fbpx
  • No products in the cart.

  • LOGIN

Liệu mạng xã hội có đang huỷ hoại nhiếp ảnh?

Cuộc cách mạng kỹ thuật số đã tạo ra những ảnh hưởng vô cùng sâu sắc tới nhiếp ảnh. Giờ đây, bạn không chỉ chụp ảnh một cách dễ dàng hơn bao giờ hết, mà bạn còn có thể chỉnh sửa và in hình ảnh, thậm chí chia sẻ chúng với hàng triệu khán giả. Bạn có thể yêu hay ghét, nhưng không thể phủ nhận rằng mạng xã hội (dưới bất kì hình thức nào) là một cách tuyệt vời để chia sẻ hình ảnh của bạn. Trên thực tế, nếu không có nó thì bạn nghĩ bao nhiêu người thực sự sẽ nhìn thấy hình ảnh của bạn? 

Các mạng xã hội được các nhiếp ảnh gia ưa chuộng và sử dụng nhiều nhất phải kể đến Instagram, Facebook, Twitter và YouTube. Mỗi mạng xã hội lại phục vụ một mục đích khác nhau, mặc dù tất cả đều được sử dụng để chia sẻ hình ảnh, trong đó Instagram, Facebook và Twitter thường được sử dụng để chia sẻ và làm nổi bật nội dung trên các blog của nhiếp ảnh gia và các kênh YouTube. Và chính YouTube đã giúp chúng ta đến gần hơn với việc vlogging, giúp một số nhiếp ảnh gia được biết tới nhiều hơn và thậm chí cung cấp cho họ nguồn thu nhập ấn tượng. Những ngày này, mọi người đều muốn trở thành ‘Instafamous’ (người nổi tiếng trên Instagram).

Điều hữu ích nhất mà mạng xã hội làm cho nhiếp ảnh là nó giúp mọi người dễ dàng chia sẻ và sử dụng hình ảnh, ý tưởng, mẹo và kỹ thuật, không kể đến việc gặp gỡ mọi người và hình thành các cộng đồng nhỏ. Vì vậy, có thể nói mạng xã hội là một trợ thủ đắc lực cho các nhiếp ảnh gia – nhưng tất nhiên nó cũng có những điểm trừ. 

“NGƯỜI GIỮ CỬA” MẠNG XÃ HỘI

Instagram được coi như là sinh ra để dành cho các nhiếp ảnh gia, bởi cốt lõi của nó là nền tảng dựa trên việc chia sẻ hình ảnh. Ở đây bạn sẽ tìm thấy mọi thể loại nhiếp ảnh và có thể theo dõi các cá nhân và cộng đồng chia sẻ hình ảnh mà bạn quan tâm. Những ngày đầu của Instagram thì nó rất ổn, nhưng trong những năm gần đây, thuật toán khác đã được sử dụng để quyết định nội dung nào phù hợp nhất đối với bạn, thay vì bạn thấy một những bài đăng được sắp xếp theo trình tự thời gian từ những người mà bạn đang theo dõi như trước đây.

Thuật toán này cũng được áp dụng với Facebook – công ty sở hữu Instagram và là kết quả của việc công ty kiếm tiền từ các nền tảng thông qua các bài đăng quảng cáo và tài trợ. Twitter cũng là nền tảng tương tự ở nhiều khía cạnh, mặc dù vẫn còn thuật toán sắp xếp nguồn cấp dữ liệu theo trình tự thời gian. Mặt khác, YouTube lại đề xuất các video tương tự với các video mà bạn đã tìm kiếm, nhưng kèm theo quảng cáo được nhúng trong video, bạn có thể xem bất cứ thứ gì bạn muốn, trong khi YouTube và người chủ kênh vẫn có thể kiếm được tiền.

GU THẨM MỸ TRÊN “MẠNG XÃ HỘI”

Nhiều nhiếp ảnh gia ngày nay thể hiện niềm đam mê nhiếp ảnh của họ thông qua các mạng xã hội hơn là sách, tạp chí và phòng trưng bày nghệ thuật như trong quá khứ, điều đó có nghĩa là khái niệm nghệ thuật mới đang dần xuất hiện trong hầu hết các thể loại nhiếp ảnh. 

Khả năng để một bức ảnh có thể trở thành “cơn sốt”, hoặc đơn giản là được chia sẻ bởi một tài khoản có lượng người theo dõi lớn, đồng nghĩa với việc một phong cách hình ảnh hoặc cách chỉnh sửa ảnh dù mới hay cũ cũng đang được rất nhiều người biết tới. Và điều hiển nhiên là những phong cách này sẽ nhanh chóng bị bắt chước và chia sẻ rộng rãi.  

Những kiểu hình ảnh này thường vừa sáng tạo vừa thú vị, nhưng luôn hàm chứa một khía cạnh nào đó khiến chúng nổi bật trên mạng xã hội. Vấn đề là chúng như một con dao hai lưỡi có thể khiến những nhiếp ảnh gia thiếu kinh nghiệm coi đó là một lựa chọn được lòng số đông, sẽ khiến mọi người like và comment nhiều hơn. Có rất nhiều sự hài lòng “ăn liền” – và không phải ai cũng thích điều đó, nhưng câu hỏi đặt ra là điều này thể hiện sự thành công hay cung cấp một nền tảng vững chắc để phát triển hay không? 

