fbpx
  • No products in the cart.

  • LOGIN

Lịch sử hội hoạ – Part 20: Nghệ thuật Baroque & Rococo

Baroque có nghĩa rộng lớn hơn một trường phái. Nó là khuynh hướng nghệ thuật mới xuất phát từ La Mã, đầu thế kỷ 17. “Baroque” gốc chữ Bồ Đào Nha, chỉ loại hình viên ngọc dáng thô, vẻ mộc mạc khi chưa được mài giũa. Nghệ thuật Baroque phản kháng khuynh hướng kiểu thức “phô trương kỹ xảo” của thế kỷ 16. Nó đề cao cảm tính chân thực, chất phác, có nét tưởng tượng lãng mạn, bầu không khí đầy kịch tính. Nghệ thuật Baroque chú trọng ở cử chỉ nhân vật, màu sắc biến đổi phong phú, sáng tối tương phản mạnh.

Nghệ thuật Rococo khai triển Baroque thành khuynh hướng văn học nghệ thuật từ kiến trúc, âm nhạc, hội họa cho đến văn chương, từ Paris bành trướng rộng khắp u châu thế kỷ 18. Nhìn xuyên suốt lịch sử bốn thế kỷ, ta thấy nghệ thuật Phục hưng (thế kỷ 15) qua giai đoạn Kiểu thức Hậu Phục hưng, (Mannerism, thế kỷ 16) đã lật sang chương sử mới là khuynh hướng Baroque (thế kỷ 17) và Rococo (thế kỷ 18).

Ý: MỘT THỊ QUAN CÔNG GIÁO

Thời Phục hưng, thành phố Florence và Venice ngự trị thế giới nghệ thuật, nhưng sang thời Baroque thì kinh đô nghệ thuật lại di chuyển sang Rome (La Mã), cuốn hút tất cả nghệ sĩ tạo hình Châu Âu, Ngay sau khi vượt thắng cuộc tranh hùng với phe Tân giáo, Tòa thánh ra tay phục hồi và phát triển đức tin truyền thống, bảo trợ và khích nghệ sĩ dùng phương thức truyền chân đế hiện thực hóa đức tin chính thống, một cách minh họa Thánh Kinh bằng hình ảnh và màu sắc để giáo hóa đại chúng.

Nghệ thuật theo đà vươn lên, phát huy mầm mống hiện thực, theo đà cải cách tôn giáo, nghệ thuật cũng nổi lên thành một phong trào cải cách tự phát. Phong cách đổi mới này, đến thế kỷ 19, được nghệ thuật sử gọi là “Baroque”, nhưng suốt 200 năm trước, nó vẫn được coi như một hình thái Hậu Phục hưng, nghĩa là một dạng cổ điển theo phong cách Raphael. Nghệ sĩ Ý rời bỏ kiểu thức phức tạp của Mannerism, tiến theo mô thức thịnh kỳ Phục hưng.

Caravaggio trở thành danh họa dẫn đầu họa pháp truyền chân, tiên báo dòng nghệ thuật Hiện thực (Realism) sẽ xuất hiện hai thế kỷ sau. Mặt khác, danh họa Carracci mở con đường khai phá phong cảnh họa cổ điển ở Bologna.

CARAVAGGIO: CÁI ĐẸP HIỆN THANH SỰ THỰC

Caravaggio, “Người chơi đàn Lute” 1596, khổ 120 x 94cm.

Giới nghệ thuật thế kỷ 19 sau này tỏ thái độ khinh thị hội họa Baroque, điển hình là Caravaggio bị coi thường trước tiên. Michelangelo Merici de Caravaggio (1573-1610) từ Milan di cư sang Rome khoảng 1592. Những tác phẩm thời đầu của ông là tranh nhân vật, nổi bật là danh tác Người chơi đàn Lute (The Lute Player). Nhân vật trong tranh này là một thanh niên trông yểu điệu và lãng mạn như một thiếu nữ, với những đường cong lã lướt từ bàn tay qua cây đàn. Gương mặt, nét môi và ánh mắt cũng rất là “ướt át” và quyến rũ. Tuy nhiên, Caravaggio còn thổi vào hồn chàng trai một nỗi buồn man mác, hình như là một cảm thức mơ hồ về tuổi xanh, sớm nở tối tàn như bình hoa trước mặt.

Caravaggio, “Tửu thần Bacchus”, thập niên 1590, khổ 85 x 94cm.

Trong họa phẩm “Tửu thần Bacchus”, vị thần rượu hiện thân là một thanh niên, tuy vạm vỡ nhưng vẫn lộ ra nữ tính ở những nét yêu điệu ở bàn tay, nếp áo và hoa lá trên đầu, dưới bàn. Toàn cảnh phảng phất một cảm thức vô thường trong lạc thú hay hạnh phúc trần gian. Ánh sáng và bóng tối, cũng như thiện ác, sinh tử là những sự thực diễn biến trong cõi hiện tượng vô thường.

