fbpx
  • No products in the cart.

  • LOGIN

Lịch sử hội họa – Part 17: Mannerism – Một lối vượt thoát Phục Hưng

Chữ “Mannerism” (Anh), hay “Mannierism” (Pháp) xưa nay chưa có chữ nào thỏa “đáng hay tương thích trong tiếng Việt. Một số dịch giả , chuyên cũng như không chuyên về mỹ thuật, thường tra lấy “nghĩa đen” tự điển ra dùng tạm, gọi nó là “kiểu cách, phong cách Mannerism”! Quả thật, nếu tra gốc từ chữ Ý thì “di maniera” cũng có nghĩa đen như thế.

Theo thiển ý, đây là một từ ngữ nên tảng của mỹ thuật sử, vì vậy ta nên căn cứ vào dữ kiện lịch sử mà đặt một tên Việt tương thích nội dung, chứ không nên dịch nghĩa đen. Trước tiên Mannerism được sử gia dùng để chỉ thị một giai đoạn tiếp nối thời đại Phục hưng cực thịnh (High Renaissance) và thời đại cải cách văn hóa (Baroque). Theo diễn tiến lịch sử mỹ thuật, thế kỷ 15 được gọi chung là thời Phục hưng (Renaissance), thế kỷ 16 gồm hai giai đoạn: Phục Hưng cực thịnh (tính đến năm thiên tài Raphael quá cố). Thịnh kỳ Phục hưng được đánh dấu bằng ba thiên tài Leonardo, Michelangelo và Raphael. Họ được tôn vinh là những bậc thánh (dinno), các đế vương thi nhau sưu tập từ những mảnh phác họa, bút ký cho đến danh tác của họ.

GIAI ĐOẠN ĐẦU

Ban đầu, phong cách hội họa ở Florence nổi bật ở một số họa sĩ đã đạt tới địa vị tối cao trong thời Phục hưng cực thịnh. Họa phẩm của họ vẽ rất tinh tế, nhằm tạo sự phấn khích và tình cảm cao độ cho người thưởng ngoạn.

Bằng bàn tay, con tim và khối óc siêu việt của họ, mọi vấn đề biểu hiện thực tại đã được giải quyết toàn bộ và toàn hảo, nghệ thuật Tây phương đã đạt tới điểm tuyệt đối hoàn hảo, khiến cho thế hệ sau cảm thấy hầu như không còn làm được gì hơn.

Tuy nhiên, lịch sử cho thấy thế hệ kế tiếp đã xuất hiện những danh tài mới như Pontormo, Rosso, Bronzino, Parmigiano và Cellini. Họ không tự nhận là hơn, nhưng họ đã thực sự tạo một kiểu thức khác và lạ, bằng cảm thức thời đại độc đáo của mình – thời Hậu Phục hưng. Sau cái chết của thiên tài Raphael, là sinh lộ mới với những danh tác, như Madonna With the Long Neck (Thánh Mẫu cổ thiên nga) của Parmigiano, Resurrection (Chúa Phục Sinh) của El Greco V…. Họ đã thay thế những tỉ lệ | tĩnh chỉ bằng hình thái động, chú trọng vào cảm xúc hơn là lý trí, biểu hiện nội tâm hơn là mô tả ngoại vật, dùng sức mạnh của tưởng tượng sáng tạo hơn là sao chép thiên nhiên. Nghệ thuật Hậu Phục hưng thế kỷ 16 khiến ta liên tưởng đến thế hệ Hậu Ấn tượng với những Cezanne, Gauguin, Van Gogh vào hậu bán thế kỷ 19. Họ đều tiếp nối thế hệ trước bằng ý hướng tương phản hay bố túc. Cái “Hậu” của thế kỷ 16 hiển nhiên là một thái độ phản ứng đối với phong cách Phục hưng, y như cái “Hậu” của thế kỷ 19.

Bức “Moses và con gái của Jethro”, Rosso vẽ năm 1523, khổ 117 x 160cm.

Bức “Moses và con gái của Jethro”, Rosso vẽ năm 1523, khổ 117 x 160cm.