HÌNH ẢNH CŨNG BIẾT “NÓI LẮP”

Ý tưởng về việc các nhiếp ảnh gia đi đến các danh lam thắng cảnh nổi tiếng và gần như theo nghĩa đen “đặt chân máy vào đây” để chụp bức ảnh cổ điển của một địa điểm đã có từ nhiều thập kỷ. Nhưng nhờ vào mạng xã hội, phạm vi tiếp cận toàn cầu của các nền tảng này giúp mọi người có thể đi từ rất xa đến để có được bản sao chính xác của hình ảnh cổ điển đó.

Một sàn giao dịch mới ở London hướng về Nhà thờ St Paul; một cảnh quay không người lái của Old Harry Rocks nhìn từ đất liền ra biển, từ Lago Di Braies ở Ý nhìn xuống những bậc thang gỗ nơi có những chiếc thuyền gỗ đang neo đậu với những ngọn núi mù sương ở phía sau, nhiều địa điểm khác ở Iceland và nhiều rất nhiều nơi khác nữa. Tôi phải thú nhận rằng, tôi rất thích chụp ở tất cả những nơi này – nhưng đồng thời một phần trong tôi không bao giờ muốn nhìn thấy hình ảnh của chúng nữa.  Một vấn đề khác là khi các cá nhân dùng mạng xã hội để tìm tất cả các tài liệu tham khảo (địa điểm, bố cục và chỉnh sửa), quan điểm của họ về thế giới trở nên vô cùng hạn hẹp. Vậy tại sao điều này lại trở thành một vấn đề? Nếu bạn là một nhiếp ảnh gia nghiêm túc với nghề, hoặc một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp khao khát bán được hình ảnh của mình, bạn sẽ phải vật lộn để làm cho tác phẩm của bạn nổi bật giữa hàng ngàn hình ảnh đã được chụp ở một vị trí nổi tiếng. Tất cả những gì bạn cần là sự khác biệt, một cái gì đó thực sự nổi bật.

DÂN CHỦ HOÁ NHIẾP ẢNH

Câu hỏi đặt ra là, có phải mạng xã hội đang làm hỏng nghề nhiếp ảnh? Câu trả lời súc tích nhất là có, và không. Giống như mọi thứ trong cuộc sống đều có cả 2 khía cạnh tích cực và tiêu cực. Internet, hay cụ thể là mạng xã hội, cũng góp phần dân chủ hóa nhiếp ảnh.

Thời kì của câu lạc bộ những chàng trai già, nơi các kỹ thuật được bảo mật chặt chẽ và chỉ được truyền từ nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp sang trợ lý của họ, đã thực sự qua rồi. Tất nhiên, có thể vẫn còn ở đâu đó, nhưng thực tế hãy nhập bất kỳ kỹ thuật nhiếp ảnh nào vào thanh công cụ tìm kiếm trên YouTube và bạn sẽ nhận ngay kết quả với rất nhiều video hướng dẫn.

Mặc dù vậy, việc dân chủ hóa nhiếp ảnh không phải nợ mạng xã hội cái gì cả. Trước Facebook, Twitter, Instagram và YouTube, blog là cách mọi người chia sẻ ý tưởng trực tuyến và nền tảng blog vẫn đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. 

Mạng xã hội mang đến cho nhiếp ảnh gia cả những mặt tốt và mặt xấu, và quan trọng là mỗi cá nhân biết cách cân đối giữa hai mặt ấy như thế nào cho hợp lí. Đối với tôi, điều tích cực là nhiếp ảnh đã “mở cửa” hơn tới cộng đồng, giúp mọi người chia sẻ ý tưởng, địa điểm và kỹ thuật; Đây chính là thời điểm chín muồi nhất để bắt đầu học nhiếp ảnh, hoặc để phát triển kỹ năng và kiến ​​thức sẵn có của bạn.  

Bản chất cốt lõi của mạng xã hội là nơi mọi người thu thập tất cả cảm hứng từ chính bản thân họ, từ địa điểm chụp đến ý tưởng sáng tạo và phong cách chỉnh sửa. Vì vậy, điều quan trọng cần ghi nhớ là còn nhiều nơi để tìm cảm hứng, không chỉ trên mạng xã hội và internet.  

Đừng quên đọc sách và tạp chí, hoặc ghé thăm các phòng trưng bày nghệ thuật. Và đâu ai biết được mạng xã hội sẽ ở đâu sau 10 năm nữa, cho nên không thể nói trước được gì. Nhưng với sự phát triển như vũ bão của nó bây giờ, tội gì mà không tận dụng và sử dụng nó để làm lợi thế cho bạn ngay khi có thể.

Credit

Translated from TechRadar
Bản quyền bài dịch thuộc về Học viện nhiếp ảnh Quảng cáo Chimkudo Academy
Không được trích dẫn toàn bộ hay một phần khi chưa có sự đồng ý

Bài viết Liệu mạng xã hội có đang huỷ hoại nhiếp ảnh? đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Học chụp ảnh – Chụp ảnh sản phẩm – Chụp ảnh doanh nghiệp – ChimkudoPro.

Tháng Hai 5, 2020
Copyright 2014-2024 by © Học viện nhiếp ảnh thương mại Chimkudo Academy. All rights reserved.
G-9PLYN8GE4Z