fbpx
  • No products in the cart.

  • LOGIN

Vẻ đẹp nghệ thuật và khoa học của nhiếp ảnh: Quy luật một phần ba

Quy luật một phần ba đã bao giờ ảnh hưởng tới bố cục những bức ảnh của bạn chưa? Với cá nhân tôi thì tôi đã trải nghiệm nó kha khá trong sự nghiệp. Chưa kể, những lần tôi áp dụng chúng, tôi lại tự hỏi tại sao đặt chủ thể tại những vị trí của quy luật một phần ba lại khiến chúng thu hút hơn? Thực tế là, mối tương quan giữa quy luật ⅓ và sự hấp dẫn thẩm mỹ thật sự rất mỏng manh. Có phải quy luật này đã lỗi thời rồi không?

Một câu chuyện lịch sử

Kĩ thuật bố cục phổ biến hàng đầu này được khởi xướng bởi John Thomas Smith, người trông tranh ảnh tại bảo tàng Anh. Ông xuất bản cuốn sách “Những dấu ấn trên tranh ảnh đồng quê” năm 1797, cuốn sách mà ông đề ra quy luật ⅓:

“Nói ngắn ngọn, khi áp dụng tỉ lệ khoảng ⅓ này, đối với bất kì trường hợp nào về hình dạng hay ánh sáng, màu sắc, đều đẹp hơn và hài hòa hơn là tỉ lệ ½ thường gặp hay toàn bộ các tỉ lệ bố cục khác.”

(Chắc ông John sẽ mỉm cười “yên nghỉ”  khi ông ấy biết rằng hơn hai trăm năm có lẻ sau, một nửa dân số thế giới sẽ cầm trên tay một thiết bị bỏ túi gọi là “điện thoại” và mang trong đó một chiếc camera có hiển thị sẵn những đường kẻ ⅓)

Câu hỏi luôn thường trực trong đầu tôi là tại sao chúng ta lại nên có một “tỉ lệ hài hòa”, một quy tắc một phần ba?  Tại sao chúng ta lại mặc định rằng vạn vật đều trở nên hấp dẫn hơn khi chúng được đặt tại những điểm vàng ấy? Smith đã đưa ra giả thuyết là “những phần hình ảnh xuất hiện bằng nhau khiến chúng ta gặp khó khăn trong việc phân biệt phần chính và phụ.”. Đó thật ra lại là một lập luận khá thú vị. Có rất nhiều các giả thuyết của Ramachandran về não bộ về cách để khiến chúng ta tập trung sự chú ý nhiều hơn.

Hơn nữa, dễ thấy được rằng có lẽ sẽ có người phản bác lại những giả thiết trên, chứng minh rằng những lời giải thích của John không hẳn là đầy đủ. Sẽ ra sao nếu chúng ta có một bức hình được sắp xếp theo quy luật một phần ba nhưng lại không làm được chức năng phân chia sự chú ý? Có thể thấy rằng còn nhiều yếu tố khác ngoài lời giải thích của Smith (hoặc chỉ đơn giản là quy luật ấy chẳng có gì liên quan).

Quy luật ⅓ không giúp chúng ta tập trung vào chủ thể nào hơn trong bức ảnh này vì cả hai chủ thể đều nổi bật trong khung hình.

Hãy nhìn bức hình trên, nó là phần cắt ra từ ảnh gốc rộng hơn do nhiếp ảnh gia Mark Dunsmuir chụp. Bức hình có hai chủ thể tranh chấp, mỗi chủ thể đều nổi bật và đều được đặt theo quy luật một phần ba. Có thể thấy, quy luật kia chẳng cho chúng ta bất kì dấu hiệu nào để phân chia điểm nhìn chính giữa hai chủ thể trên, nhưng có lẽ quy luật ấy cũng  giúp phần nào khiến bức hình trở nên ấn tượng hơn. Tôi nghĩ có thể quy luật ⅓ ấy thật sự có ích, nhưng vẫn còn khá nghi ngờ về giả thiết của Smith.