Họa sĩ Rosso (tên họ là Giovanni Battista di Jacopo, 1494-1540) gốc Pháp, hiệu là Rosso Fiorentino, hay “Người Florentine”. Ông là người “mát nặng”, nghệ thuật của ông ngông nghênh khác thường. Ông dùng gam màu táo bạo, chỏi nhau, hình dạng ông vẽ choán cả bức tranh, như bức “Moses oà con gái của Jethro, nhân vật lõa thể vẽ to lớn, cử chỉ kích động, giống như người vật lộn của Michelangelo, chen vào đó là một cô gái nhợt nhạt, kinh hoàng, bán thân lõa lồ, đứng chết trận giữa đám người hỗn loạn. Rosso thể hiện ý tưởng bạo lực một cách cô đọng, lạ lùng.

Pontormo (Jacopo Carucci, 1494-1556) cũng là một họa sĩ “loạn tâm thần”, thỉnh thoảng ông tách biệt cuộc sống để chui rút vào nơi hẻo lánh. Cũng như Rosso, tác phẩm của ông kích động và lạ lùng khiến chúng ta phải xúc động.

Bức “Chân dung thanh niên”, Andrea del Sarto vẽ năm 1517, khổ 57 x 73cm.

Bức “Chân dung thanh niên”, Andrea del Sarto vẽ năm 1517, khổ 57 x 73cm.

Andrea del Sarto (1486-1531) là thầy của Rosso và Pontormo. “Chân dung thanh niên”, là một tác phẩm đơn sắc, thể hiện tài vận dụng màu đơn trong tranh của Andrea del Sarto và một số tác phẩm đương thời. Ông đã được liệt vào hàng họa sĩ trong danh gia tứ trụ.

Bức “Hạ xác Chúa”, Pontormo vẽ năm 1525, khổ 190 x 312cm.

Bức “Hạ xác Chúa”, Pontormo vẽ năm 1525, khổ 190 x 312cm.

Họa phẩm siêu tuyệt “Hạ xác Chúa của Pontormo, bày trên bàn thành trong nhà nguyện ở Florence, ánh sáng chiếu trong tranh như phát quang, một phần để bù cho nhà nguyện âm u, phần còn lại phản chiếu cảm giác mạnh mẽ, tình cảm mất mát, tổn thương, tạo hình tương phản giữa cái đẹp thể hình thuôn dài, và vẻ mặt lo âu, bối rối lẫn thương xót. Bức Giáo chủ della Casa trông thật lỗi lạc, khuôn mặt cao quí, cố kéo dài, được bộ râu đỏ che bớt. Sau ông có tường bao quanh chắc chắn, tia mắt chiếu ra như thách thức người ta và đượm vẻ kiêu kỳ.

Bức “Giáo chủ della Casa”, Pontormo vẽ năm 1541-1544, khổ 79 x 102cm.

Bức “Giáo chủ della Casa”, Pontormo vẽ năm 1541-1544, khổ 79 x 102cm.

ẢO ẢNH LẠNH LẼO

Họa sĩ Pontormo là thầy và đỡ đầu cho tài nghệ lạ lùng của họa sĩ Agnolo Bronzino (1503-1572). Kiểu sống ẩn dật của Pontormo cũng thể hiện Bronzino. Đây có thể do Pontormo là người cuồng tín trong tôn giáo, nên đã ảnh hướng sâu đậm vào những họa phẩm được ông bảo trợ. Ở Bronzino, ta cũng thấy rực lên sự lạnh lẽo khiến ta nhìn, dù vẫn bội phục tài ba của ông.

Bức “Chân dung Eleanor di Toledo”, Agnolo Bronzino vẽ năm 1560, khổ 65 x 85cm.

Bức “Chân dung Eleanor di Toledo”, Agnolo Bronzino vẽ năm 1560, khổ 65 x 85cm.

Triều đình đương thời không phải không bị tranh ông hấp dẫn, tuy nhiên, các bức chân dung ông vẽ, dù có vị đắng, lạnh, vẫn được ngưỡng mộ. Ông nghiễm nhiên là nhân vật dẫn đầu trong cao trào Hậu Phục hưng (MannerList). Bức Chân dung Eleanor di Toledo được ông khoác lên bộ y phục sang trọng, đầy hoa văn hình quả lê và vẻ lạnh lùng.

