Nhiếp ảnh trừu tượng, hay còn có thể được hiểu là nhiếp ảnh thử nghiệm (experimental) hay nhiếp ảnh vô định (non-objective), là lĩnh vực nhiếp ảnh với những đối tượng tách biệt với những đặc điểm nhận dạng thông thường. Tiếp thu động lực từ thành công của những nhiếp ảnh gia như Alvin Langdon Coburn và Paul Strand, nhiếp ảnh trừu tượng đã từ lâu trở thành phương tiện để nhiếp ảnh gia tìm lại những giá trị căn bản nhất của nhiếp ảnh.
Sự trừu tượng hóa góp phần không nhỏ trong công cuộc nâng cao giới hạn của phương thức nhiếp ảnh. Trong bài viết ngày hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về những cách chụp ảnh trừu tượng truyền cảm hứng cho nhiếp ảnh gia ở mọi lĩnh vực nhiếp ảnh khác.
MẮT NHÌN CHI TIẾT
Một trong những cách chính để tạo ra những bức ảnh trừu tượng là cô lập đối tượng. Việc này có nghĩa là zoom cận cảnh vào những chi tiết nhỏ của chủ thể, tập trung hoàn toàn vào những đối tượng ít ai để ý đến. Qua đó, bối cảnh của bức ảnh gần như bị bỏ qua và bị thay thế hoàn toàn bởi những tiểu tiết mang tính thân mật, cũng từ đó mà đối tượng thường bị bỏ quên sẽ có một ý nghĩa đặc tả cao hơn.
Cũng vì ảnh trừu tượng đặt tầm quan trọng lớn lên những chi tiết nhỏ như vậy nên những nhiếp ảnh gia thuộc trường phái này hay có mắt nhìn rất tỉ mỉ. Theo một cách tự nhiên thì mắt nhìn này cũng rất hữu ích khi nhiếp ảnh gia cần chụp những đối tượng khác, nó sẽ giúp họ tìm ra những yếu tố thú vị trong một khung cảnh rộng dễ dàng hơn.
Thông qua abstract photography, bạn sẽ có cảm quan tốt hơn về hiệu ứng thị giác mà từng đối tượng khác nhau đem lại. Sự thông hiểu này sẽ giúp những bức ảnh của bạn kích thích người xem một cách sâu sắc hơn.
THỬ NGHIỆM
Trừu tượng hóa còn mở rộng định nghĩa của con người về nhiếp ảnh bằng những cách tân mới mẻ. Tất nhiên, những ngành nhiếp ảnh khác cũng có những thử nghiệm mới của riêng chúng. Nhưng về bản chất, nhiếp ảnh trừu tượng chú trọng vào việc tiếp cận đối tượng chụp theo một cách khác lạ. Điều này sẽ kích thích sự sáng tạo của nhiếp ảnh gia hơn ngay cả khi tham gia vào những lĩnh vực khác.
Sử dụng những quy trình mới, những kỹ thuật máy ảnh mới hay những phương pháp xử lý hình ảnh mới,…. ảnh trừu tượng giúp tìm hiểu về đặc tính biểu cảm của những phương thức mới mẻ và sáng tạo thông qua sự thử nghiệm không ngừng.
Những nhiếp ảnh gia như Andrew S.Gray, Wolfgang Tilmans và Barbara Kasten đều đẩy xa khả năng của nghệ thuật nhiếp ảnh lên một tầm cao mới. Những công trình của họ cũng như của vô vàn những nhiếp ảnh gia trừu tượng khác đều là những minh chứng cho khả năng mở mang tầm nhìn trong giới nhiếp ảnh của lĩnh vực nhiếp ảnh này.
PHÁT TRIỂN CÁI TÔI NGHỆ THUẬT
Nhiếp ảnh trừu tượng mang tính cá nhân rất cao, mỗi nhiếp ảnh gia đều có một góc nhìn trừu tượng khác nhau. Trừu tượng hóa cứ như vậy hàm chứa được những cảm xúc cá nhân, những ý tưởng và những trải nghiệm của nhiếp ảnh gia. Bạn càng chụp nhiều ảnh trừu tượng thì bạn sẽ càng dễ dàng phát hiện được những đối tượng hứng thú với bản thân mình, và bạn sẽ càng có nhiều cơ hội để trau dồi kỹ năng.