“Cái chết của Thánh nữ Đồng Trinh”, Caravaggio, 1605-06, khổ 224 x x307cm.

Họa phẩm “Cái chết của Thánh nữ Đồng trinh” là một tác phẩm gây mâu thuẫn khốn đốn cho họa sĩ trước công luận và giáo hội. Dưới ngọn bút hiện thực của Caravaggio, Đức Mẹ đã chết như một người thực, với gương mặt già nua, tái mét và bàn chân bẩn chìa ra ngay trước mắt khán giả. Người ta đồn rằng ông dám cả gan dùng cái xác chết trội của một gái giang hồ nào đó để làm người mẫu. Thực hư thế nào thì chưa rõ, nhưng rõ ràng họa sĩ đã không vẽ điển tích này theo giáo lý như ta thấy ở những tranh truyền thống, thường vẽ cảnh Đức Mẹ thăng thiên. Một người mang dáng dấp trần tục nằm sóng soái như thế thì không thể nào bay lên trời được.

Quả là Caravaggio đã sống một đời đầy sóng gió và bất hạnh bởi ông muốn vượt thời đại, bất chấp mọi qui ước giả tạo, cả về mặt xã hội và nghệ thuật. Tuy cuộc sống của ông bị phán xét là hoang đàng, vô kỷ luật, nhưng trong tác phẩm nghệ thuật của ông, ngược lại, kỷ luật lại được thiết lập vô cùng nghiêm túc. Ông tôn trọng sự thực đến mức độ sùng kính. Đối với Caravaggio, cái Thực là cái Đẹp tối thượng. Những yếu tố của sự thực trong hội họa Caravaggio là ánh sáng và bóng tối xuất hiện qua kỹ thuật vờn bóng “Chiaroscuro”.

“Bữa tối ở Emmaus”, 1600-01, khổ 195x140cm.

Qua những người mẫu thật, ông đã tạo hình Chúa như một con người thật, một người giữa mọi người bình thường ở đời. Chúa của Caravaggio mặt bầu bĩnh, khỏe mạnh. trông chất phác như một nông dân, không có râu ria, không quý phái. Mặc dầu không có vòng hào quang trên đầu. nhưng ánh sáng tự nhiên đã phát tỏa ra từ gương mặt và tà áo khoác vai của Chúa chiếu xuống mặt bàn. Họa sĩ còn tạo chiều sâu không gian bằng cánh tay Chúa chìa ra phía khán giả, cùng với 1 cánh tay của vị tông đồ giang cả hai tay ra phía trước mặt và sau lưng Chúa y như giăng cái thước đo chiều sâu của bức họa.

Nói về truyền thống hiện thực từ cổ điển thì Caravaggio xứng đáng vị trí kế tục Giotto và Masaccio, từ trước đến sau hội họa Phục hưng.

ARTEMISIA GENTILESCHI, NỮ HỌA SĨ BAROQUE

Orazio Gentileschi, “Thiếu nữ chơi đàn”, 1610, khổ 129 x 144cm.

Artemisia là một người nữ hiếm hoi trong lịch sử hội họa đã thành công trong một xã hội trọng nam khinh nữ. Tuy không được công khai học vẽ khỏa thân, nhưng không hiểu bằng cách nào bà đã dựng hình nhân vật rất hiện thực, sống động. Có thể vì bà là con danh họa Orazio. Ở họa phẩm “Thiếu nữ chơi đàn” của Orazio ta thấy thân hình người nữ được vẽ rất chuẩn xác, yểu điệu không kém bức họa chàng trai chơi đàn của Caravaggio.

Artemisia Gentileschi “Chân dung tự họa”, 1630, khổ 74 x 97cm.

Có lẽ Orazio đã truyền họa pháp vẽ người cho con gái, Artemizia. Nhưng ở bức “Tự họa”, cũng như qua bức “Judith hạ sát Holoferries”, ta thấy Artemisia đã tập trung ở kĩ thuật vận dụng ánh sáng học từ Orazio và Caravaggio. Lối nhìn từ trên cao ngó xuống tạo một dáng nhân hình riêng biệt của nữ họa sĩ Artemisia. Nó tự tách rời khỏi lề lối qui ước, cũng như tác giả của nó muốn “vượt lễ giáo”. Sự ngấm ngầm chống đối áp bức của nam phái Artemisia khó dấu nổi mặc cảm tự ti và lửa căm hận khi vẽ họa phẩm “Hạ sát Holofernes”, tên độc tài bị thọc cổ lút cán dao, máu phọt ra thành tia bắn tung tóe.