Bức “Ngụ ngôn Vệ nữ và thần Cupid”, Agnolo Bronzino vẽ năm 1545, khổ 116 x 146cm.

Bức “Ngụ ngôn Vệ nữ và thần Cupid”, Agnolo Bronzino vẽ năm 1545, khổ 116 x 146cm.

Bức “Ngụ ngôn Vệ nữ và Thần Cupid” từng được biết đến với tên Vệ nữ, tiểu thần tình yêu và thời gian của Bronzino, đã được Cosimo I đặt vẽ ở Florence để tặng cho Hoàng đế Francis I. Bức họa này được nhà phê bình nghệ thuật Vasari cho là nó “nói lên” nhiều ngụ ý về thú đam mê trần tục và các mối nguy bất định, ẩn náu dưới đó. Có người liệt nó vào chuyện loạn luân. Mãi đến cuối thế kỷ 20 (1986) một bác sĩ đã nhiệt liệt tán dương, giải thích rằng: tác giả ngụ ý mục đồng là kẻ đầu tiên mắc bệnh giang mai. Ở bên trái, có bộ mặt thống khổ, điểm vào triệu chứng bệnh hoạn và một hai hiệu quả phụ về chữa trị thế kỷ 16. Ngụ ý tình yêu bất chính sẽ sinh bệnh giang mai, mọc mụn lỗ chỗ như tổ ong, bằng hình ảnh đứa trẻ ham vui thú xác thịt thì hậu quả đau khố khó thoát. Thời gian trôi qua sẽ nảy ra chứng bệnh, khi giật phăng phông xanh, để lộ điều ẩn dấu trong Vệ Nữ và tiểu thần ái tình Cupid.

TINH THẦN CORREGGIO

Họa sĩ mang tinh thần kiểu thức Hậu Phục hưng là Correggio (tên họ: Antonio Allegri, 1489-1534). Ông sống ở Parma, là một trong nhiều họa sĩ vĩ đại, trong ông có ý thức mạnh mẽ về ánh sáng và đặc điểm tinh thần. Correggio là hậu bối của họa sĩ đại gia Mantegna nội tâm vững mạnh, thổi vào hồn ông đầy sự hợp lý và còn rất đáng yêu nữa.

 Bức “Thần Vệ nữ, dâm thần Satyr và Cupid”, Correggio vẽ năm 15241525, khổ 124 x 190cm.

Bức “Thần Vệ nữ, dâm thần Satyr và Cupid”, Correggio vẽ năm 15241525, khổ 124 x 190cm.

Khúc ngoặt đáng kể trong đời nghệ sĩ của Correggio sau thời gian ông đến Roma (trong thời trẻ), nhờ chiêm ngưỡng các danh tác của Michelangelo và của Raphael. Chẳng bao lâu, ông trở thành một trong những nghệ sĩ hàng đầu ở Parma. Bức Thần Kệ nữ, dâm thần Satur và Cupid hoàn toàn buông thả xác thịt, tuy trinh trắng về thân xác, mô tả sinh hoạt tình cảm trước thời bị đuổi khỏi vườn địa đàng (Eden), mỗi thân xác phản chiếu ánh trăng cách riêng, tỷ lệ sai biệt có phần tế nhị, nhưng vì thế mà đạo lý ổn thỏa.

Bức “Hôn nhân bí ẩn của Nữ thánh Catherine”, Correggio vẽ năm 15101515, khổ 21 x 28cm.

Bức “Hôn nhân bí ẩn của Nữ thánh Catherine”, Correggio vẽ năm 15101515, khổ 21 x 28cm.