Lĩnh vực này vốn không có đúng và sai. Thực chất, bạn có thể còn chẳng cần đến một chiếc máy ảnh. Hãy coi chụp ảnh trừu tượng như một không gian tự do để bạn có thể thoải mái hình thành một gu thẩm mỹ của riêng bạn và áp dụng nó vào cả những lĩnh vực nhiếp ảnh khác.
MỘT KHỞI ĐẦU MỚI MẺ
Việc luôn phải tuân theo những khuôn khổ thông thường của những ngành nhiếp ảnh mang tính truyền thống hơn có thể sẽ khiến nhiều người khó tìm ra sự sáng tạo của mình. Nhiếp ảnh trừu tượng cho phép người chụp thoải mái hơn về những quy tắc thông thường để tuân theo những rung động mang tính bản năng của nhiếp ảnh gia. Từ đó mà nó có thể là một cách hay để bạn chạy trốn khỏi những khuôn mẫu thường ngày để tìm lại niềm vui sáng tạo trong nhiếp ảnh.
Sự trừu tượng hóa yêu cầu người chụp phải bắt được những đối tượng có thể gợi được những cảm giác cá nhân. Những đường nét hợp mắt, những chất liệu thú vị, những màu sắc chớp nhoáng,… Thông qua đó, nhiếp ảnh trừu tượng là con đường dẫn nhiếp ảnh gia về với những giá trị căn bản của nhiếp ảnh và sáng tạo.
TRAU DỒI KHẢ NĂNG LẤY BỐ CỤC
Mặc dù không có những đối tượng khách quan, abstract photography vẫn yêu cầu những kiến thức cơ bản về bố cục để hình thành cảm quan thị giác. Những yếu tố về hình khối, đường nét, màu sắc và chất liệu vẫn có ý nghĩa quan trọng như trong những lĩnh vực nhiếp ảnh khác. Đồng thời, những quy tắc bố cục như quy tắc ⅓ hay quy tắc đường dẫn vẫn có khả năng đưa mắt người xem một cách hiệu quả.
Lĩnh vực này không chỉ rèn luyện phản xạ nhiếp ảnh, nó còn có thể chỉ ra những lỗ hổng trong kiến thức về bố cục và khai phá những hướng đi mới khi tiếp cận một đối tượng. Những phát hiện trong khuôn khổ của ảnh trừu tượng sẽ theo bạn đến những lĩnh vực nhiếp ảnh khác và giúp bạn tìm ra những điều còn thiếu trong quá trình làm ảnh thực tiễn của mình.
KẾT LUẬN
Nhiều khi người ta tiếp cận abstract photography bằng con mắt khó hiểu và lo lắng. Tuy nhiên khi đã bắt tay vào làm thì ảnh trừu tượng thường sẽ đem lại sự tự do và hưng phấn.
Nhiếp ảnh trừu tượng yêu cầu sự sáng tạo, tư duy phản biện và phát triển mang tính cá nhân. Thế giới nhiếp ảnh sẽ thật cứng nhắc và tù túng biết bao nếu như không có sự tự do mà nhiếp ảnh trừu tượng đem lại.
Ảnh trừu tượng còn khuyến khích sự tập trung vào chi tiết, thử nghiệm cũng như kỹ năng của người chụp. Nó còn có thể là một phút giải lao khỏi sự kiệt quệ về mặt sáng tạo. Nó niềm nở chào đón cá tính của nhiếp ảnh gia, việc tập luyện chụp ảnh trừu tượng cũng đưa người nhiếp ảnh gia về những nền tảng cơ bản nhất của việc nhiếp ảnh nói chung.
Credits:
Bài viết gốc bởi Megan Kennedy tại: digital-photography-school.com
Dịch bởi Chimkudo Academy. Yêu cầu không trích dẫn nếu chưa được sự đồng ý.
Bài viết Nhiếp ảnh trừu tượng: Không chỉ là sân chơi của nghệ sĩ đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Học chụp ảnh – Chụp ảnh sản phẩm – Chụp ảnh doanh nghiệp – ChimkudoPro.
Phản hồi gần đây