fbpx
  • No products in the cart.

  • LOGIN

Tại sao nhiếp ảnh gia phải biết làm video?

Hiện nay, video đã trở nên rất phổ biến trên khắp thế giới. Thời lượng xem video, số lượng người xem video đều tăng rất nhanh hàng ngày. Theo thống kê trên Youtube, mỗi ngày có khoảng 5 tỷ video được xem và mỗi phút có 300 giờ video được tải lên. Youtube có khoảng 1,9 tỷ user hoạt động hàng tháng (chưa tính những người không sử dụng tài khoản, nguồn, tháng 6/2018). Vì vậy, với content marketing, đây thực sự là thị trường vô cùng tiềm năng và có sức hút cực lớn. Nếu bạn chưa biết lý do tại sao NAG nên làm content marketing, hãy đọc bài viết này.

Thế giới đã dần dần chuyển sang xem video

Thế giới đã dần dần chuyển sang xem video. Ảnh: © advertisingvietnam.com

Với những nhiếp ảnh gia, bất kể bạn chụp ảnh sản phẩm, đồ ăn hay cưới hỏi….. thì content marketing, đặc biệt là video đang là mảnh đất rất màu mỡ. Tuy nhiên, hiện tại có nhiều người vẫn bỏ quên mảng video này.

Cũng có thể hiểu được, khi phần lớn chúng ta đang tập trung vào việc chụp. Cũng có người nghĩ: chụp là chụp, quay phim là quay phim. Tôi chỉ cần làm tốt việc chụp của mình là có khách hàng.

Đó là một suy nghĩ khá thiếu sót. Bạn sẽ có lượng khách hàng lớn hơn rất nhiều nếu bạn nhìn nhận nghiêm túc hơn với video marketing. Youtube có xấp xỉ 2 tỷ tài khoản, nhưng số tài khoản tải lên video (tức tạo ra nội dung) chỉ xấp xỉ 50 triệu (khoảng 2%) mà thôi. Cơ hội để quảng bá bản thân vẫn còn rất rộng mở với các nhiếp ảnh gia, chỉ là bạn có muốn làm hay không thôi.
Vậy, bạn có thể làm gì với video?

1. Lợi ích của việc làm video với nhiếp ảnh

+ Video có tính tương tác rất cao so với chữ & ảnh.

Điều này ngày càng trở nên chính xác hơn khi hiện nay, người xem đang dần trở nên “lười” hơn trong việc đọc. Nếu được lựa chọn giữa 2 phút đọc chữ, 2 phút xem ảnh và 2 phút xem video, bạn sẽ cảm thấy việc nào nhanh và dễ làm hơn? Rõ ràng là xem video rồi.
Một số thống kê cho thấy:

  • Nếu trong cùng một bài viết có chữ và video, 72% người dùng nói họ thích xem video hơn. (nguồn)
  • Video tạo ra số lượng chia sẻ gấp 12 lần ảnh và chữ cộng lại (nguồn)
lượng tương tác của video luôn cao hơn hẳn các hình thức khác

Lượng tương tác của video luôn cao hơn hẳn các hình thức khác. Ảnh: ©wordstream.com

+ Video mang đến cái nhìn chân thực hơn, sinh động hơn về các khía cạnh công việc.

Video giúp khách hàng nhìn nhận nhiếp ảnh gia không chỉ ở khía cạnh sản phẩm, mà còn ở góc độ con người của họ. Nhiều khi, khách hàng chọn nhiếp ảnh gia không chỉ vì sản phẩm cuối cùng. Họ chọn vì họ đã theo dõi anh ta trong thời gian dài. Họ đã biết rõ con người của anh ta, biết mình chuẩn bị được làm việc với người có tính cách thế nào.

Chính vì những điều này, tại các doanh nghiệp lớn, video hậu trường (Behind the scene) dần trở thành điều bắt buộc phải có. Nó mang khách hàng và doanh nghiệp tới gần nhau hơn, không chỉ là người bán – người mua mà còn là những người bạn.