Có thứ xác thịt ngọt ngào giống nhau như thế trong tranh tôn giáo của ông, như bức “Hôn nhân bí ẩn của Nữ thánh Catherine”. Theo truyền thuyết, Catherine có mộng triệu, thấy Chúa Hài Đồng đưa bà nhẫn đính hôn, sự thật chẳng phải vậy, mà nó chứa ý sâu xa, dâng hiến trên hết là nguyện thề trong trắng. Thánh Catherine quì gối, quên cả đồng môn đang cúi mình tỏ lòng kính trọng. Cả bức họa tuy nhỏ nhưng tình cảm dạt dào, truyền đạt lý thiêng liêng.

Họa sĩ Correggio quan trọng ở chỗ ông là điểm nối của Phục hưng sang phong cách mới. Thực ra, ông đóng góp rất lớn vào biểu thức Hậu Phục hưng và Baroque, nhất là bích họa thần kỳ trên vòm trần đại thánh đường ở Parma.

Rủi thay, bích họa này không sao chép được nên chúng tôi và khán giả đành đứng trong thánh đường Parma ngửa Cổ ngắm nghía bức “Thánh Nữ Đồng Trinh Thăng Thiên”, đến thánh đường San Giovanni Evangelista, lại ngóng lên mà thán phục bức “Cánh mộng của Thánh John truyền Phúc âm”. Họa sĩ đã khéo tận dụng tài năng kỹ xảo phi thường của phong cách tận mỹ.

NÉT TAO NHÃ CỦA PARMIGIANINO

Bức “Đức Mẹ cố thiên nga”, Parmigianino vẽ năm 1534-1540, khổ 132 x 215cm.

Bức “Đức Mẹ cố thiên nga”, Parmigianino vẽ năm 1534-1540, khổ 132 x 215cm.

Parmigianino (Girolamo Francesco Maria Mazzola, 1503-1540) là một nghệ sĩ tao nhã tuyệt đỉnh, đã thu tóm mọi chất duyên dáng vào kiệt tác “Đức Mẹ cổ thiên nga” là tác phẩm lẫy lừng và điển hình nhất của ông. Hình dáng Đức Mẹ trông tựa thiên nga. Bà ngồi giữa khung cảnh khói sương hoang phế, cổ bà cao đẹp, cả Chúa Hài Đồng cũng vậy. “Ngài” nằm thông trên đùi Đức Mẹ thật thoải mái, như trên đời không có lực làm rơi rớt. Trong đám đông, một thiên thần chân dài thanh tú, đẹp mê hồn. Nhìn chung, mọi thứ như theo một hướng bốc lên, tương tự cây cột mé sau, như muốn vươn lên trời và hút cả tầm mắt ta vào sự cuốn hút như thế.

DOSSI Ở FERRARA

Bức “Yêu nữ và người tình ngoài dã ngoại”, Dosso Dossi vẽ năm 1525, khổ 136 x 101cm.

Bức “Yêu nữ và người tình ngoài dã ngoại”, Dosso Dossi vẽ năm 1525, khổ 136 x 101cm.

Dosso Dossi (1490-1542), ông cũng theo phong cách mô tả ánh sáng kỳ dị như họa sĩ Parmigianino. Ông là họa sĩ cung đình dưới triều Lucregia Borgia, người ta đoán nàng Borgia đã gợi nguồn hứng khởi cho tác phẩm huyền ảo “Yêu nữ và người tình ngoài dã ngoại”. Đây là một bức họa mê hồn, gồm hai ấn ý, không những vì hiểu lầm thân xác nàng Circe, một chân ẩn sau áo quần. Mới nhìn ta thấy thiếu thiếu, như thể nàng ta bước ra từ một nơi xa xôi nào. Nhóm đàn ông bị hóa thành thú vật vừa gây xúc động lại pha nét khôi hài qua tài nghệ quái ác mà hợp tình theo gợi ý của nữ chủ Borgia. Tuy Yêu nữ Circe mang nét mặt khao khát, và có lẽ điểm nhấn mạnh nhất trong tranh là nỗi buồn và sự mong mỏi.

LOTTO Ở VENICE

Bức “Nữ thánh Catherine”, Lorenzo Lotto vẽ năm 1522, khổ 50 x 57cm.

Bức “Nữ thánh Catherine”, Lorenzo Lotto vẽ năm 1522, khổ 50 x 57cm.