Trên thực tế, gần như kể từ khi được phát hiện, có một chút phản hồi đi lùi lại với quy tắc một phần ba. Sự cảnh giác đó hóa ra là có cơ sở. Trong một nghiên cứu gần đây tích hợp phân tích tính toán hình ảnh với nhận thức của con người về vẻ đẹp thẩm mỹ, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng quy tắc 1/3 chỉ có mối tương quan mỏng manh với sự hấp dẫn thẩm mỹ của hình ảnh. Và, có lẽ nói một cách dễ hiểu, tôi chẳng tìm thấy một sự liên quan nào của quy luật một phần ba trong văn học. Dù vậy, khi chụp một tấm hình, quy luật này cũng không tệ cho những người mới bắt đầu. Những bố cục sắp xếp theo quy luật 1/3 dường như hấp dẫn hơn nhiều so với những lựa chọn khác. Có lẽ quy tắc này không đủ để tự mình tạo ra các tác phẩm tuyệt vời, nhưng có lẽ nó đủ để giúp chúng ta tránh khỏi tạo ra những tác phẩm tồi tệ hơn nhiều. Thật vậy, trong nghiên cứu được tham chiếu ở trên, những hình ảnh kém thẩm mỹ nhất đều có “điểm” quy tắc ⅓ thấp.

Do đó, tôi đã dành thời gian trong vài tuần để tự hỏi điều gì trong lịch sử tiến hóa của chúng ta có thể mang lại sự ưu tiên cho các bố cục hình ảnh dựa trên những phần ba. Suy nghĩ ban đầu của tôi là có lẽ kiểu phân chia khung hình này bằng cách nào đó là khá lý tưởng để ghi lại hình ảnh ba chiều từ một cảnh trong thế giới thực; hoặc có thể các tác phẩm như vậy đáp ứng các tiêu chí gắt gao cho phép chúng ta (người xem) để mắt đến một chủ thể (giả sử, người mà chúng ta đang nói chuyện cùng) trong khi vẫn hướng sự tập trung chính của chúng ta vào hậu cảnh xa xôi. Vợ tôi nhanh chóng gạt bỏ cả hai vì chúng khá hại não, và chúng đều có những thiếu sót. Những ý tưởng khác của tôi cũng chẳng đi đến đâu.

Nhưng nó đã làm tôi suy nghĩ. Cuối cùng tôi bắt đầu tự hỏi liệu có lẽ chúng ta đã hỏi sai câu hỏi không. Hãy xem qua một số các quy luật phổ biến khác.

Đừng đặt chủ thể ở giữa khung hình

Còn một quy luật chính mà chúng ta thường thấy trong nhiếp ảnh: đừng đặt chủ thể ở giữa khung hình. Có thể thấy, lời khuyên này là đúng. Trong đa số trường hợp, mọi người không thường đặt chủ thể ở giữa khung hình. Dù sao thì, cũng có những trường hợp ngoại lệ. Những hình ảnh có góc nhìn chính diện, chủ thể đặt chính giữa khung hình thường được ưa thích hơn.

Một trong số ít những trường hợp mà chủ thể đặt giữa khung hình lại “đẹp”: khi mà chủ thể cân xứng và được nhìn bằng góc chính diện.

Tại sao lại như vậy  Tại sao chúng ta lại đặt những chủ thể cân xứng vào giữa còn những chủ thể bất cân xứng thì lại ở những vị trí khác trên khung hình? Nếu cho tôi được đoán, tôi nghĩ rằng khi đặt vật thể trên đường chính giữa, não chúng ta lập tức sẽ mường tượng ra sự đối xứng của chủ thể. Và nếu chủ thể ấy không cân xứng, chúng ta sẽ rất thất vọng. Bức ảnh phía trên khá đẹp mắt là do chủ thể tương đối cân xứng. Chúng ta được mặc định để nhận ra và đáp ứng sự đối xứng đó. Nó đã ăn sâu vào sự đánh giá của chúng ta về vẻ đẹp trên khuôn mặt của con người.

Xu hướng này của đường trung tâm để làm nổi bật các đối xứng hình ảnh có thể được sử dụng rất hiệu quả khi chúng ta muốn nhấn mạnh các đối xứng đó trong hình ảnh của chúng ta, như trong trường hợp của chú chim Nazca Booby, ở trên, hoặc của miếng gỗ và đám mây bên dưới.

