Nhân thể đọc được 1 câu comment trên fb:”Anh chị cứ yên tâm chụp đi, về hậu kì ảo tung ngay ấy mà” – Câu nói mà rất nhiều người đã, đang và sẽ nói với khách hàng của mình một cách rất thường xuyên nhưng nó ẩn chứa những nguy hiểm và hậu quả khôn lường. Chúng ta thường quá ư dễ dãi trong việc bỏ qua những thứ, đáng nhẽ có thể chuẩn bị và hoàn thành tốt ở tiền kì nhưng rồi lại để mặc cho nó ở khâu hậu kì. Thời buổi của PS đã tạo ra những tâm lý để mặc những sai sót đáng nhẽ có thể khắc phục nhưng lại phó mặc cho PS và có những thứ PS cũng ko cứu được.
Sau đây mình điểm qua vài mục tại sao chúng ta không nên lệ thuộc quá nhiều vào PS
1. Fix bố cục chuẩn khi chụp giúp chúng ta tăng cường khả năng thẩm mỹ và tính kiên trì, tỉ mỉ
Chúng ta có thể hoàn toàn chụp rộng ra và sau đó về nhà crop lại để đạt được bố cục mong muốn. Nếu điều kiện không quá khó khăn, hay thực hiện việc compose ngay khi chụp, nó giúp chúng ta tăng cường khả năng sáng tạo và tưởng tượng hơn là để nó ở khâu hậu kì. Dần dần, khả năng bố cục đẹp sẽ trở thành 1 bản năng. Hơn nữa, việc crop ảnh sẽ làm giảm độ phân giải của ảnh – điều mà chúng ta hoàn toàn không mong muốn.
2. Khách hàng muốn thấy được hiệu quả ngay tức thì
Khách hàng luôn không thích chờ đợi, sẽ là quá tuyệt vời nếu chúng ta có thể out ra được ảnh đẹp ngay khi chụp cho khách hàng, hơn là bảo:”Trông thế thôi nhưng hậu kì được, yên tâm”. Sẽ chẳng có khách hàng nào muốn như vậy hay ít ra họ sẽ không thoải mái. Một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp sẽ cần ít thời gian để hoàn thiện nó khi đã có sự chuẩn bị rất cầu kì hơn nhiều lần thời gian trước khi chụp. Hơn nữa, chụp cái đẹp ngay cũng thể hiện trình độ và đẳng cấp của một nhiếp ảnh gia.
Nên nhớ, chúng ta là nhiếp ảnh gia, không phải chuyên gia PS
3. Sai về lighting không thể khắc phục hoàn toàn trong photoshop
Làm chủ lighting là nhiệm vụ căn bản nhất của bất kì nhiếp ảnh gia nào, nếu chúng ta set light không đúng với các đối tượng khác nhau thì sự khác biệt là không thể sửa chữa và khắc phục bằng photoshop.
Trong nhiếp ảnh thương mại, đặc biệt là nhiếp ảnh sản phẩm thì hiểu biết về sử dụng ánh sáng sẽ quyết định chất lượng của các tấm ảnh chụp ra. Có những thứ chỉ ưa 1 loại ánh sáng nào đó mà không thể chụp bằng các loại ánh sáng khác. Trong ảnh phong cảnh cũng vậy, việc lựa chọn thời gian chụp trong ngày cũng quyết định việc ánh sáng trong bức ảnh của chúng ta có tốt và tạo được hiệu ứng đẹp hay không
4. Chụp ít thôi nhưng dùng được nhiều
Khách hàng thường muốn có nhiều ảnh, điều này nhiều lúc nghe hơi buồn cười với dân trong nghề nhưng khách hàng muốn nhiều ảnh – đó là điều không thể chối cái. Tuy nhiên nếu chúng ta ko có trách nhiệm với từng khung hình thì nó dần dần sẽ hủy hoại sự tỉ mỉ, chăm chút cho những shot hình, cuối cùng sẽ dẫn tới việc ngập trong hàng trăm bức ảnh na ná nhau mà không một cái nào dùng được. Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta đã từng có lần ngồi mày mò nhiều giờ đồng hồ chỉ để lọc ra những tấm ảnh dùng được. Vậy thì hãy hãy có trách nhiệm với từng lần bấm shutter, nó sẽ tiết kiệm cho chúng ta thời gian, quan trọng hơn, nó thể hiện sự trân trọng của người cầm máy với nhiếp ảnh.
5. PS không làm được tất cả
Ví dụ đơn cử những ai đã sử dụng filter CPL sẽ hiểu được sâu sắc điều này. Có những thứ PS không thể tạo ra cho chúng ta, hoặc giả nếu nó làm được thì cũng mất rất nhiều thời gian. Trong thời buổi hiện nay, thời gian là tiền bạc.
Như chúng ta có thể thấy hiệu ứng của CPL filter ở ảnh trên cho phép chúng ta nhìn xuyên qua mặt nước xuống đáy của đài phun nước, đây là điều không thể đạt được bằng Photoshop.
Kết luận: Thay vì dành hàng nhiều giờ đồng hồ để ngồi kì cọ các tấm ảnh, hãy chuẩn bị cho các shot hình thật tốt và chỉ bấm máy khi hình dung về shot hình đã giống như những gì chúng ta mong muốn. Hơn nữa, hãy chịu khó học, đọc và thực hành nhiều vì Chuyên nghiệp = Thời gian, không có cách nào nhanh để chúng ta trở nên giỏi giang, đừng ăn xổi. Thay vì nói với khách hàng rằng:”Tôi sẽ hậu kì sau“, hãy nói “Ảnh cuối cùng sẽ như thế này này”
– Bản quyền bài viết thuộc về © Học viện nhiếp ảnh thương mại ChimkudoPro
Mọi trích dẫn phải đính kèm link gốc tới bài viết
Phản hồi gần đây