Họa sĩ này cũng lấy hứng từ lòng buồn dạt dào, tên họ ông là Lorenzo Lotto (1480-1556), đặc tính nổi bật của ông là diễn tả cao độ, khéo pha trộn nét u buồn chê chán trong tính hiếu kỳ ta thường gặp. Ông luôn làm ta giao động, dẫn ta vào sự trầm tư. Màu sắc của ông chịu ảnh hưởng của Giovanni Bellini ở Venice. Đặc biệt Lotto rất nổi tiếng về chân dung, số phận lạ lùng và tầm nhìn sâu sắc của ông đã vén ra một chân trời “muôn hồng ngàn tía”. Dù đó là một hình tượng tôn giáo, nó vẫn sáng tạo khác thường, như trong bức “Nữ thánh Catherine “bà nghiêng cái đầu duyên dáng và ngắm chúng ta đầy vẽ tư lự. Bà dấu bớt vòng gai trước chiếc áo choàng xanh lá cây, và buông đôi tay mũm mĩm xuống trước ngực. Chúng ta khó tin Catherine là nữ thánh mà chỉ là một phụ nữ đích thực, được Lotto vẽ ra hết sức minh bạch.

BECCAFUMI Ở SIENA

Bức “Thiên thần thất sủng nổi loạn”, Domenico Beccafuni vẽ năm 1524, khổ 225 x 345cm.

Bức “Thiên thần thất sủng nổi loạn”, Domenico Beccafuni vẽ năm 1524, khổ 225 x 345cm.

Domenico Beccafumi (1485-1551), đại danh họa cuối cùng người Sienese trong thời Phục hưng cực thịnh, cũng như Dossi, là đại danh họa cuối cùng người Ferrarese. Ông không phải là một nghệ sĩ dễ dãi, đặc biệt khi ông chuyển sắc đột ngột từ tối ra sáng, các nhân dạng có tầm vóc kỳ dị, vẽ bằng màu gắt, làm ta nhớ lại phong cách hậu phục hưng Florentine của họa sĩ Rosso Fiorentino. Nhân dáng của Beccafumi, vẽ ra ngồn ngộn trước mắt ta như hỗn độn. Ông vận dụng tầm xa gần theo mình một cách tinh vi như trong bức “Thiên thần thất sủng nổi loạn” là những hình dạng nhạt nhòa như ảo ảnh hoảng loạn, nhưng nó đã in đậm trong trí người Sienese vô cùng ngọt ngào.

EL GRECO: ẢO ẢNH ĐAM MÊ

Danh họa lừng lẫy hơn cả trong số họa sĩ Tây Ban Nha theo phong cách Hậu Phục hưng chính là El Greco (tên họ Domenicos Theotokopoulos, 1541-1614, biệt danh “El Greco” lấy tên từ đảo ông sinh ra ở Crete). Gốc gác nghệ thuật của ông khá đa dạng, ông đi Venice, Rome, Tây Ban Nha, sau cùng ở lại Toledo đến cuối đời. Ảnh hưởng giáo lý Thiên chúa giáo ông hấp thụ ở Tây Ban Nha, đã lộ ra trong tác phẩm của ông, trong đó niềm đam mê và kiềm chế theo niềm tin và chủ nghĩa Plato cách tân, đã quấn quít đan xen cùng với sự mật nhiệm, chống lại phải cải cách Giáo hội La Mã trong thế kỷ 16.

Greco vẽ nhân vật nào cũng kéo dài. Ông vẽ gam màu mạnh mẽ lạ thường và phổ niềm đam mê của ông vào chủ đề một cách nồng nhiệt, mọi cái đó hòa trộn, tạo ra một phong cách rất riêng, rất độc đáo. Chính ông là ngòi nổ vĩ đại, đồng thời cũng là nút chặn ngòi. Đó còn là cái nhãn trần trụi, đóng thẳng vào mọi họa phẩm ông sáng tác. Thêm vào gia tài phong phú cho thành viên, Florence và Siena, ông còn nhồi vào đó truyền thống Byzantine, không chỉ là hình mà còn là tinh thần (dù trước kia ông chuyên học vẽ hình tượng ở đảo Crete). El Greco thường vẽ tượng thờ, nên nó đã đúc kết trong tâm tư ông một hồn thiêng lạ lùng.