Trong bức ảnh này, việc đặt miếng gỗ ở giữa khung hình đem lại sự hài hòa, đối xứng cho bức hình vì có thêm sự xuất hiện của đám mây lớn.

Nếu chủ thể của chúng ta không phải một vật đối xứng, mà vẫn được đặt ở vị trí trung tâm, có thể tạo nên cảm giác khó chịu đối với người xem. Hãy nhìn bức ảnh phía dưới đây, chúng chỉ khác nhau ở cách cắt khung hình.

Cân giữa

Quy luật 1/3

Bức ảnh phía bên trên khiến chúng ta không cảm nhận được sự đối xứng mà não bộ tìm kiến. Mắt tôi nhìn đầu tiên vào chủ thể để rồi bị thất vọng vì không tìm thấy bất kì sự đối xứng nào. Những ngọn núi bên tay trái đều tối màu và đậm hơn hẳn những ngọn núi bên phải. Sự kết hợp ánh sáng trong khung hình không đồng đều, bất cân xứng. Khiến tôi khá khó chịu. Mặt khác, khi đặt chủ thể chỉ một chút xa ra khỏi trung tâm về bên trái (ảnh dưới) theo quy luật một phần ba, chúng ta thấy được nhiều điểm lợi hơn. Trước hết, não bộ không còn tìm kiếm bất kì sự cân đối nào nữa. Thứ hai là, những vùng tối bên trái được cân bằng với vùng trắng bên phải. Cuối cùng là, bức hình khiến chủ thể đang đi về phía bên phải một khoảng trống để “đi tới”. Nghiên cứu đã chứng minh, nhìn chung, khi một vật thể được đặt ngoài vị trí trung tâm và có hướng di chuyển rõ ràng, chúng ta thường muốn chúng được đặt quay về hướng chính giữa.

Do đó, đối với hầu hết các đối tượng, có một ưu tiên thẩm mỹ cho vị trí ngoài trung tâm. Các vị trí hấp dẫn về mặt thẩm mỹ dọc theo đường trung tâm là ngoại lệ.

Những khung hình

Hãy nhìn vào khía cạnh khác của bố cục hình ảnh. Khái niệm về một khung hình, hoặc ranh giới, đã được ẩn giấu trong toàn bộ bài viết này. Nhưng tại sao chúng ta nên có những cảm giác nhất định đối với cách mà nhiếp ảnh gia ghi lại khung hình của họ?  Trong suốt phần lớn lịch sử tiến hóa của chúng ta, không có tranh hay ảnh để suy nghĩ về việc nên ghi lại hình ảnh trong khung hình như thế nào. Tại sao chúng ta nên có những suy nghĩ về giới hạn của hình ảnh so với các đối tượng trong đó?

Chỉ vì những bức tranh và bức ảnh không quá phổ biến trong lịch sử của chúng ta, không có nghĩa là tầm nhìn của chúng ta đã bị đóng khung hẹp lại. Hãy tưởng tượng bạn đang ngồi trong một lều trú ẩn trên thảo nguyên châu Phi đang chờ đợi một bữa ăn khi phóng tầm mắt ra ngoài bạn bắt gặp một con linh cẩu đang di chuyển trên bãi cỏ cao; một con linh cẩu, từ vị trí của bạn, chỉ ở rìa tầm mắt, sắp biến mất khỏi tầm nhìn phía sau chiếc lều. Bạn có suy nghĩ như thế này không, “Ohhhh, thật quá đáng yêu mà? Đó là nơi mà mình có thể tìm được những kẻ săn mồi lớn hơn: ngay gần đó và sắp biến mất khỏi tầm nhìn của mình.”

Dĩ nhiên là không. Bạn có lẽ nên chạy theo ngay lập tức cố gắng để có được một bức ảnh tốt hơn, có được nhiều bối cảnh hơn. Linh cẩu đến từ đâu? Tại sao nó lại đi theo hướng đó? Có phải nó đi một mình? Có linh cẩu khác gần đó, theo dõi nó hay không? Hay có những con linh cẩu khác ở phía trước nó có thể đang vây quanh bạn?