Artemisia Gentileschi “Judith hạ sát Holofernes”, khoảng 1612-1621, khổ 163x200cm.

GIA ĐÌNH CARRACCI

Họa phẩm “Thầy đi đâu đấy?”, Annibale Carracci, 1601-1602, khổ 56 x 77cm.

Ở Bologna, gia đình Carracci cũng chịu ảnh hưởng phần nào của Caravaggio. Nhà họ có hai anh em tài ba, một là Agostino (1557-1602), em là Annibale (1560-1609). Họ không chuyên chú mô tả ánh sáng và bóng tối, mà đặt nặng vào màu sắc. Đó là nét tương đồng của họ với Caravaggio, nhưng vẫn sai biệt về nét nhấn.
Trong ba người Annibale nổi nhất khi ông kết hợp tài tình giữa cổ điển và hiện thực, chỗ hợp nhất đỉnh cao hoành tráng của thời Phục hưng với màu sắc ấm áp và mạnh mẽ của trường phái Venice, đạt được tính cách tự nhiên khi mô tả ý tưởng, tình cảm tế nhị mà cuộc cách mạng trong nghệ thuật của Caravaggio không vươn tới được. Trong bức “Thầy Đi Đâu Đá ? (Domine Quo Vadis?)” tả thánh Phêrô đang hốt hoảng tháo chạy khỏi sự truy sát của lính ở thành Rôma, trên đường ông thấy Chúa vác thập giá chạy ngược lại. Tuy ta đã biết sự đối chọi xảy ra trong thực tế, được thay bằng hình ảnh lý tưởng, nặng tính thuyết phục, đường đất và cây cối không được tô điểm công phu. Nét lý tưởng được chấp nhận hơn hình ảnh trần trụi của Caravaggio, ngoài ra, khuynh hướng này ở thời điểm đối lập với thời Chống cải cách.

TRANH PHONG CẢNH CỔ ĐIỂN

Carracci, “Đào thoát sang Ai Cập, năm 1603. khổ 225 x 121 cm.

Caracci vẽ phong cảnh thật yên bình trong bức “Đào thoát sang Ai Cập”, là một ví dụ minh chứng vượt trội trong số họa phẩm của ông. Carracci bố cục phong cảnh cổ điển thật hài hòa lý tưởng, đúng theo thế giới tự nhiên, được kết hợp với tình cảnh gian nan của người đào tấu. Họa sĩ đã thành công khi khai thác cảnh vật yên bình, với nội tâm bất an của nỗi lòng người xa xứ, họa sĩ khéo phối hợp tiết diện ánh sáng, không khí bao phủ cảnh và người.

Domenichino, “Cảnh Tobias Ôm Giữ Con Cá”, năm 1617-1618, khổ 34 x 45cm.

Domenichino (Domenico Zampieri, 1581-1641), học trong viện mỹ thuật do Carracci lập ra năm 1582. Ông thầy này rất hứng thú trong việc phát huy cách vẽ phong cảnh cổ điển, và ông rất tài khi phối hợp kỹ thuật này vào các tác phẩm Tôn giáo. Bức vẽ Cảnh “Tobias ôm giữ con cá”, trích trong truyện con cá ma thuật , được đặt vào một cảnh tượng rộng lớn, đến độ như nuốt chửng người và vật.

ELSHEIMER: TỪ ĐỨC TỚI Ý

Adam Elsheimer. “Tobias và Tổng lãnh thiên thân đem cá về”, giữa thế kỷ 17, khổ 28 x 19cm,

Vào thế kỷ 17, Bắc Âu gắn bó với truyền thống vẽ phong cảnh, người hiện thực (dù Ý là nước có ảnh mạnh hơn). Một trong những họa sĩ Bắc Âu, sống ở Ý vào đầu thế kỷ 17, gốc Đức, chuyên vẽ phong cảnh là Adam Elsheimer (1578-1610). Ông đã hòa nhập phong cách trong sáng của Bắc Âu bằng ánh mắt “chân thực”, rọi vào phong cảnh đồng quê của Nam Âu. Trước kia người ta đã cho bức “Tobias và Tổng Lãnh Thiên Thần Đem Cá Về” do chính tay Elsheimer vẽ, nhưng tài liệu sau này phát hiện một họa sĩ đời sau đã vẽ y bút pháp của Elsheimer. Ở đây, nhân vật Tobias được họa bằng vẻ cay đắng khi kéo lê con cá to lớn trở về. Họa sĩ lấy hứng từ câu chuyện huyền thoại, được mô tả trong một không gian lặng lẽ tràn lan, giữa một buổi chiều cô đơn.