Bức “Đức Mẹ, Chúa Hài Đồng và các thảnh”,  El Greco vẽ năm 1597-1599, khổ 103 x 194cm.

Bức “Đức Mẹ, Chúa Hài Đồng và các thảnh”,  El Greco vẽ năm 1597-1599, khổ 103 x 194cm.

Trong họa phẩm “Đức Mẹ, Chúa Hài Đồng và các thánh” từ con sư tử của nữ thánh Marrina, con cừu của thánh Agnès, hút lên tạo nét cân bằng, cành cọ chỉ sự Tử vì đạo mảnh mai như búp măng. Chúng ta bị cuốn hút lên khó cưỡng lại qua mặt các tiểu thiên thần và bộ y phục mượt mà của Đức Mẹ, khiến làn mây chênh chếch bên trên kỳ lạ, mỏng manh như tờ mây, cuồn cuộn bay lên xuyên tà áo của Mẹ. Chúng ta như được kéo vào giữa và trên Chúa Hài Đồng, và trên nét mặt trái soan bình yên của Mẹ. Theo đường chuyển động, mắt ta chịu sự điều động của El Greco trong khi ở mấy góc, các khuôn mặt cầu nguyện, kiềm ta ở nguyên vị.

CÂU HỎI CÒN ĐÓ

Bức “Laocoỏn”, El Greco vẽ năm 1610, khổ 173 x 137cm.

Bức “Laocoỏn”, El Greco vẽ năm 1610, khổ 173 x 137cm.

El Greco chủ về điều khiển tâm linh, mà lớn nhất, tuyệt nhất là sức chủ động lôi kéo của ông. Kể cả khi ta chưa thực hiểu tranh, như trong bức “Laocoòn”, chúng ta không ngờ điềm gở diễn ra đã tự giới hạn mình tham gia vào đó. Rõ ràng giáo sĩ thành Troie và hai con ông ta. Nhưng mấy phụ nữ trần truồng là ai? Một người dường như có hai đầu? Và nếu xem như có cái đầu kia vì tranh chưa vẽ xong thì chẳng hợp tí nào. Bức Laocoòn được vẽ thêm vào, sau khi El Greco qua đời, và “cái đầu thứ hai” nhìn vào ta thấy đã bị xóa sạch, trong khi hai người trần truồng bên phải được đóng khố nhưng sau này chi tiết đó được phục hồi đúng như hình dạng ta thấy bây giờ.

Hai con rắn gầy yếu vậy nhưng không hiểu sao hai người mạnh khỏe thế kia mà phải lúng túng với chúng? Chúng ta cảm thấy đó là ngụ ý chứ không phải vậy – mà là cái ác và sự quyến rũ lấn lướt cuộc sống con người. Kể cả núi non và gió mây trên trời cũng thiếu vẻ thực, lộ rõ tính hư ảo, siêu thực.

Càng biết ít, ta càng bị mê hoặc trước họa phẩm này chỗ nó ẩn giấu ý nghĩa mà El Greco quan tâm bậc nhất. Do đó ông đã truyền thông tính cách hơn là chất liệu, toát ánh le lói, dù chúng ta không giải quyết được các bí ẩn vẫn không cảm thấy nó xa lạ, mà không một nghệ sĩ đương thời nào có thể đẩy tính cách lên và duy trì nó ở mức cao độ được như El Greco.

 

Credit

Images from wikimedia.com

 

Bài viết Lịch sử hội họa – Part 17: Mannerism – Một lối vượt thoát Phục Hưng đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Học chụp ảnh – Chụp ảnh sản phẩm – Chụp ảnh doanh nghiệp – ChimkudoPro.

Tháng Một 4, 2019
Copyright 2014-2024 by © Học viện nhiếp ảnh thương mại Chimkudo Academy. All rights reserved.
G-9PLYN8GE4Z