54% khách hàng muốn xem nhiều video hơn từ những thương hiệu hoặc công ty họ thích

54% khách hàng muốn xem nhiều video hơn từ những thương hiệu hoặc công ty họ thích. Ảnh: © oberlo.com

Video một nhiếp ảnh gia quay BTS một buổi chụp chân dung với ánh sáng tự nhiên. Nguồn: Youtube © Irene Rudnyk

Vì thế, video sẽ tăng tính gần gũi của photographer với khách hàng, giúp khách hàng có cảm tình hơn và nhanh đưa ra quyết định hơn.

+ Hiện tại, việc làm video đã dễ dàng hơn trước rất nhiều.

Giờ đây, các nhiếp ảnh gia không cần tốn quá nhiều chi phí và thời gian để làm video. Không nhất thiết phải có thêm máy ảnh, bạn chỉ cần smartphone và một app làm video là có thể tự làm video cho mình hàng tuần.

Video quay cảnh behind the scene của một buổi chụp cưới rất vui vẻ. Nguồn: Youtube © The GRY India

2. Bạn có thể làm những video gì?

Được rồi, bạn đã thấy tầm quan trọng của việc làm video với nhiếp ảnh gia. Vậy bạn có thể bắt đầu làm video với những nội dung gì đây?

– Video giới thiệu bản thân

Đây là video đầu tiên bạn phải làm, cũng là video cần thiết nhất. Trong video này nên có gì? Không cần quá phức tạp, chỉ cần một đoạn giới thiệu ngắn gọn về chính bản thân bạn, kèm một vài cảnh quay ngắn mô tả lĩnh vực bạn đang làm. Đừng quên lời kêu gọi call-to-action ở cuối video (kêu gọi đăng ký kênh, liên hệ khi có nhu cầu chụp…). Các thông tin như số điện thoại, website hay Facebook, bạn có thể để ở phần mô tả của video.


Video giới thiệu bản thân, cùng một số cảnh BTS của photographer © Christian Yi

– Video hậu trường chụp của bạn

Là các video đằng sau quá trình chụp: quá trình chuẩn bị, quá trình di chuyển, quá trình chụp, quá trình hậu kỳ,… sau mỗi dự án, hoặc tổng hợp các dự án bạn đã làm theo chủ đề (ví dụ: video ghi lại các shot chụp trong tháng, video các khách hàng chụp cưới..v..v..)

Video chia sẻ cảnh chuẩn bị & chụp món yogurt parfait của © Nicole S. Young.

– Video hậu trường cho khách hàng

Với những nhiếp ảnh gia chụp ảnh con người (chân dung, phóng sự, ảnh cưới…), những video này là thứ rất độc đáo khiến bạn chiếm được cảm tình của khách hàng. Ví dụ: các video hậu trường chụp cưới, chụp chân dung gia đình… bạn có thể quay khoảng 8-10 cảnh ghi lại quá trình chuẩn bị & chụp, sau đó ghép lại thành video ngắn và gửi cho khách hàng. Đối với khách hàng, còn gì hạnh phúc hơn khi nhận được cả video và ảnh từ nhiếp ảnh gia của mình? Bạn sẽ ghi điểm cực lớn với họ.

Những video này bạn hoàn toàn có thể tự quay và dựng một cách đơn giản. Về sau, bạn có thể làm video về kinh nghiệm chụp ảnh, các cảm nhận về nghề nghiệp, quá trình thực hiện dự án hoàn chỉnh… khi đã có nhiều thời gian và nghiêm túc hơn trong việc làm thương hiệu bằng video.