Chúng ta có một nhu cầu sâu sắc, dựa trên cảm xúc, sự sinh tồn về việc có đủ tầm nhìn để thực sự hiểu các yếu tố quan trọng của môi trường, bối cảnh xung quanh chúng ta và những nơi chúng ta có thể đi tới. Cuộc sống của chúng ta có thể phụ thuộc vào nó. Vì vậy, chẳng quan trọng bất cứ thứ gì đang hạn chế tầm nhìn của bạn, có là một bức tường trú ẩn, miệng hang, không gian giữa các thân cây liền kề bên trong một khu rừng hay các rìa của một bức ảnh. Bạn có lẽ sẽ thấy bình yên hơn về mặt cảm xúc nếu có một khoảng cách nhỏ giữa linh cẩu và điểm mà nó biến mất khỏi tầm nhìn.

Sự đối xứng và khung hình có liên quan gì đến quy luật ⅓?

Hãy lùi lại một chút và xem chúng ta đang có những gì. Chúng ta đã thảo luận về hai quy tắc khác nhau mà có thể đúc kết lại là: không thể đặt các đối tượng trên đường trung tâm của khung hình; và đừng chụp chủ thể quá gần với hai rìa bức ảnh. Hình dưới đây sẽ thể hiện những bố cục nên và không nên dùng:

Màu đỏ là những vùng nên tránh đặt chủ thể vào.

Lưu ý rằng khi các khu vực loại trừ của hai quy tắc được kết hợp, chúng ta sẽ có được một cái gì đó trông tương tự như quy tắc 1/3 . Điều gì sẽ xảy ra nếu quy tắc 1/3 không phải là một quy tắc hiển nhiên, mà đó là một vài sự tiến triển trong suy nghĩ của chúng ta cho lý do tại sao những tiêu điểm của một hình ảnh nằm dọc theo phần ba của nó được yêu thích hơn? 

Điều này có thể giải thích một số sự vô cảm mà chúng ta thường gặp phải khi áp dụng chính xác quy tắc một phần ba. Các phần loại trừ được minh họa trên ảnh trên cũng chỉ là tương đối. Quy luật này không yêu cầu sự chính xác đến tuyệt đối về vị trí ⅓ của khung hình mà quan trọng là một lời khuyên về nhiếp ảnh, không nên đặt vật thể ở các vị trí quá gần với mép của khung hình.

Điều này cũng có thể giải thích, ít nhất là một phần, tại sao mối tương quan giữa quy tắc một phần ba và sự hấp dẫn thẩm mỹ được đánh giá của con người được đề cập trước đó là yếu. Nếu chúng ta hiểu các quy tắc cơ bản và lý do của chúng, có vô số cách mà các quy tắc có thể được chọn lọc được đón nhận hoặc phá vỡ để đạt được một kết quả cụ thể. Một nhiếp ảnh gia lâu năm có thể sẽ có kinh nghiệm trong việc sử dụng tính linh hoạt sáng tác hơn để tạo hiệu ứng thẩm mỹ mạnh mẽ, vượt ra khỏi quy tắc đơn giản của các tác phẩm theo quy luật một phần ba.

Tuy nhiên, đó vẫn không phải là một quy tắc tồi, đặc biệt là đối với các nhiếp ảnh gia vừa nhập môn. Nó có thể giúp tránh nhiều lỗi cơ bản. Tuy nhiên, cuối cùng, rất đáng thời gian và công sức khi hiểu điều gì đó từ những điều cơ bản hơn có thể làm nền tảng cho bố cục hình ảnh để khi chúng ta phát triển thành nhiếp ảnh gia, chúng ta có thể chọn cách thức và thời điểm để “phá cách” hiệu quả.

Credits:

Bài viết gốc bởi  Fstoppers
Dịch bởi Học viện nhiếp ảnh Quảng Cáo Chimkudo Academy. Yêu cầu không trích dẫn nếu chưa được sự đồng ý.

Bài viết Vẻ đẹp nghệ thuật và khoa học của nhiếp ảnh: Quy luật một phần ba đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Học chụp ảnh – Chụp ảnh sản phẩm – Chụp ảnh doanh nghiệp – ChimkudoPro.

Tháng Năm 2, 2020
Copyright 2014-2022 by © Học viện nhiếp ảnh thương mại Chimkudo Academy. All rights reserved.