Phong cách “Baroque” đích thực trong tranh ông vẽ đã bị nghệ thuật Baroque sau này xem nhẹ. Đó quả là một thái độ bất công với tranh của ông. Mãi sau này, người ta mới dần dần nhận ra thế giới kỳ diệu, đã được ông cặm cụi mô tả trong tranh một cách vô cùng kỳ vĩ và trả lại cho ông ngôi vị cao quí, xứng đáng.

ĐẠI SỬ HỮNG HỜ

Một môn sinh học khóa trước Carracci, đã bị danh tiếng của gia đình Carracci làm lu mờ ngay tại Bologna và cả Châu Âu, là đại sư Guido Reni (1575-1642) người ưa sống ẩn dật, mà đại thi hào Goethe (Đức) đã tặng ông biệt danh “Thiên tài”. Họa sĩ dường như bị người đời quên lãng dù tác phẩm của ông vẫn tồn tại.

Guido Reni, “Nàng Susannah và hai trưởng lão”, năm 1600-1642, khổ 150x117cm.

Lấy một ví dụ trong đề tài tôn giáo của Reni, ông vẽ “Nàng Susannah và hai trưởng lão”, đã khuấy lên một số thành kiến hủ lậu. Chuyện kể về một nữ anh thư Do Thái sửng sốt vì hai trưởng lão xộc vào phòng nàng tắm, để vu cho nàng là người dâm đãng. Nàng quay mặt lại, tỏ vẻ căm phần của một người vô tội. Nàng không khiếp sợ, lòng mến Chúa và sự trong trắng, luôn vững bền.

Guido Reni, “Deianeira bị quái thú bắt cóc”, năm 1612, khối 194 x 295.

Họa sĩ Reni là một bậc thầy tạo tác trong đề tài thần bí như bức “Deianeira bị quái thú bắt cóc” đã được ông diễn tả bằng một quang cảnh sống động, hốt hồn người xem. Nàng là vợ một đại dũng sĩ, tên Hercules có nhiều chiến tích kinh thiên động địa. Trong cảnh này vợ chồng nàng đến bến đò, được quái nhân chở Hercules sang sông trước, rồi trở lại bắt Cóc Deianeira. Trong tranh vẽ nàng bị quái nhân túm tay, phi nước đại, cơ bắp nổi lên cuồn cuộn dưới bầu trời, trong khi nạn nhân đứng trên lưng quái thú nửa người, nửa ngựa, xiêm áo tung bay tựa mây trời, da thịt lồ lộ thật gợi cảm, nét tương phản đã cực tả nên cảnh tượng có một trên đời. Nàng Deianeira ngoái lên cõi thần linh, một tay như vẫy gọi sự cứu giúp. Trên mọi góc cạnh, từ hình ảnh đã toát lên nét tình cảm chẳng khác các bức danh họa của bậc thầy Raphael, Caravaggio là bao.

NÉT KỊCH TÍNH

Như Reni, họa sĩ Guercino Giovanni Francesco Barbieri (1591-1666) cũng bị tai tiếng nhưng nhẹ hơn, vì ông có đặc tài mô tả hình ảnh tới cảnh giới cao độ, kèm theo tài dùng màu vô song nhất là vào những năm khởi nghiệp, nên giới nghệ thuật đã tặng ông biệt danh “Lác Mắt”, vì ông làm giới thưởng ngoạn nghệ thuật phải nể phục về tính cách. Tranh ông chịu ảnh hưởng xa gần của các bậc thầy như Carracci, nói chung là hội họa Venice.

Bức “Chúa và người đàn bà ngoại tình “, năm 1621, khổ 98x122cm.

Họa sĩ Guercino khéo dùng bút pháp vững vàng để mô tả tính cách, tác động tình cảm qua lại trong họa phẩm: “Chúa và người đàn bà ngoại tình”. Mọi cử chỉ xoay quanh nét mặt và bàn tay các nhân vật như phân bua lý luật. Ông tả nét mặt Chúa điềm tĩnh trong đám người vội vã buộc tội, đủ thuyết phục người xem. Guernicio dẫn dụ cho ta thấy tình thương bao la nhân ái, gợi ra sự tha thứ vô biên. Ông khéo vận dụng mảng sáng tối một cách thần linh, khiến người xem xúc động cả cõi lòng, mong cầu chân thiện mỹ.

Bài viết Lịch sử hội họa – Part 20: Nghệ thuật Baroque & Rococo đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Học chụp ảnh – Chụp ảnh sản phẩm – Chụp ảnh doanh nghiệp – ChimkudoPro.

Tháng Năm 31, 2019
Copyright 2014-2022 by © Học viện nhiếp ảnh thương mại Chimkudo Academy. All rights reserved.