3. Những thứ cần chuẩn bị khi làm video

  • Đầu tiên, dĩ nhiên bạn phải có một chiếc điện thoại hoặc một chiếc máy ảnh rồi. Không cần một chiếc máy đắt tiền, bạn chỉ cần một chiếc máy ảnh backup hoặc điện thoại với khả năng quay video từ 720p trở lên là được. Độ phân giải tối thiểu 720p là cần thiết cho thời đại 4K hiện nay.
  • Một người đi cùng hoặc một chân máy nhỏ để cố định điện thoại/máy ảnh
  • Một kịch bản sơ bộ được lên sẵn (nếu cần thiết). Bạn không cần một kịch bản được viết chi tiết, chỉ cần hình dung sẵn trong đầu những cảnh quay nào cần xuất hiện.
  • Một phần mềm dựng video trên máy tính (nếu quay bằng máy ảnh) hoặc app làm video (nếu quay bằng điện thoại). Bạn có thể sử dụng các phần mềm thông dụng như Adobe Premiere, Sony Vegas hoặc Davinci Resolve, các app làm video như Viva Video, VideoShow…
Một mẫu tripod linh động dùng cho điện thoại

Một mẫu tripod linh động dùng cho điện thoại. Ảnh sản phẩm ©Amazon.

 

4. Bạn có thể sử dụng video của mình như thế nào?

– Thứ nhất: Với video ghi lại quá trình chụp: bạn có thể gửi video này cho riêng khách hàng sau khi chụp cho họ. Video dạng này sẽ như một lời cảm ơn trân trọng tới khách hàng, giúp khách hàng có cảm tình và nhớ đến bạn lâu hơn.

Video BTS chụp trang sức của Chimkudo Studio – Khách hàng: Bảo Tín Mạnh Hải Jewelry

– Thứ hai: Bạn có thể tải các video này cùng video giới thiệu bản thân trên các kênh chia sẻ video (Youtube, dailymotion…) để tăng độ phủ cho tên thương hiệu của bạn. Rất nhiều nhiếp ảnh gia hiện tại không sử dụng Youtube và đây là cách giúp bạn nổi bật hơn. Khách hàng sẽ hiểu hơn về bạn trước khi liên hệ trực tiếp.

Như đã nói ở trên, video mang đến cái nhìn chân thực hơn, sinh động hơn cho khách hàng về các khía cạnh công việc của bạn.

– Thứ ba: bạn có thể sử dụng trên trang Facebook, Instagram cá nhân để bạn bè và những người follow hiểu rõ hơn bản thân bạn. Việc này giúp tăng tính lan truyền bằng truyền miệng và chia sẻ.

– Thứ tư: Về sau này, khi đã có nhiều thời gian và nghiêm túc hơn trong việc làm thương hiệu, bạn có thể làm video về kinh nghiệm chụp ảnh, các cảm nhận về nghề nghiệp, hành trình thực hiện một dự án chụp từ A-Z… nhằm tăng độ phủ rộng rãi, xây dựng cộng đồng fan và tìm kiếm tiềm năng làm các dịch vụ mới (tìm đối tác trong lĩnh vực mới, mở lớp đào tạo chụp ảnh, kiếm tiền từ Youtube…)

Video giới thiệu khoá học Photoshop Essential của Học viện nhiếp ảnh Chimkudo Academy

KẾT LUẬN:

Video đã và đang thay đổi cách con người nhìn thế giới, cũng như cách họ đánh giá và lựa chọn sản phẩm, dịch vụ cho mình. Thật đáng tiếc nếu nhiếp ảnh gia thương mại không biết tận dụng nó đúng không nào? Chỉ cần bắt đầu làm một video, thế giới sẽ đổi khác, và bạn sẽ không còn ngại ngùng nữa.

Bắt đầu ngay thôi!

Credit

Bản quyền bài viết thuộc về @Chimkudo Academy – Lighten your values

@Mọi trích dẫn đều phải kèm link gốc tới bài viết
Cover image by cope-salesandmarketing.com

Bài viết Tại sao nhiếp ảnh gia phải biết làm video? đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Học chụp ảnh – Chụp ảnh sản phẩm – Chụp ảnh doanh nghiệp – ChimkudoPro.

Tháng Chín 27, 2019
Copyright 2014-2022 by © Học viện nhiếp ảnh thương mại Chimkudo Academy. All rights reserved.