay vì học trên sách vở, việc khởi nghiệp có thể giúp đem lại những trải nghiệm và kiến thức thực tế hơn về môi trường kinh doanh khắc nghiệt. Học phí đại học cũng ngày càng đắt đỏ, và số tiền này trong tay một nhiếp ảnh gia trẻ tuổi có thể tạo ra một khởi đầu rất thuận lợi để ngay lập tức bắt đầu sự nghiệp. Tất nhiên là với một số tiền lớn thì mọi người sẽ nghĩ ngay đến việc đầu tư vào trang thiết bị: (máy ảnh, đèn studio, lens), nhưng theo tôi thì không nên quá đam mê với dụng cụ máy móc ở giai đoạn này. Thay vì đó, tôi khuyên mọi người nên dành tiền cho những khoá học nhiếp ảnh ngắn hạn, đào tạo nghề hoặc đơn giản là xây dựng hình ảnh công ty. Đồ dùng thì có thể sẽ hỏng và thay thế được, nhưng thương hiệu của công ty cần phải độc đáo thì mới có thể đem lại lợi nhuận dài lâu.

QUAN HỆ

 Thay vì miệt mài cày sách, sinh viên có thể mở rộng làm quen trên mạng và đưa tên tuổi của mình đến tai nhiều người hơn. Hồi còn làm trong lĩnh vực âm nhạc, tôi cũng đi lên từ hai bàn tay trắng: quảng cáo trên phố, online và chủ động gọi điện cho nhiều người. Tôi đã mất nhiều ngày đi treo áp phích của mình khắp những cột đèn, và thậm chí tôi còn dành nhiều thời gian hơn làm quen nói chuyện với những người khác nhau trên mạng. Việc có một vị trí tốt trong tâm trí khách hàng cũng như việc quảng cáo hiệu quả luôn là hai yếu tố cốt lõi để tổ chức được một show diễn cháy vé. Cũng như bất kỳ nghệ sĩ nào khác, một nhiếp ảnh gia cần phải để lại ấn tượng tốt. Điều gì sẽ gây được ấn tượng tốt đó ở khách hàng: một tấm bằng đại học hay một portfolio ấn tượng? Ấn phẩm đầu tay của tôi là thành quả của việc xây dựng portfolio tốt và có những mối quan hệ tốt, chứ không phải là thông qua những bài phỏng vấn hay email xin việc.

THAM GIA WORKSHOP

Tôi tin rằng việc học online bây giờ hiệu quả và có ích hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, trên mạng bao giờ cũng có những thông tin nhiễu và sai lệch mà nhiều khi người xem cũng không phân biệt được. Do đó, tôi khuyên rằng ai cũng nên tìm hiểu về những lớp học nhiếp ảnh offline chất lượng để khơi nguồn cảm hứng và đẩy bản thân đến những giới hạn mới thú vị hơn. Tất nhiên là bạn có thể xem Youtube và học được rất nhiều điều có ích, nhưng bạn cũng nên đặt mình vào những cơ hội để được thực hành những kiến thức đó. Cá nhân tôi đã thay đổi rất tích cực chỉ sau khi tham gia một khóa workshop, và tôi nghĩ ai cũng nên có trải nghiệm tương tự.

VƯƠN MÌNH XA HƠN

Những năm tháng làm nhạc sĩ đã đưa tôi đi khắp mọi miền của nước Mỹ. Từ năm 18 đến 26 tuổi, tôi đã có cơ hội đến thăm tất cả các bang và chứng kiến nhiều điều hay ho. Nhưng không chỉ vậy, trải nghiệm xê dịch đã giúp tôi giàu kinh nghiệm cuộc sống hơn nhiều người và cũng là lý do duy nhất để tôi có thể kiếm sống bằng nghề chụp ảnh. Tôi đã học cách giao tiếp với mọi người, học cách chi tiêu tiết kiệm và học cách vận hành một công ty trách nhiệm hữu hạn. Tôi đã có được những mối quan hệ mà đến tận bây giờ vẫn giúp đỡ tôi rất nhiều khi làm nhiếp ảnh gia. Tôi không nhất thiết nói rằng bạn phải dừng mọi thứ mình đang làm lại và xách ba lô lên để đi, mà đúng hơn là bạn nên cố gắng nắm lấy mọi cơ hội để trải nghiệm thế giới ngoài kia nhiều hơn. Biết đâu trong những chuyến đi như vậy, bạn sẽ tìm được những người bạn để đời.

TÌM THẦY TÌM BẠN

Tôi có bốn bạn học việc ngày ngày làm việc cho tôi. Họ đều đang là sinh viên và cũng biết rõ quan điểm của tôi về việc đi học đại học. Tôi muốn nhận những người đang trên giảng đường vào làm với mình vì tôi muốn tạo ra cho họ cơ hội để trải nghiệm những thứ mà nhà trường không thể đem lại. Tất nhiên là những bạn học việc của tôi cũng được tín chỉ trong quá trình thực tập, nhưng tôi thấy việc làm này có giá trị hơn vậy rất nhiều. Hầu như mọi giảng viên đại học không có nhiều kiến thức về networking hay những trải nghiệm thực tế cần có khi đi làm.

“Làm việc với Clay trong sáu tháng qua đã cho tôi nhiều kiến thức nhiếp ảnh hơn toàn bộ khóa học trên đại học”, trích lời Brandy Fulton, thực tập viên năm 2014 của tôi.

Khi mới bắt đầu sự nghiệp nhiếp ảnh, tôi có những người thầy dẫn dắt như là Josh Eskridge và Joey Goldsmith. Các nhiếp ảnh gia trẻ tuổi nếu muốn học nhiếp ảnh một cách thực tế và hiệu quả hơn thì  nên tìm kiếm những vị trí thực tập hoặc trợ lý, tiếp thu kiến thức và tự áp dụng nó theo cách của riêng mình. Tin tôi đi, bạn sẽ không hối hận quyết định này đâu.

Tôi không có ý định xúc phạm đến những người đã dành tiền và thời gian đi học đại học hay đến những người đang làm công việc giảng dạy, nhưng tôi muốn các bạn nhìn lại và đánh giá thế giới mà chúng ta đang chung sống. Tôi cũng biết rất nhiều nghệ sĩ và nhiếp ảnh gia vĩ đại mà đã từng làm sinh viên, nhưng trong thời đại ngày nay thì một tấm bằng treo tường hoàn toàn không cần thiết để có chỗ đứng trong bất kỳ một lĩnh vực sáng tạo nào. Thứ mà bạn sẽ cần là những sản phẩm tốt, kinh nghiệm thực tế và những mối quan hệ có ích.

Credits

Trích nguồn bài viết của Clay Cook tại: fstoppers.com
Dịch bởi Chimkudo Academy. Yêu cầu không trích dẫn nếu chưa được sự đồng ý.

 

 

Bài viết LÀM NHIẾP ẢNH: ĐỪNG PHÍ THỜI GIAN HỌC ĐẠI HỌC đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Học chụp ảnh – Chụp ảnh sản phẩm – Chụp ảnh doanh nghiệp – ChimkudoPro.

Tháng Mười Hai 31, 2019
Copyright 2014-2022 by © Học viện nhiếp ảnh thương mại Chimkudo Academy. All rights reserved.